Nhân viên y tế ghé thăm, bộ lạc rừng Amazon có ca nhiễm đầu tiên

Sau khi được nhân viên y tế của chính phủ ghé thăm, bộ lạc Kanamari, sinh sống trong rừng Amazon, đã ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.

Suốt nhiều tháng trời, bộ lạc Kanamari cố gắng “giãn cách xã hội” ở một khu thung lũng xa xôi, hẻo lánh. Các thổ dân không cho phép người ngoài vào làng với hy vọng dịch bệnh không thể xâm nhập.

Song những trường hợp nhiễm Covid-19 vẫn xuất hiện. Đáng chú ý, chính nhân viên y tế của chính phủ là nguồn lây nhiễm bệnh cho thổ dân. “Nhiều người vơ vội quần áo rồi chạy vào rừng để trốn tránh. Nhưng đã quá muộn rồi”, tộc trưởng Thoda Kanamari cho biết.

Nguồn lây nhiễm khó lường

Hơn 1.000 nhân viên y tế chuyên chăm sóc các thổ dân, hay còn gọi là Sesai, đã xét nghiệm dương tính với virus corona từ đầu tháng 7, New York Times dẫn thông tin từ nhiều đại diện công đoàn.

 Bộ lạc Kanamari, sinh sống trong rừng Amazon, đã ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Ảnh: Getty Images.

Bộ lạc Kanamari, sinh sống trong rừng Amazon, đã ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Ảnh: Getty Images.

Các Sesai vô tình gây ra nhiều cụm lây nhiễm vì thiếu trang thiết bị bảo hộ và không được chẩn đoán bệnh kịp thời. Trong số 15.500 thổ dân nhiễm virus corona, có ít nhất 10.889 trường hợp sống trong các khu vực được chăm sóc y tế.

Đại tá Robson Santos da Silva, cấp chỉ huy của các Sesai, phản đối những cáo buộc nhắm vào lực lượng này. Ông cho rằng lời chỉ trích là “sai sự thật và mang tính chính trị”, đồng thời khẳng định: “Chúng tôi đang chiến đấu hàng ngày với dịch bệnh nơi tiền tuyến”.

Trong một tuyên bố gửi qua email, lực lượng Sesai cũng phản đối cáo buộc phát tán virus corona trong cộng đồng người bản địa và tuyên bố nhân viên y tế có đủ trang thiết bị bảo hộ.

“Sự chuẩn bị kỹ càng giúp chúng tôi kịp thời chăm sóc các thổ dân”, tuyên bố này cho biết.

Song New York Times đưa tin ít nhất 6 văn phòng làm việc của các Sesai có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn 8% so với mức trung bình tại khu vực rừng Amazon. Trong đó, 2 văn phòng có tỷ lây nhiễm cao đột biến, dẫn số liệu tổng hợp từ các hiệp hội chăm sóc sức khỏe.

Văn phòng y tế tại bang Amapa và bang Para báo cáo gần một nửa số nhân viên y tế dương tính với virus corona. Ảnh: Reuters.

Cụ thể, văn phòng y tế tại bang Amapa và bang Para báo cáo gần một nửa số nhân viên y tế, tương đương 186 trường hợp, dương tính với virus corona. Trong khi đó, đơn vị Sesai chuyên trách bộ lạc Yanomami có tới 207 người, tương đương 20% tổng số nhân viên, nhiễm Covid-19.

Vô tình mang theo mầm bệnh

Đại diện các công đoàn cùng nhiều chuyên gia cho rằng số Sesai nhiễm bệnh trên thực tế còn cao hơn vì tình trạng thiếu hụt xét nghiệm. Tính đến cuối tháng 6, hệ thống y tế của Brazil chỉ xét nghiệm được cho 1.080 Sesai, tương đương 5% tổng số nhân viên y tế làm việc tại các khu vực của người bản địa.

Do năng lực xét nghiệm yếu kém, nhiều y bác sĩ không biết mình đã nhiễm bệnh và tiếp tục đi làm như bình thường. Họ còn phải làm việc trong điều kiện thiếu hụt các trang thiết bị bảo hộ cơ bản.

Bên cạnh đó, việc thiếu cách thức truy dấu và xử lý mầm bệnh cũng là một yếu tố thúc đẩy sự lây lan của virus corona. Tù trưởng của các bộ lạc cho biết họ không xác định được số ca lây nhiễm từ nhân viên y tế.

Bộ lạc Yanomami đã yêu cầu chính phủ giúp đỡ khi đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng ở Brazil. Ảnh: Getty Images.

Felipe Tavares, chuyên gia nghiên cứu về sức khỏe cho người bản địa tại Đại học Liên bang Fluminense, nhận xét: “Đội ngũ nhân viên y tế không được bảo vệ trước dịch bệnh. Khi đến chăm sóc cho người bản địa, họ vô tình mang mầm bệnh vào cộng đồng dễ bị tổn thương này”.

Ông Junior Yanomami, một thành viên trong hội đồng y tế người bản địa Yanomami, cho biết bộ lạc của ông đã yêu cầu chính phủ giúp đỡ khi đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng ở Brazil.

Song có đến 90 trong số 131 nhân viên y tế được điều đến Yanomami xét nghiệm dương tính với Covid-19. “Họ vô tình trở thành nguồn lây nhiễm chính, khiến 262 thổ dân nhiễm bệnh và 5 người khác tử vong”, ông Junior Yanomami cho hay.

Người bản địa dễ bị tổn thương

Bác sĩ kiêm nhà nhân chủng học Luiza Garnelo, thuộc cơ quan nghiên cứu y tế của chính phủ Fiocuz Amazonia, cho rằng đại dịch đã phơi bày những góc khuất trong công tác chăm sóc cộng đồng người bản địa.

Ông Garnelo cho biết: “Trước khi có dịch, người bản địa đã phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm hệ thống y tế không đạt chuẩn, nạn nghèo đói và nạn xâm chiếm đất đai. Họ không nhận được mức hỗ trợ đầy đủ nên không thể chống chọi với dịch bệnh. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt xã hội lẫn mặt kinh tế”.

Trước tình hình này, một thẩm phán của Tòa án Tối cao Brazil đã ra lệnh cho chính phủ tăng gấp đôi viện trợ để bảo vệ cộng đồng người bản địa trước virus corona.

Cụ thể, phán quyết yêu cầu giới chức nước này phải đưa ra một bản kế hoạch toàn diện trong vòng 30 ngày nhằm thiết lập hệ thống phản ứng với dịch bệnh.

Tính đến ngày 21/7, Brazil ghi nhận hơn 2,1 triệu ca nhiễm và 80.251 ca tử vong vì Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Một thẩm phán khác cũng công khai phản đối cách Tổng thống Bolsonaro xử lý dịch -19. Thẩm phán này đã cảnh cáo quân đội Brazil, đơn vị chỉ huy lực lượng Sesai, có thể phải chịu trách nhiệm vì gây ra “một cuộc diệt chủng” trong cộng đồng người bản địa.

Tính đến ngày 21/7, Brazil ghi nhận hơn 2,1 triệu ca nhiễm và 80.251 ca tử vong vì Covid-19, dẫn số liệu từ Worldometers.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhan-vien-y-te-ghe-tham-bo-lac-rung-amazon-co-ca-nhiem-dau-tien-post1109627.html