Nhân vật bí ẩn đứng sau quyết định của Trump ám sát tướng Iran

'Hạ' Tướng Iran Soleimani là mục tiêu của quan chức ngoại giao hàng đầu nước Mỹ hàng thập kỷ qua, theo nguồn tin tiết lộ với CNN.

Nguồn tin nội bộ chính quyền tiết lộ với CNN rằng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là động lực đằng sau quyết định của Tổng thống Trump không kích giết chết Tướng Iran. Điều này cũng cho thấy ông Pompeo là quan chức an ninh quốc gia có ảnh hưởng nhất trong chính quyền Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo. Ảnh: AP

Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo. Ảnh: AP

Mục tiêu của Pompeo

“Hạ” Tư lệnh lực lượng Quds của Vệ binh cách mạng Iran là mục tiêu của quan chức ngoại giao hàng đầu nước Mỹ hàng thập kỷ qua, theo nguồn tin.

Việc nhằm vào nhân vật có ảnh hưởng thứ 2 của Iran - Tư lệnh lực lượng Quds, lực lượng quân sự có ảnh hưởng về kinh tế và chính trị trong khu vực - là ý tưởng của ông Pompeo. Chính Ngoại trưởng đã gợi ý điều này với Tổng thống Trump.

Các nguồn tin thân cận với Ngoại trưởng Mỹ cho biết, trong suốt sự nghiệp của mình ông Pompeo tin rằng Iran là gốc rễ cho mọi vấn đề ở Trung Đông và phải tập trung vào Soleimani, “tư lệnh trong bóng tối” của Iran.

“Chúng tôi đã loại được một gã tồi khỏi chiến trường. Chúng tôi đã quyết định đúng”, Pompeo nói với CNN ngày 5/1. Cùng ngày, ông Pompeo cũng nói với ABC rằng việc giết Tướng Soleimani là điều quan trọng vì đây chính là kẻ tiến hành âm mưu nhằm vào nước Mỹ và đặt mạng sống của người Mỹ vào rủi ro.

“Pompeo đã lý giải vì sao Soleimani là một gã tồi tệ”, nguồn tin nói. “Ông ta là một kẻ khủng bố và kẻ chủ mưu”.

Ngoại trưởng Mỹ quan tâm tới Tướng Iran tới mức ông từng tìm cách xin thị thực tới Iran năm 2016, khi ông còn là nghị sĩ bang Kansas. Dù khi đó lấy lý do là để giám sát các cuộc bầu cử, nhưng ông Pompeo từng nói với những người bạn thân cận của mình rằng ông muốn thử đối đầu với Tướng Soleimani khi ông ở Iran. Tuy nhiên, thời điểm đó ông không xin được thị thực.

Pompeo, người từng theo học Học viện quân sự West Point, vẫn có nhiều người bạn trong quân đội Mỹ đang phục vụ ở Trung Đông, cũng tin rằng Soleimani đã nhuộm máu của hàng trăm binh sỹ Mỹ trong tay mình.

Các quan chức Mỹ tin rằng trong Chiến tranh Iraq, các đơn vị của Tướng Soleimani đã cung cấp cho những thành phần nổi dậy Iraq bom chế đặc biệt có thể xuyên thủng xe bọc thép, một thứ vũ khí chết người nhằm vào các lực lượng Mỹ. Iran bác bỏ cáo buộc này, nhưng Lầu Năm Góc vẫn nói Soleimani và lực lượng của ông phải “chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm người Mỹ cũng như các thành viên trong lực lượng liên minh và làm bị thương hàng nghìn người khác”.

Gần đây hơn, Soleimani được coi là “kiến trúc sư” cho các hoạt động quân sự của Iran ở Iraq và Syria. Nguồn tin nói với CNN rằng những năm qua, Pompeo đã nói với những người bạn và đồng nghiệp của mình rằng “Tôi sẽ chưa thể nghỉ hưu khi nào Soleimani chưa bị loại bỏ”.

“Người dẫn lối”

Lâu nay được biết đến như “người thì thầm bên Trump”, khả năng Ngoại trưởng Pompeo đề xuất được một chiến lược gây hấn với Iran cho Tổng thống Trump – một Tổng thống vốn không thích các cuộc xung đột – là bằng chứng rõ ràng cho sự ảnh hưởng nổi bật của ông.

Hiện tại, tuyên bố mới đây của Pompeo rằng ông sẽ không tranh cử ghế thượng viện Mỹ đại diện cho Kansas, người từng có 3 nhiệm kỳ là hạ nghị sỹ đồng thời là cựu giám đốc CIA, có vẻ như sẽ tiếp tục sử dụng ảnh hưởng của mình trong chính quyền Trump.

“Ông ấy là người dẫn lối. Đó là chính sách của Tổng thống, nhưng Pompeo có tiếng nói rất có trọng lượng trong việc giúp Tổng thống soạn thảo chính sách này. Chẳng có nghi ngờ gì việc Mike là nhân vật hàng đầu trong Nội các”.

Trong khi đó, một cựu cố vấn an ninh quốc gia của đảng Cộng hòa đánh giá rằng, ông Pompeo có sức ảnh hưởng tới mức, ông ấy dường như vừa là Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc CIA kết hợp lại.

Sự nổi lên của Pompeo đã dấy lên lo ngại trong bộ phận an ninh quốc gia của đảng Cộng hòa – nơi những nhà phê bình nói rằng ông đã “kích hoạt” một Tổng thống nổi tiếng “không kiên định”.

