Nhân viên VFF có quyền bán vé ra chợ đen để lấy tiền sử dụng gia đình

Sau vụ việc Công an quận Nam Từ Liêm bắt giữ nhân viên của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam thuộc VFF có hành vi 'tuồn vé' ra chợ đen, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam Vũ Thị Hương đã có chia sẻ với báo chí xung quanh sự việc này.

Ngày 5/12, báo chí đồng loạt đưa tin về việc nhân viên Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam bị cơ quan công an quận Nam Từ Liêm phát hiện bán một số vé trận bán kết lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và Philippines ra ngoài chợ đen, là lãnh đạo của Trung tâm, bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Chúng tôi được tin báo của Công an quận Nam Từ Liêm đơn vị chúng tôi có 1 cán bộ tên là Trịnh Ngọc Trung, trong người có vé để bán cho một đối tượng khác. Số lượng vé chúng tôi không nắm được là bao nhiêu nhưng ở đơn vị mỗi cán bộ công nhân viên được mua 6 vé và được cấp 2 giấy mời. Anh Trung có vợ làm ở đây nên sẽ có một lượng vé trong người.

Với nhu cầu, gia đình 2 bên ở rất xa và không có nhu cầu đi xem. Tôi nghĩ, anh Trung bán ra để lấy tiền sử dụng trong gia đình. Không có chuyện, anh Trung tuồn vé từ Trung tâm, Liên đoàn ra ngoài.

Ảnh minh họa

Theo thông tin từ báo chí, có 2 nhân viên của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam “tuồn vé” ra ngoài. Theo bà, thông tin trên có chính xác hay không?

Tôi xác nhận Công an quận Nam Từ Liêm báo, tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam chỉ có 1 nhân viên, không có 2 người và đó là anh Trịnh Ngọc Trung, còn 1 người nữa ở đơn vị khác, tôi không biết.

Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam sẽ có hướng giải quyết như thế nào sau vụ việc trên?

Trung tâm chúng tôi luôn làm tốt việc giáo dục đạo đức cho cán bộ công nhân viên, nhất là lực lượng bảo vệ. Sự việc vừa qua cũng là 1 điều đáng tiếc đối với cán bộ, với một suy nghĩ rất đơn giản, học vấn không cao, trình độ nhận thức xã hội yếu nên người ta chỉ có nhận thức là họ được mua vé, được cấp giấy mời, không có nhu cầu thì họ bán để lấy tiền mưu sinh. Người ta không phải là người buôn bán chuyên nghiệp, không phải là người luôn luôn có suy nghĩ buôn bán ở ngoài.

Sau vụ việc trên, chúng tôi sẽ tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công nhân viên. Đương nhiên, các bạn cũng thấy, với trào lưu đội tuyển bóng đá Việt Nam vào sâu như thế này, lượng vé ở ngoài bán ra với sự chênh lệch như thế thì ít nhiều cũng tác động đến tình cảm, tư tưởng đối với mỗi cán bộ. Người ta khi không có nhu cầu thì đơn giản là người ta được quyền, có vé thì bán ra ngoài thôi. Chúng tôi sẽ giáo dục cán bộ về nhận thức xã hội để làm tốt công tác với cán bộ, với nhà nước.

Về phía anh Trung đã có giải thích như thế nào đối với Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam trước sự việc trên?

Trong chiều nay, cán bộ của tôi sẽ trở lại làm việc bình thường. Sự việc trên đã có biên bản xác nhận là người của Trung tâm. Còn việc đối với hành vi mua bán vé, công an quận Nam Từ Liêm sẽ có hình thức xử lý. Chúng tôi sẽ làm công tác giáo dục tiếp theo.

Ngày 5/12, công an quận Nam Từ Liêm đã bắt hàng loạt đối tượng phe vé. Trong số vé chợ đen bị thu giữ, có cả những tấm vé mời không ghi giá, bị chào bán với giá lên tới 10 triệu đồng/cặp. Các mệnh giá vé còn lại từ 200.000 - 500.000 đồng/vé bị thét giá lên gấp 6 lần. Tổng cộng 12 đối tượng đã bị bắt giữ, thu giữ hơn 100 vé. Trong số này có một đối tượng là trưởng ca 2 tổ bảo vệ thuộc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, với 4 cặp vé mời tầng 5 khán đài A. Người này được xác định là Trịnh Ngọc Trung.

Ngọc Tú

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhan-vien-vff-co-quyen-ban-ve-ra-cho-den-de-lay-tien-su-dung-gia-dinh-331422.html