Nhãn VietGAP của Hưng Yên 'bay' vào siêu thị

Đánh giá về tình hình sản xuất, tiêu thụ nhãn của tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có hai điểm nổi bật là sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết được mở rộng và dấu ấn của các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nhãn ngày càng rõ.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT Hưng Yên, năm nay, do thời tiết thuận lợi, cây nhãn sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa đạt trên 95%, diện tích trồng nhãn cho thu hoạch trên địa bàn tỉnh khoảng 3.820ha, sản lượng ước đạt 41.000 tấn.

Ông Nguyễn Hữu Phú – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hàm Tử cho biết, phần lớn diện tích nhãn trên địa bàn được sản xuất theo chuỗi, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: K.N

Đến nay, trà nhãn sớm với diện tích khoảng 250ha đã thu hoạch xong. Nhãn chính vụ thu hoạch trong khoảng 5-25.8 với diện tích khoảng 2.100ha, sản lượng 22.700 tấn. Trà nhãn muộn từ 30.8-20.9, diện tích 1.500ha, sản lượng ước đạt 16.200 tấn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, áp dụng quy trình VietGAP đã giúp nâng cao chất lượng, hình ảnh của nhãn Hưng Yên. Đến nay, diện tích nhãn sản xuất theo VietGAP đã chiếm hơn một nửa trong tổng số hơn 4.000ha nhãn, chỉ riêng xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu) đã có đến 300ha nhãn VietGAP. “Đó là con số đáng mừng, thể hiện mối liên kết giữa nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp ngày càng bền chặt”-Bộ trưởng Cường nói.

Điều đáng ghi nhận là, phần lớn sản lượng nhãn VietGAP đều được các siêu thị tiêu thụ với giá ổn định.

Chính vì đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi nên việc tiêu thụ nhãn đang khá thuận lợi. Ông Đặng Văn Xây - Giám đốc HTX Nhãn lồng Hồng Nam, xã Hồng Nam (TP.Hưng Yên) cho biết, thời điểm này, giá nhãn của hợp tác xã đạt 30.000 đồng/kg. Hiện HTX có 26 thành viên, canh tác trên diện tích 12ha, sản lượng nhãn dự kiến đạt 100 tấn.

Ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho hay, ngay từ đầu năm 2018, Sở đã chủ động xây dựng các kế hoạch xúc tiến thương mại, trong đó ưu tiên các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nhãn, mời gọi các doanh nghiệp, siêu thị về kết nối, tiêu thụ nhãn giúp người dân.

Từ kinh nghiệm của vụ vải thiều vừa qua tại Bắc Giang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, mặc dù nông sản được mùa tăng gấp rưỡi, gấp đôi sản lượng nhưng nếu các cấp, ngành vào cuộc một cách đồng bộ, các thành phần kinh tế cùng bà con nông dân ý thức ngay từ đầu để có phương án tiếp cận thị trường, huy động lực lượng từ các nhà phân phối, chế biến đến bán lẻ trong và ngoài nước thì sức ép tiêu thụ sản lượng lớn không phải là quá nan giải.

“Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế, các nhà khoa học, ngành chức năng cần nghiên cứu giúp bà con sản xuất rải vụ. Trước đây, chúng ta chỉ thu hoạch nhãn trong vòng 1-2 tháng. Hiện nay, bằng các tiến bộ kỹ thuật, cơ cấu giống, hiện chúng ta đã rải vụ được 3 tháng. Nhưng cần phải nghiên cứu để vụ không chỉ kéo dài 3 tháng mà có thể nửa năm, thậm chí lâu hơn, bằng cơ cấu giống chọn lọc, bằng tiến bộ về bảo quản. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chế biến sâu, gắn kết nông nghiệp với du lịch để nâng cao giá trị gia tăng”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Khánh Nguyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/nhan-vietgap-cua-hung-yen-bay-vao-sieu-thi-903468.html