Nhận xét, đánh giá chương trình lớp 1 cần dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn

Ở thời điểm này, nếu đưa ra nhận xét, đánh giá chương trình lớp 1 nói chung và môn Tiếng Việt nói riêng 'nặng' là chưa đủ thuyết phục. Đánh giá 'nặng' hay 'nhẹ' phải có cơ sở khoa học và thực tiễn, ít nhất là 1 năm học.

Học sinh Trường Tiểu học Nậm Cắn 1, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) trong giờ học theo SGK mới. Ảnh: Hồ Lài

Học sinh Trường Tiểu học Nậm Cắn 1, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) trong giờ học theo SGK mới. Ảnh: Hồ Lài

“Nặng – nhẹ” do cảm nhận mỗi người

GS.TS Đỗ Việt Hùng – Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” khẳng định: Các bộ sách giáo khoa (SGK) đều phải tuân thủ chương trình, nên khó hay dễ còn tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. SGK cụ thể hóa chương trình nên tùy từng nhóm tác giả của từng bộ sách, có thể có cách thể hiện khác nhau. “Chẳng hạn, với bộ sách này yêu cầu 10 tuần đầu sẽ phải “nặng” hơn một chút nhưng càng về sau sẽ càng nhẹ hơn hoặc ngược lại. Nhưng tất cả đều phải tuân thủ yêu cầu về chuẩn đầu ra” - GS.TS Đỗ Việt Hùng chia sẻ.

Theo PGS.TS Trần Diên Hiển (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) – Chủ biên sách giáo khoa môn Toán lớp 1, dù là bộ SGK nào đi chăng nữa vẫn phải viết theo chương trình đã được Bộ GD&ĐT ban hành và bảo đảm chuẩn đầu ra. Khi viết sách, mỗi nhóm tác giả sẽ có cách thể hiện riêng, mang tính vùng miền. “Hiện, tôi chưa nhận được ý kiến phản hồi nào từ giáo viên, cán bộ quản lý về chương trình lớp 1 “nặng”, trong đó có môn Toán” - PGS.TS Trần Diên Hiển cho hay; đồng thời nhấn mạnh: Đánh giá chương trình “nặng” hay “nhẹ” phải có cơ sở khoa học và có tiêu chí cụ thể. Có thể nhiều phụ huynh dạy con 1 - 2 bài thấy căng thẳng nên vội kết luận là chương trình “nặng”. Đó là cách hiểu không đầy đủ.

“Để có căn cứ đánh giá, ít nhất phải qua 1 năm học. Khi đó giáo viên, cán bộ quản lý sẽ có nhận xét. Lúc này, những ý kiến đưa ra mới có thể tạm coi là có căn cứ” - PGS.TS Trần Diên Hiển nói.

Giờ học tiếng Việt của lớp 1A, Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình). Ảnh: TG

Không thể đo ni đóng giày cho tất cả học sinh

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) – Chủ biên SGK môn Hoạt động trải nghiệm lớp 1 chia sẻ: Các bộ SGK có sự khác nhau, cảm nhận về độ khó và cách chuyển hóa ngữ liệu cũng khác nhau. Vì thế, có những ngữ liệu sẽ gần với kinh nghiệm của giáo viên, phụ huynh thì mọi người sẽ nhận thấy bài học nhẹ nhàng, gần gũi. Nhưng có những ngữ liệu không tiệm cận với kinh nghiệm của thầy, cô giáo và cha mẹ, bài học có thể trở thành “nặng”, khó. Hoặc khi viết sách, cùng một nội dung, có tác giả sẽ triển khai sâu sắc, nhưng có người chỉ triển khai ở hiện tượng. Do vậy, nặng - nhẹ; khó - dễ sẽ tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người.

Cho rằng, ở thời điểm này nếu đưa ra nhận xét chương trình “nặng” là chưa đủ thuyết phục, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa nhấn mạnh: Nhận xét, đánh giá vấn đề này cần phải có quá trình. Với Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới nếu giáo viên chưa được tập huấn kỹ về phương pháp dạy học có thể sẽ gặp khó khăn khi triển khai vào thực tế. Khi được tập huấn kỹ rồi, rào cản sẽ được giáo viên dễ dàng tháo gỡ.

Giáo viên sẽ có phương pháp dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh của mình. Ảnh: TG

“Môn Hoạt động trải nghiệm, khi thử nghiệm để đo độ khó – dễ, tôi thu được kết quả rất khác nhau từ giáo viên và học sinh các vùng miền. Có người cho rằng, nội dung này dễ, nhưng người khác lại bảo khó cho học sinh. Khi tôi quyết định dung hòa hai mức này, tạm gọi là mức trung bình thì vẫn là khó với nhiều học sinh (học sinh yếu chẳng hạn), đó là thực tế. Nói như vậy để thấy, chúng ta không thể “cắt may” cho tất cả học sinh ở cùng một lứa tuổi và cũng không bao giờ có bài toàn phù hợp với mọi lứa tuổi. Nó sẽ phù hợp với bạn này, nhưng sẽ khó hoặc dễ với bạn kia. Cho nên không một tác giả nào có thể viết ra cuốn SGK phù hợp với tất cả học sinh trên cả nước. Chỉ có thầy cô giáo mới là người “may đo” phù hợp với học sinh của mình” - PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa trao đổi.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa tin tưởng, các tác giả viết SGK lớp 1 đều có kinh nghiệm lâu năm và rất hiểu tâm sinh lý trẻ con nên phụ huynh yên tâm khi con mình được học Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Chương trình giáo dục phổ thông mới và các bộ SGK lớp 1 đã được thông qua và ban hành với các quy định và quy trình nghiêm ngặt.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa đề xuất: Cần tập huấn kỹ hơn cho giáo viên, để họ hiểu và làm đúng mục tiêu của Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới hơn. Khi giáo viên dạy đúng phương pháp, học sinh sẽ dễ hiểu bài hơn. Đây là bài toán cần giải quyết thật tốt. Về phía phụ huynh, cần lắng nghe và hãy tin tưởng vào các nhà khoa học, nhà giáo dục, thầy cô giáo. Còn khó – dễ hay nặng – nhẹ (nếu thực sự có), các thầy, cô sẽ có phương pháp dạy học phù hợp nhất với từng học sinh của mình.

PGS.TS Trần Diên Hiển cho rằng: Dư luận không nên bị cuốn theo một vài ý kiến của phụ huynh. Đánh giá chương trình hay một bộ SGK nào đó cần có đầy đủ cơ sở khoa học, lý luận và có quá trình thực tiễn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhan-xet-danh-gia-chuong-trinh-lop-1-dua-tren-co-so-khoa-hoc-va-thuc-tien-frzARQFGR.html