Nhân viên bảo vệ rừng thuê người... phá rừng

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) CAH Kbang (Gia Lai) đang điều tra làm rõ vụ việc liên quan đến hàng chục cây gỗ bị chặt phá trái phép tại 2 Tiểu khu 21 và 27 thuộc lâm phần của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Roong và Cty TNHH MTV lâm nghiệp Trạm Lập (xã Đăk Roong, H. Kbang).

Số cây bị 2 nhân viên quản lý bảo vệ rừng thuê người cưa hạ chắn trên con đường mà lâm tặc đi qua.

Qua khám nghiệm hiện trường, các cơ quan chức năng xác định vụ khai thác, chặt phá trái phép xảy ra là thuộc rừng sản xuất, trạng thái rừng thường xanh trung bình, số gỗ bị đốn hạ trái phép nằm 2 bên đường mòn nằm giữa lâm phần của 2 Cty trên. Kiểm tra thực tế phát hiện có 32 cây gỗ gồm các chủng loại dổi, chua khét, giẻ đỏ, giẻ trắng, hồng ỳung, thạch đảm, trâm tía (nhóm III-VII) bị chặt hạ, cưa, xẻ trái phép với tổng khối lượng thiệt hại được xác định là gần 37,8m3. Bước đầu CSĐT đã xác định, có 5 cây gỗ hồng tùng và dổi với khối lượng hơn 7m3 bị lâm tặc khai thác trái phép và đã đưa ra khỏi rừng, 27 cây gỗ còn lại đều là loại kém giá trị, tổng khối lượng gần 31m3 do nhân viên của Cty Lâm nghiệp Đăk Roong là ông Đồng Anh Tuấn (30 tuổi, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng số 3) và ông Đậu Minh Giang (35 tuổi, nhân viên bảo vệ rừng) thuê người cưa hạ. Lý giải cho hành vi này, 2 nhân viên trên đã khai nhận: do phát hiện lâm tặc khai thác, vận chuyển lâm sản trong khu vực mình quản lý nhưng không thể ngăn chặn nên lo lắng bị xử lý, kỷ luật. Để ngăn chặn tình trạng trên, 2 nhân viên này đã thuê người cưa các loại cây ít giá trị (cưa trong 3 lần) 2 bên độc đạo mà lâm tặc thường đi để ngăn chặn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Bốn- Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Roong lý giải: "Những cây gỗ bị cưa hạ chủ yếu là gỗ chua khét, trâm tía... Trước đây, trong giai đoạn còn khai thác rừng, những cây gỗ này chặt thải để nuôi dưỡng những cây khác. Nghĩ rằng đây là những cây gỗ không có giá trị, khoảng tháng 9-2018, các nhân viên địa bàn mới thuê người cưa cây hạ xuống đường tuần tra để cản đường di chuyển của lâm tặc. Số gỗ bị chặt hạ có giá trị lâm sản rất thấp. Ý nghĩ ngăn chặn lâm tặc là đúng song hành động như thế là sai. Nhưng họ cũng chỉ vì công việc, không hề tư lợi cá nhân. Việc làm này dù sao cũng đã vi phạm pháp luật".

Một cây hồng tùng có đường kính khoảng 1,2m bị lâm tặc cưa hạ gần khu vực mà các nhân viên quản lý bảo vệ rừng cưa cây để ngăn chặn.

Tính chất của vụ việc phá rừng trên thể hiện nhiều vấn đề bất cập bởi không chỉ có sự "tham gia" của lâm tặc mà còn có cả nhân viên quản lý bảo vệ rừng... Vụ việc cũng bộc lộ sự non kém của những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng và cả biện pháp bảo vệ rừng. Bởi ở khía cạnh nào đó, người bảo vệ rừng, nhất là những người trực tiếp ở rừng đang trở thành "con tin" của lâm tặc. Một cán bộ Kiểm lâm nhiều năm trong nghề tâm sự với chúng tôi: "Nếu đồng ý cho lâm tặc hoạt động thì mất rừng, bị xử lý, kỷ luật có khi bị pháp luật xử lý, không đồng ý cho lâm tặc hoạt động lập tức chúng sẽ quay sang chống phá. Thậm chí chúng còn dùng các chiêu trò khiến cho người bảo vệ rừng bị kỷ luật, có thể bị mất việc". Chưa kể, lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi, manh động thì giải pháp bảo vệ rừng dường như rơi vào bế tắc, đến mức phải dùng biện pháp tiêu cực để bảo vệ rừng.

Điều trăn trở hơn cả là khi có mặt tại hiện trường vụ phá rừng trên, ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển mới thấy hết sự khó khăn, vất vả của những người làm quản lý, bảo vệ rừng nơi này. Không chỉ mưa dầm, cái lạnh thấu người mà lán trại giữ rừng cũng chỉ tạm bợ vài miếng bạt. Những người giữ rừng vẫn co ro trong những tấm võng và dù có cả những đống lửa đốt suốt đêm vẫn không thể xua hết cái lạnh của núi rừng. Nước uống thì ra suối, bữa cơm cũng chỉ nấu vội vụng về của những người đàn ông. Chưa kể nguồn thu nhập từ đồng lương ít ỏi đã khiến nhiều người dù tâm huyết với rừng đã phải dứt áo ra đi tìm công việc mới.

Minh Tân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_200746_nhan-vien-bao-ve-rung-thue-nguoi-pha-rung.aspx