Nhận trách nhiệm rồi sao nữa?

Trong tuần làm việc thứ ba này, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV sẽ dành hai ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn, như thông lệ. Có điều, càng ngày thì hoạt động chất vấn tại Quốc hội không còn được 'trông đợi' như trước.

Tại sao vậy? Có lẽ cử tri đã quá quen với những “lời hứa”, “nhận trách nhiệm” của các bộ trưởng, mà hầu như ít nhận thấy những chuyển biến trong thực tế.

Tháng 10.2013, dư luận thật hoan hỉ khi trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hứa sẽ giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên vào năm 2015. Nhưng chờ mãi, chờ mãi, đến tận giờ, bệnh nhân không chỉ vẫn nằm ghép 2 - 3 người/giường mà còn phải nằm hành lang, lối đi. Bà Tiến cũng từng “nhận trách nhiệm” khi bị chất vấn về tình trạng dân mua thuốc không cần đơn. Nhưng qua thời gian, tình trạng... vẫn y vậy.

Nếu như trước đây, “quả bóng trách nhiệm” hay bị đá qua đá lại giữa các bộ, thì nay, rất nhiều bộ trưởng đã thoải mái “nhận trách nhiệm” trước QH. Nhưng trách nhiệm đó là trách nhiệm gì thì không rõ. Chính vì vậy, việc “nhận trách nhiệm” (đã trở nên khá phổ biến) không mang lại nhiều chuyển biến trong việc giải quyết những lo âu của cử tri hay trả lời các câu hỏi bức xúc của đời sống.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1.8.2018, khi vụ gian lận điểm thi vô tiền khoáng hậu đang rất nóng ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói: “Với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”. Dư luận tạm hài lòng. Chờ đợi. 10 tháng sau, vụ việc tiếp tục được phanh phui nóng hơn, nghiêm trọng hơn, ngày 31.5.2019, trước QH, ông vẫn tiếp tục…nhận trách nhiệm: “Cá nhân tôi là Bộ trưởng, xin nhận trách nhiệm và thiếu sót ở một số việc”.

Không hiểu từ bao giờ câu “nhận trách nhiệm” được nói ra từ một bộ trưởng lại nhẹ tựa lông hồng như vậy. Có lẽ bởi chúng ta đang vận hành chế độ trách nhiệm công vụ không đúng.

Trong hoạt động công vụ có 2 loại chế độ trách nhiệm: trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm chính trị. Mọi công chức (cũng như mọi công dân) đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng chỉ có các quan chức cao cấp của nhà nước mới phải chịu trách nhiệm chính trị (trách nhiệm trước cử tri). Vậy “trách nhiệm” mà các bộ trưởng vẫn thường lên tiếng nhận trước Chính phủ, trước QH ấy, hẳn nhiên phải là “trách nhiệm chính trị”, chứ không có thứ “trách nhiệm” chung chung.

Bỏ phiếu tín nhiệm chính là công cụ để QH bảo đảm chế độ trách nhiệm chính trị. Sự tín nhiệm của nhân dân (hoặc thông qua hoạt động của cơ quan dân cử) là quan trọng nhất đối với chế độ trách nhiệm chính trị của quan chức. Khi một quan chức tuyên bố “nhận trách nhiệm” trước QH, điều đó phải được hiểu là: “Nếu QH không tín nhiệm, tôi sẵn sàng từ chức”.

Đáng tiếc, ở ta cơ chế xác nhận trách nhiệm chính trị kể trên chưa được quy định. Đấy là lý do chất vấn rất gay gắt, lời hứa rất nhiều, nhận trách nhiệm rất hay, nhưng các tồn tại chậm được giải quyết.

Chỉ khi nào chế độ xác tín trách nhiệm chính trị được vận hành thì “nhận trách nhiệm” tại QH mới không trở thành những uyển ngữ để che đậy những tồn tại, yếu kém và "trách nhiệm" sẽ không treo từ năm nay qua năm khác.

An Nguyên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/toi-viet/chao-buoi-sang/nhan-trach-nhiem-roi-sao-nua-1088497.html