Nhân viên an ninh sân bay có nhiệm vụ gì?

Ngoài tuần tra, kiểm soát máy bay, khống chế người gây rối, lực lượng an ninh sân bay còn có nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ, soi chiếu hành lý của hành khách.

Với mũ kêpi, cấp hiệu trên vai và cành tùng trên ve cổ áo, an ninh hàng không đôi khi bị nhầm lẫn với lực lượng hành pháp. Tuy nhiên, họ là lực lượng được doanh nghiệp tuyển dụng, đào tạo để cung cấp dịch vụ an ninh cho hành khách và các đơn vị hoạt động tại cảng hàng không.

Từ trấn áp hành khách gây rối đến soi chiếu hành lý, kiểm soát giấy tờ, nhân viên an ninh đóng vai trò quan trọng đối với sự an toàn tại sân bay.

Lực lượng đa chức năng

Trao đổi với Zing, ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh của Cục Hàng không, cho biết chức năng, nhiệm vụ của lực lượng an ninh hàng không được quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Nghị định 92/2015 của Chính phủ.

Theo nghị định 92/2015, lực lượng an ninh hàng không thực hiện nhiệm vụ kiểm soát an ninh hàng không theo thẩm quyền, là lực lượng đối phó ban đầu với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng tại sân bay và các cơ sở liên quan.

Khi phát hiện các hành vi vi phạm an ninh hàng không, lực lượng này sẽ ngăn chặn, bảo vệ hiện trường, tạm giữ người liên quan để bàn giao cho cảng vụ hàng không xử lý.

 Nhân viên an ninh (trái) diễn tập trấn áp người gây rối. Ảnh: NIA.

Nhân viên an ninh (trái) diễn tập trấn áp người gây rối. Ảnh: NIA.

Theo Thông tư 13/2019 của Bộ GTVT, nhân viên an ninh hàng không được chia thành 3 nhóm: An ninh soi chiếu, an ninh cơ động và an ninh kiểm soát. Trên thực tế, hầu hết lực lượng này đang được tuyển dụng và quản lý bởi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Trong đó, nhân viên an ninh cơ động được đào tạo võ thuật nâng cao, được trang bị áo giáp, dùi cui và công cụ hỗ trợ. Đây là lực lượng chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát đám đông, lục soát máy bay và trấn áp người gây rối.

Nhân viên an ninh kiểm soát là lực lượng canh gác, giám sát an ninh hàng không tại nhà ga, khu vực công cộng và các khu vực hạn chế.

Còn nhân viên an ninh soi chiếu chịu trách nhiệm kiểm tra giấy tờ, ngăn chặn hành khách mang vũ khí, vật liệu nổ và các vật dụng trái quy định vào khu vực hạn chế của sân bay. Họ thực hiện nhiệm vụ này bằng cách vận hành máy soi chiếu hoặc kiểm tra trực quan.

Do có tần suất giao tiếp với hành khách nhiều nhất nên nhân viên an ninh soi chiếu được đào tạo, huấn luyện kỹ hơn. Ngoài những yêu cầu cơ bản như tốt nghiệp THPT, sức khỏe tốt, người ứng tuyển vào vị trí an ninh hàng không phải có trình độ tiếng Anh, có lý lịch tư pháp rõ ràng, không có tiền án, tiền sự.

Trao đổi với Zing, lãnh đạo một sân bay cho biết sau khi được tuyển dụng, nhân viên an ninh phải trải qua đào tạo và được nhà chức trách hàng không cấp giấy phép. Các đơn vị muốn thành lập lực lượng an ninh hàng không phải được sự cho phép của Cục Hàng không. Như tại Vân Đồn (Quảng Ninh), sân bay này chưa được chấp thuận thành lập lực lượng an ninh riêng nên phải thuê các tổ an ninh của ACV để soi chiếu và bảo vệ sân bay.

Hành khách trả tiền cho dịch vụ an ninh

Theo quy định của Bộ GTVT, đảm bảo an ninh sân bay là loại hình dịch vụ công ích có nguồn thu. Mỗi hành khách đi máy bay phải trả chi phí đảm bảo an ninh được tích hợp vào tiền vé.

Mức giá dịch vụ an ninh đối với hành khách, hành lý đi chuyến bay quốc tế là 2 USD/người. Còn mỗi hành khách đi trên chuyến bay nội địa phải trả 18.000 đồng.

Lãnh đạo sân bay Vân Đồn nhận định lực lượng an ninh có chuyên môn và thái độ tốt sẽ giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục cho hành khách. Do đó, cùng với việc trả lương, đơn vị này có những yêu cầu riêng với lực lượng an ninh sân bay.

Soi chiếu an ninh sân bay là dịch vụ công ích. Ảnh: Noibaiairport.vn

Còn chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống (nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không ĐH Bách khoa TP.HCM) nhận định thái độ của các lực lượng phục vụ tại sân bay đều tác động đến trải nghiệm của hành khách. Ở góc độ phát triển du lịch, việc giữ được thiện cảm của du khách rất quan trọng.

Tuy nhiên, theo ông Tống, cùng là dịch vụ hàng không nhưng cung cách phục vụ của nhân viên an ninh sân bay đôi khi không niềm nở như tiếp viên của hãng bay.

"Bên cạnh đảm bảo trật tự tại sân bay, lực lượng an ninh hàng không cũng cần vui vẻ, niềm nở để người dân có trải nghiệm đi lại tốt nhất", PGS.TS Tống nói.

Đại diện một hãng bay thì giải thích các hãng phải cạnh tranh với nhau bằng cách phục vụ hành khách tốt hơn. Do đó, nụ cười và cách cúi chào trở thành những kỹ năng cơ bản của nhân viên hãng hàng không.

Còn dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không đang do một doanh nghiệp công ích cung cấp. Hành khách không có quyền lựa chọn đơn vị phục vụ soi chiếu an ninh tại sân bay.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhan-vien-an-ninh-san-bay-co-nhiem-vu-gi-post1207035.html