Nhân viên Sabeco tái ký hợp đồng phải thử việc: Cảnh báo

Không thể ngồi ôm khư khư việc làm trong nước mà cần tạo áp lực buộc lao động Việt phải tự giỏi lên nếu muốn được việc làm.

Sau khi Sabeco được bán lại cho Tập đoàn đồ uống Thai Beverage (Thái Lan), hàng loạt nhân viên Sabeco (đã có hợp đồng không xác định thời hạn) được phòng nhân sự gọi lên ký lại phụ lục hợp đồng với lý do thay đổi cơ cấu lương, trong đó có quy định được cho là gây bất lợi cho người lao động như: phải thử việc 60 ngày, một trong hai bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian thử việc mà không cần báo trước, không bồi thường...

Hàng trăm lao động Sabeco được tái ký hợp đồng. Ảnh: LĐO

Hàng trăm lao động Sabeco được tái ký hợp đồng. Ảnh: LĐO

Bình luận về việc này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) - khẳng định, Sabeco đang trong giai đoạn tái cấu trúc lại bộ máy, việc sắp xếp lại bộ máy nhân sự là bình thường. Đó là yêu cầu tất yếu của mỗi doanh nghiệp sau khi hợp nhất, sáp nhập, nhằm bảo đảm cho một bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại lực lượng lao động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Không bình luận việc yêu cầu ký lại hợp đồng của Sabeco là sai hay đúng, song ông Hải cho rằng, Sabeco trước đây là một DNNN đã dính với rất nhiều bê bối, lùm xùm trong công tác bổ nhiệm nhân sự cũng như những vấn đề trong điều hành, quản lý kinh doanh, vì thế, không thể bắt nhà đầu tư phải giữ nguyên cấu trúc một bộ máy với lực lượng nhân sự đông nhưng không hiệu quả được.

"Lịch sử của Sabeco từ thời còn là DNNN đã có rất nhiều vấn đề liên quan tới việc bổ nhiệm nhân sự như: bổ nhiệm con ông, cháu cha, cán bộ quản lý là người thân, người nhà của lãnh đạo cao cấp, thậm chí là những người không biết làm kinh doanh cũng được bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng. Tức là việc bổ nhiệm không dựa trên năng lực, trình độ, mà lại dựa vào mối quan hệ, quen biết khiến doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, yếu kém...

Sự yếu kém của Sabeco là do năng lực điều hành, quản lý, do bộ máy nhân sự cồng kềnh, không hiệu quả mà vẫn phải trả lương cao. Vì thế, không thể bắt một nhà đầu tư mới vào vẫn phải duy trì bộ máy như vậy được.

Hơn nữa, Sabeco đã được bán lại cho Tập đoàn đồ uống Thai Beverage (ThaiBev) (49% cổ phần), doanh nghiệp này hoàn toàn có quyền thực hiện tái cơ cấu, tổ chức lại bộ máy cho tinh gọn, hiệu quả hơn.

Tôi từng chứng kiến, việc sa thải hàng ngàn công nhân, người lao động không làm được việc ở ngay cả các doanh nghiệp tư nhân, chứ không chỉ riêng với doanh nghiệp nước ngoài. Tất nhiên, việc sắp xếp, sa thải người lao động cũng cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật", ông Hải cho biết.

Nếu không tự thay đổi...

Cũng cho rằng, Sabeco đã được bán lại cho Tập đoàn đồ uống Thái Lan, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi (ĐH Hoa Sen) cho rằng, việc sắp xếp lại nhân sự tại doanh nghiệp này nằm trong quyền kiểm soát của nhà đầu tư Thái Lan.

"Cần lưu ý, Sabeco từ một DNNN được chuyển đổi sang thành doanh nghiệp thuộc sở hữu đầu tư nước ngoài, như vậy, việc chuyển đổi nhân sự, sắp xếp cơ cấu bộ máy... phải do nhà đầu tư nước ngoài quyết định.

Cán bộ, lao động tại Sabeco buộc phải thay đổi, thích nghi với môi trường, điều kiện hoạt động của ông chủ mới. Nếu muốn doanh nghiệp phát triển, giữ vững việc làm, cán bộ, công nhân cũng phải làm tốt. Không có chuyện cán bộ, nhân viên không làm được việc vẫn ngồi nhận lương, chuyện đó không thể xảy ra đối với một doanh nghiệp nước ngoài", PGS Nguyễn Văn Ngãi thẳng thắn.

Theo vị chuyên gia, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, việc dịch chuyển dòng lao động giữa các nước trong khu vực đang diễn ra mạnh mẽ, nếu cán bộ, lao động của Việt Nam không tự nâng cao, cải thiện trình độ, tay nghề không những phải đối diện với nguy cơ bị sa thải mà thậm chí còn không thể tìm kiếm được việc làm ngay trên đất nước, quê hương mình.

Xu hướng thị trường lao động đã thay đổi, người giỏi sẽ có đất, người yếu kém, không làm được việc phải bị sa thải.

Vì thế, ngoài việc phải tự nâng cao tay nghề, trình độ, bản thân người lao động phải tư duy, phải biết ông chủ doanh nghiệp đang cần gì. Ví dụ, doanh nghiệp cần một lao động làm ra 10 triệu/tháng, lao động phải tạo ra tối thiếu là 10 triệu/tháng, nhiều hơn được thưởng, ít hơn phải phạt, sa thải. Đó là quan điểm rất rõ ràng trong triết lý kinh doanh.

"Khi làm ăn với nhà đầu tư nước ngoài, lao động Việt cần phải hiểu rất rõ về triết lý của họ đó là chỉ đánh giá dựa trên năng lực, không có chuyện bị chi phối, phụ thuộc vào mối quan hệ người thân, họ hàng, hay ai là người bổ nhiệm.

Trường hợp không làm được việc, ngay cả cán bộ lãnh đạo cao cấp trong Sabeco cũng có thể bị thay thế bằng một cán bộ của doanh nghiệp Thái", vị PGS nói rõ.

Sabeco về tay tỉ phú Thái: Thu trăm ngàn tỷ vẫn ít?

Theo PGS Nguyễn Văn Ngãi, việc sàng lọc, thay đổi như trên sẽ đem đến một tín hiệu tích cực cho thị trường lao động của Việt Nam. Tay nghề lao động phải từng bước được nâng lên để thích nghi với xu hướng dịch chuyển lao động đang diễn ra.

"Chắc chắn không một doanh nghiệp nước ngoài nào muốn sa thải một lao động đang làm được việc. Bản thân các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cũng muốn người Việt Nam điều hành, quản lý doanh nghiệp thay họ, vì người Việt điều hành trên đất Việt sẽ thuận lợi hơn do hiểu rõ văn hóa, quy định, pháp luật trong nước.

Tuy nhiên, nếu lao động của Việt Nam không thể đáp ứng, bắt buộc doanh nghiệp phải thuê từ nước ngoài.

Chúng ta không thể cứ ngồi ôm khư khư tư duy là phải bảo vệ việc làm trong nước mà cần xem đây là cơ hội, tạo áp lực buộc lao động Việt phải tự giỏi lên nếu muốn được việc làm", ông Ngãi nói.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/nhan-vien-sabeco-tai-ky-hop-dong-phai-thu-viec-canh-bao-3377499/