Nhân viên đòi nợ thuê phải có trình độ từ trung cấp trở lên

Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải có vốn điều lệ không dưới 2 tỷ đồng. Giám đốc chi nhánh doanh nghiệp đòi nợ phải trình độ học vấn đại học trở lên.

"Mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ 2.000.000.000 (hai tỷ) đồng” là một trong những điều kiện mới sửa đổi về hoạt động kinh doanh đòi nợ mà Bộ Tài chính công bố mới đây.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có điều chỉnh một số điều kiện trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay.

Cụ thể, những người muốn mở doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải có mức vốn điều lệ không dưới 2 tỷ đồng.

Dự thảo cũng quy định điều kiện, tiêu chuẩn với lãnh đạo quản lý. Giám đốc chi nhánh doanh nghiệp đòi nợ phải trình độ học vấn đại học trở lên, và thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh. Bên cạnh đó, những người này phải chưa từng bị kết án.

Sếp tại các công ty đòi nợ thuê phải có trình độ đại học trở lên. Ảnh minh họa.

Sếp tại các công ty đòi nợ thuê phải có trình độ đại học trở lên. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, “sếp” công ty đòi nợ thuê cũng không được giữ chức danh quản lý doanh nghiệp đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước đó.

Dự thảo đưa ra lần này cũng sửa đổi một số điều kiện đối với người lao động của công ty đòi nợ thuê.

Người lao động ở đây phải được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 6 tháng trở lên. Các nhân viên thu nợ cũng phải có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên, thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

Các trường hợp người lao động đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng trong và ngoài nước đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử sẽ không được phép làm việc trong các doanh nghiệp đòi nợ thuê.

Ngoài ra, người lao động trong lĩnh vực này phải không thuộc các đối tượng đã từng bị kết án, đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; cải tạo không giam giữ; quản chế, cấm cư trú...

Những người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương; xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; nghiện ma túy; tạm hoãn, tạm đình chỉ giáo dục bắt buộc... cũng sẽ không được tham gia hoạt động đòi nợ này.

Người lao động tại đây cũng không được thuộc các trường hợp đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, làm nhục người khác, lừa đảo...

Trước đó, quy định trong Nghị định 104/2007 của Chính phủ thì doanh nghiệp đòi nợ thuê được xem là đại diện của chủ nợ để xác định các khoản nợ, đôn đốc khách nợ trả nợ, thu nợ… Đồng thời làm tư vấn pháp luật cho cả chủ và khách nợ về việc xác định nợ; biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý nợ.

Hoàng Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhan-vien-doi-no-thue-phai-co-trinh-do-tu-trung-cap-tro-len-post852830.html