Nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục: Cần tạo sự thống nhất đăng ký, kiểm duyệt

Một số chuyên gia cho rằng, việc nhân viên đòi nợ thuê mặc đồng phục thể hiện sự trang trọng, nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp của nhân viên thu hồi nợ, tuy nhiên, việc đó chưa thể làm tăng hiệu quả đòi nợ của Cty thu, đòi nợ.

Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đó, tại Điều 9 dự thảo Nghị định này, Bộ Tài chính đề xuất các doanh nghiêp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cấp giấy giới thiệu cho người lao động được giao trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ.

Đáng chú ý, trong dự thảo này, Bộ Tài chính quy định, nhân viên đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Sau khi kết thúc hợp đồng lao động, DN phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp cho người lao động. Nếu DN vi phạm liên quan đến trang phục, thẻ nhân viên, giấy giới thiệu cho nhân viên sẽ bị xử phạt theo quy định của Chính phủ về vi phạm liên quan đến trang phục của hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

Việc có đồng phục giúp phân biệt đâu là dịch vụ hợp pháp, đâu là đòi nợ kiểu "xã hội đen". (Ảnh minh họa)

Việc có đồng phục giúp phân biệt đâu là dịch vụ hợp pháp, đâu là đòi nợ kiểu "xã hội đen". (Ảnh minh họa)

Liên quan việc nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục để phân biệt với xã hội đen, chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, việc quy định mặc đồng phục đối với dịch vụ đòi nợ là hợp lý. “Đến bảo vệ còn có đồng phục riêng, huống chi là nhân viên đòi nợ thuê - một ngành nghề kinh doanh rất nhạy cảm. Việc có đồng phục giúp phân biệt đâu là dịch vụ hợp pháp, đâu là đòi nợ kiểu "xã hội đen", ăn theo”, ông Phong cho biết.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập cho rằng, về chủ trương, ông đồng tình với Bộ Tài chính là các tổ chức, cá nhân có thể thuê Cty đòi, thu hồi nợ, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế. Ông Hiếu dẫn chứng, ở Mỹ, có nhiều ngân hàng thuê Cty đòi, thu hồi nợ đối với khách nợ. Những Cty này làm việc rất chuyên nghiệp.

Họ hiểu tâm lý khách nợ, biết thu hồi nợ nhanh chóng, hợp pháp. Còn việc nhân viên đòi nợ phải mặc đồng phục, ông Hiếu cho rằng không cần thiết. “Mặc đồng phục thể hiện sự trang trọng, nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp của nhân viên thu hồi nợ, giúp phân biệt với thành phần thu, đòi nợ kiểu "xã hội đen". Tuy nhiên, việc đó không làm tăng hiệu quả đòi nợ của Cty thu, đòi nợ”, ông Hiếu nói.

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nhân viên thu, đòi nợ nên mặc đồ nghiêm chỉnh như comple, caravat, nhưng để quy định chặt chẽ "phải mặc đồng phục" thì không cần. Thay vào đó, Bộ Tài chính yêu cầu các Cty thu, đòi nợ đăng ký kinh doanh, có vốn điều lệ, trụ sở, nội quy, hội đồng quản trị (nếu là Cty cổ phần).

Còn đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm, với dịch vụ kinh doanh đòi nợ, đồng phục hay không, không quan trọng.

Thay vì nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục để phân biệt với "xã hội đen", ông Nhưỡng kiến nghị, Bộ Tài chính nên ban hành quy định tiêu chuẩn nhân viên thu nợ như viên tài chính ngân hàng và cần thiết áp dụng luật DN với hình thức kinh doanh này: “Đòi nợ thuê là một lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, cần có những quy định cụ thể để đảm bảo cho họ quyền tự do kinh doanh, tuy nhiên, vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Quan trọng nhất là các Bộ, ngành làm sao để quản được loại hình dịch vụ này, đòi được nợ cho dân và DN, không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự”.

Cũng bàn về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Cty Luật BASICO cho rằng, nhân viên đòi nợ cần những kỹ năng giao tiếp, thương lượng và tạo được thiện cảm với người bị đòi nợ. Do đó, khi các nhân viên này mặc đồng phục có thể khiến đối phương không thiện cảm và gây khó khăn cho công việc ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Cũng tại dự thảo Nghị định này, một trong những điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và GĐ chi nhánh của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ được nêu rõ: “Có trình độ học vấn từ ĐH trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh”.

Không đồng tình với quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Thực tế, kinh doanh đòi nợ là một dịch vụ không đòi hỏi phải có kiến thức học thuật. Mặt khác, với chất lượng bằng cấp hiện nay, việc “sắm” một bằng ĐH chuyên ngành không phải là khó, mà năng lực thực chất lại không phản ánh qua bằng cấp. Cách quy định như vậy có thể dẫn đến tình trạng “thuê” bằng hoặc những tiêu cực khác khi đăng ký kinh doanh với hoạt động này”.

Dẫn chứng ví dụ ở Australia, luật sư Đức cho hay, ở đây kinh doanh đòi nợ không đòi hỏi bằng cấp của người quản lý cấp cao mà chỉ nêu những yêu cầu chặt chẽ như: “Không được gọi điện đòi nợ trước 9g sáng, không được gọi vào chủ nhật, ngày lễ”. Trong khi đó, quy định về đòi nợ của Việt Nam lại thiếu những nội dung này.

Bên cạnh đó, tại Điều 9 dự thảo số 104/2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định như DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cung cấp hợp đồng ủy quyền đòi nợ cho khách nợ và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến khoản nợ khi thực hiện đòi nợ.

Thực hiện hoạt động nghiệp vụ trong phạm vi pháp luật cho phép và được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền; không được giao hoặc ủy quyền lại cho cá nhân ngoài DN hoặc tổ chức khác thực hiện các hoạt động đòi nợ, trừ trường hợp tổ chức đó cũng là DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ và việc ủy quyền lại phải được sự đồng ý bằng văn bản của chủ nợ hoặc khách nợ. Dự thảo cũng quy định mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2016, Bộ Tài chính đã đưa quy định nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ khi đi đòi nợ tại dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tuy nhiên đến năm 2017, sau khi tiếp thu ý kiến của lãnh đạo của Chính phủ và cho rằng các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ cần thiết duy trì các quy định về điều kiện an ninh, trật tự, Bộ Tài chính đã bỏ quy định này. Tại dự thảo mới nhất vừa được công bố xin ý kiến, cơ quan này lại tiếp tục đưa nội dung mặc đồng phục, đeo thẻ khi đi đòi nợ vào dự thảo.

Phương Anh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhan-vien-doi-no-thue-phai-mac-dong-phuc-can-tao-su-thong-nhat-dang-ky-kiem-duyet-121616.html