Nhân vụ tử vong sau truyền dịch: Không phải trường hợp nào cũng truyền nước bù dịch

Các chuyên gia khẳng định, truyền dịch là chỉ định phổ biến trong các cơ sở y tế. Nguy cơ tai biến xảy ra do truyền dịch không chỉ gặp riêng trong việc 'tự ý truyền' tại nhà, tại phòng khám tư, mà ngay ở các cơ sở y tế, bệnh viện… đều có thể xảy ra.

Truyền dịch là chỉ định y khoa phổ biến trong cơ sở y tế, dù ít gây tai biến nặng nhưng không phải không có. Ảnh: TL

Truyền dịch là chỉ định y khoa phổ biến trong cơ sở y tế, dù ít gây tai biến nặng nhưng không phải không có. Ảnh: TL

Những tai biến dễ gặp khi truyền dịch

Cuối tháng 9, bà V.T.B (56 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương) do thấy trong người mệt mỏi nên đã ra hiệu thuốc mua một chai dịch và nhờ người về nhà truyền giúp. Tuy nhiên, khi truyền dịch được khoảng 10 phút, bà thấy trong người khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn và toàn thân rét run. Lúc này, gia đình vội rút kim truyền và đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cấp cứu.

Bà B nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ độ III và tiên lượng nặng do truyền dịch. Sau khi được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân B đã ổn định sức khỏe.

Không may mắn giữ được mạng sống do tai biến sau truyền dịch như bà B, không ít người đã phải chết oan vì tự ý truyền dịch chỉ vì thấy “sốt, mệt mỏi”. Với trường hợp bé trai 22 tháng tuổi ở Gia Lâm (Hà Nội) tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư ở quận Long Biên, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa công bố nguyên nhân gây ra cái chết thương tâm của em bé này. Tuy nhiên, BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) - nơi em bé được đưa vào cấp cứu thông tin với Báo Gia đình & Xã hội, trong 4 nhóm nguyên nhân có thể nghĩ tới, có nguyên nhân có thể bé bị viêm cơ tim cấp.

“Khi vào viện, chúng tôi phát hiện điều bất thường là bé có gan to ngang rốn, trong khi bình thường trẻ con gan mấp mé mạn sườn. Cũng có thể, bé bị sốt, tiêu chảy do virus khiến bệnh nhi bị viêm cơ tim. Những nguyên nhân này đều có thể gây tử vong”, BS Thường cho hay. Nguyên nhân khác khiến bé tử vong không thể loại trừ là sốc do truyền dịch.

Các bác sĩ khẳng định, truyền dịch là chỉ định thường gặp, phổ biến trong các cơ sở y tế. Nguy cơ tai biến xảy ra do truyền dịch không chỉ gặp riêng trong việc “tự ý truyền” tại nhà, tại phòng khám tư, mà ngay ở các cơ sở y tế, bệnh viện… đều có thể xảy ra. Sốc phản vệ do dịch truyền tỷ lệ thấp hơn nhiều so với sốc do kháng sinh.

Không phải trường hợp nào cũng truyền nước bù dịch

Theo BS Thường, trong sự nghiệp hơn 20 năm làm ngành Y, ông thường gặp các tai biến nhẹ do truyền dịch như: Rét run, co giật trong khi truyền… Tuy nhiên, vị bác sĩ này cảnh báo 2 tai biến nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng là: Sốc do dịch truyền và tai biến suy tim cấp, phù phổi cấp do quá tải thể tích tuần hoàn. “Nếu việc truyền dịch tuân thủ đúng chỉ định, đảm bảo đúng tốc độ truyền, đúng phác đồ thì các tai biến này hiếm gặp”, BS Thường thông tin.

Các bác sĩ khẳng định, chỉ khi mất nước, mất dịch thì mới chỉ định truyền. “Tình huống thứ nhất, mất nước, mất dịch nhìn thấy. Đó là khi trẻ tiêu chảy nhiều, nôn trớ nhiều, hoặc bệnh nhân sốt cao (cứ tăng 1 độ thì chuyển hóa cơ bản tăng 10%), dẫn đến mất nước qua hơi thở, qua da. Ngoài ra, có tình huống mất dịch không nhìn thấy như trường hợp bệnh nhân bị sốt xuất huyết, gây giãn mạch, dịch từ lòng mạch ra và phải bù dịch”, BS Thường cho hay.

Hiện nay, rất nhiều phụ huynh, thậm chí bệnh nhân cứ thấy sốt, tiêu chảy, mệt mỏi là yêu cầu nhân viên y tế truyền dịch. Có trường hợp, phụ huynh, bệnh nhân ra hiệu thuốc, thuê nhân viên nhà thuốc về tận nhà truyền, bất chấp các khuyến cáo chống chỉ định.