Dù giành được sự tin tưởng của Tổng thống, nhưng ông Pompeo vẫn bị chỉ trích gay gắt về cách tiếp cận của chính quyền đối với Iran.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mike Lee (bang Utah) gọi quyết định của Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper là “tồi tệ nhất tôi từng gặp về vấn đề quân sự trong 9 năm phục vụ ở Thượng viện”.

Các nghị sỹ Dân chủ lại đặc biệt chỉ trích cuộc không kích. Hạ nghị sỹ Gerry Connolly (bang Virginia) gọi điều này là “thiếu thận trọng”. Ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ, Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren nói rằng bà không cảm thấy thuyết phục rằng Tướng Soleimani dấy lên mối đe dọa trước mắt mà chính quyền đã nêu để lý giải cuộc không kích sát hại.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Dick Durbin, nhân vật thứ 2 của đảng Dân chủ tại Thượng viện cho rằng những mô tả tình báo của Bộ trưởng Quốc phòng Esper là “tinh vi”. “Nhưng không phải như vậy”, ông Durbin nói.

Kể từ khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ, ông Pompeo là nhân vật chính trong chiến lược sức ép tối đa của chính quyền Mỹ nhằm vào Iran.

Tháng 4/2019, ông là nhân vật chủ chốt đằng sau động thái gây tranh cãi của chính quyền Trump: liệt Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) trong đó có lực lượng Quds là tổ chức khủng bố nước ngoài. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa một phần của chính phủ nước ngoài vào danh sách tổ chức khủng bố và đặt một nền tảng pháp lý cho việc giết tướng Soleimani – người dẫn đầu Lực lượng Quds từ năm 1998.

Tháng 6/2019, sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, ông Pompeo đã rất thất vọng khi không thuyết phục được Tổng thống Trump có hành động gây hấn với Iran và Tướng Soleimani. Tổng thống, vào phút chót đã đảo ngược quyết định tấn công các mục tiêu của IRGC.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin, lần này, ông Pompeo đã xây dựng một tình huống để “chiến thắng” trước Tổng thống, đặc biệt là sau hôm 27/12/2019, khi xảy ra cuộc tấn công tên lửa đã làm 1 nhà thầu Mỹ thiệt mạng ở Kirkuk miền bắc Iraq.

Ngày 29/12, các máy bay Mỹ đã tiêu diệt ít nhất 25 người trong các cuộc không kích ném bom nhằm vào nhóm dân quân Kataib Hezbollah – thuộc Lực lượng huy động nhân dân (PMF) của Iraq nhưng lại chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Iran. Ngày 31/12, người Iraq biểu tình để phản đối các cuộc không kích của Mỹ và bao vây Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.

Tổng thống lo ngại tái diễn thảm kịch Tehran 1979

Theo nhiều nguồn tin nội bộ Tổng thống Trump rất lo ngại các cuộc biểu tình ở Đại sứ quán có thể dẫn tới lặp lại sự kiện năm 2012 khi 4 người thiệt mạng ở cơ sở ngoại giao của Mỹ tại Benghazi, Libya, hoặc thậm chí là sự kiện năm 1979 khi một nhóm sinh viên Iran xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran và bắt 52 nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin trong 444 ngày.

“Tôi biết ông Trump đã tweet về Benghazi, nhưng ông không muốn đối mặt với một thảm kịch Tehran năm 1979”, nguồn tin cho biết.

Trong khi đó, nguồn tin nghị sỹ đảng Cộng hòa cho rằng, trong chuỗi sự kiện vừa qua, cái chết của nhà thầu Mỹ là mấu chốt.

Dù ông Pompeo và ông Esper nói rằng các thông tin tình báo cho thấy có mối đe dọa sắp xảy ra, nhưng nguồn tin đảng Cộng hòa này nói rằng “thông tin tình báo có thể không khác gì việc Soleimani từng lên kế hoạch các cuộc tấn công tương tự như những gì ông ta đã làm trước đây. Sự khác biệt lần này là việc một công dân Mỹ đã thiệt mạng”, nguồn tin Cộng hòa nói.

“Nếu một công dân Mỹ không thiệt mạng, tôi không nghĩ bất kỳ điều gì sẽ xảy ra”, nguồn tin cho biết thêm.

Khi kế hoạch được tiến hành, Pompeo đã làm việc với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley và Tư lệnh CENTCOM, Tướng Kenneth McKenzie để đánh giá tình trạng của các binh sỹ trong khu vực. Các nguồn tin nói rằng Thượng nghị sỹ có quan điểm cứng rắn Tom Cotton và Lindsey Graham cũng được lôi kéo và cũng thúc đẩy Trump đáp trả.

Bộ ba quyền lực

Ông Trump không phải là hoàn toàn miễn cưỡng nhắm vào Soleimani, bởi các cố vấn cấp cao khác của Tổng thống – Bộ trưởng Quốc phòng Esper, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Milley, Giám đốc CIA Gina Haspel và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien – đều ủng hộ động thái này.

Pompeo có mối quan hệ rất thân thiết với bà Haspel và ông Esper, “liên minh” đã giúp thúc đẩy khả năng của ông trong việc tạo tình huống với Tổng thống Trump. “Cả 3 người họ phối hợp với nhau rất chặt chẽ”, một cựu quan chức an ninh quốc gia của đảng Cộng hòa nói.

Một số nhà phân tích nói về điều này để nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của ông Pompeo trong chính quyền Trump.

“Mọi thứ đã được thực hiện bởi một nhóm: Pompeo - Esper - Milley. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy điều đó”, cựu quan chức an ninh của đảng Cộng hòa nhận định./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhan-vat-bi-an-dung-sau-quyet-dinh-cua-trump-am-sat-tuong-iran-999061.vov