Theo BS Thường, dù tiêu chảy cấp gây mất nước cho bệnh nhân nhưng không phải trường hợp nào cũng truyền nước bù dịch. “Tiêu chảy cấp ở trẻ có 3 mức độ: A-B-C. Nếu ở mức độ C thì trẻ dứt khoát phải bù dịch. Trường hợp mất dịch trên 10% dễ dẫn đến sốc, nhân viên y tế phải truyền dịch tốc độ nhanh hơn rất nhiều mức bình thường, thường bơm 20ml dịch/kg cân nặng/10-15 phút, bơm trực tiếp tĩnh mạch chứ không truyền dịch nhỏ giọt”, BS Thường phân tích.

Bên cạnh đó, rất nhiều người cho rằng khi bị sốt do virus cúm phải truyền dịch mới nhanh hết sốt. Thậm chí, còn truyền “đạm” hoa quả (dịch truyền cung cấp một số loại vitamin), truyền “nước biển” để mau phục hồi, đỡ mệt mỏi. Đây là quan niệm sai lầm. Các loại dịch truyền phổ biến là dung dịch đường glucose (5%, 10%), nước muối (nước biển với tỷ lệ natriclorua là 9/1.000), dung dịch tổng hợp nhiều chất điện giải.

Thông thường, nếu truyền 1 lít Glucose 5% thì hấp thu vào cơ thể cũng chỉ được 50ml. Bù lại, lượng glucose có thể được hấp thụ nhiều hơn qua đường uống, chẳng hạn bằng nước chanh, nước cam. Đặc biệt, khi người bệnh đang sốt cao, khả năng hấp thụ lượng nước, muối và các chất điện giải này không nhiều.

Với bệnh nhi mắc viêm não, viêm màng não, cơ chế chọn dịch truyền là khác hẳn. Nếu truyền dịch muối, đường rất nguy hiểm vì làm tăng phù não. Còn viêm phổi thường không được truyền dịch, vì dịch truyền sẽ làm tăng gánh nặng cho phổi, tim. “Vì vậy, nguyên tắc là không được truyền muối, đường khi sốt virus, vì những chất này đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ, tăng phù não, bệnh nặng thêm. Hơn nữa, hiện vẫn chưa ai chứng minh được truyền dịch vào là hết sốt”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý. Cũng có những trường hợp bị sốt được truyền dịch, đỡ ngay, nhưng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, người bệnh hết sốt có thể là nhờ tác dụng của thuốc hạ sốt.

Một cảnh báo được các bác sĩ đưa ra, nếu truyền dịch nhiều, không đúng chỉ định sẽ dẫn đến quá tải dịch một cách cấp tính, bệnh nhân nhanh chóng bị phù phổi cấp, suy tim cấp, rất nghiêm trọng bởi có thể gây tử vong. Truyền dịch có thể gây nhiễm trùng, lây nhiễm các bệnh nhiễm khuẩn, viêm gan... Do vậy, nếu bị sốt do virus cúm, bị tiêu chảy, sốt, mệt mỏi mà vẫn ăn uống tốt thì không nên truyền dịch, mà hãy bồi bổ qua đường ăn uống. Theo BS Nguyễn Văn Thường: “Muốn bù nước cho bệnh nhân, tốt nhất là qua đường uống. Đơn giản nhất là uống Oresol đúng tỷ lệ”.

BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: “Chỉ truyền dịch với bệnh nhân có đủ chỉ định, truyền tốc độ bao nhiêu, theo cân nặng bệnh nhân phải được tính toán. Tốc độ truyền cũng phải tuân thủ theo mức độ mất nước. Đặc biệt, phải theo dõi biến chứng, nhất là trong 3-10 phút đầu truyền dịch. Bệnh nhân phải được truyền nước tại cơ sở y tế được cấp phép, có đủ trang thiết bị, nhân lực cấp cứu sốc phản vệ…”.

Theo các bác sĩ, những bệnh nhân sau nên cẩn thận khi truyền dịch:

- Bệnh nhân lớn tuổi, có độ lọc thận yếu, bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp hay có bệnh lý về não khi truyền dịch chứa chất điện giải.

- Trẻ bị sốt không được truyền muối, đường vì những chất này đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ, tăng phù não.

- Bệnh nhi viêm phổi không nên truyền dịch vì dịch truyền làm tăng gánh nặng cho phổi, tim. Bệnh nhi viêm não, viêm màng não, cơ chế chọn dịch truyền phải theo địa chỉ của bác sĩ.

Quỳnh An

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/nhan-vu-tu-vong-sau-truyen-dich-khong-phai-truong-hop-nao-cung-truyen-nuoc-bu-dich-2018101916390385.htm