Nhận tối hậu thư, nhiều chủ đầu tư đã khắc phục vi phạm PCCC

Sau khi các cơ quan chức năng của Hà Nội kiểm tra, xử phạt và yêu cầu cắt điện, nước một số dự án chung cư cao tầng chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã đưa người dân vào ở, nhiều chủ đầu tư nằm trong danh sách này đã có động thái tích cực khắc phục.

Chung cư cao cấp cũng bị kiến nghị ngừng cung cấp điện, nước

Giữa tháng 5- 2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy đối với Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy, chủ đầu tư công trình trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê Discovery Complex tại số 302 Cầu Giấy.

Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc đưa các hộ dân vào ở, đưa công trình vào hoạt động, khẩn trương khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy cho đến khi được cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Chủ đầu tư Dự án Discovery Complex đã cơ bản lắp đặt xong các thiết bị PCCC theo yêu cầu bổ sung của Cảnh sát PCCC.

Tiếp đó, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã đề nghị Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội ngừng cấp điện, nước cho tòa nhà Discovery Complex.

Theo Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, qua công tác kiểm tra, công trình còn tồn tại nhiều nội dung không đảm bảo an toàn về PCCC, chưa đủ điều kiện để nghiệm thu về PCCC theo quy định. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã đưa một số hộ dân vào ở.

Cuối tháng 6-2018, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy TP Hà Nội đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng với chủ đầu tư tổ hợp nhà ở và văn phòng cho thuê Mandarin Garden 2 tại 493 Trương Định, Hoàng Mai, vì hành vi “đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy”.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện khu tổ hợp gồm hai khối nhà cao 26 tầng và 30 tầng này có hơn 10 lỗi vi phạm quy định về PCCC, như: Khu vực dịch vụ thương mại từ tầng 1 đến tầng 6 chưa thi công hoàn thiện; các hệ thống PCCC, hút khói chưa đảm bảo khả năng hoạt động; việc thi công vách kính và cửa ngăn cháy tại phòng đệm thang máy ở tầng hầm không đảm bảo giới hạn chịu lửa theo hồ sơ thiết kế đã được duyệt; chưa thi công hoàn thiện khoang đệm thang máy thương mại tại tầng hầm…

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc đưa công trình vào hoạt động cũng như đưa các hộ dân vào ở; khắc phục tồn tại về PCCC cho đến khi được cấp văn bản xác nhận nghiệm thu lĩnh vực này. Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng có văn bản gửi Công ty Điện lực Hoàng Mai, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai đề nghị không cung cấp điện, nước sử dụng cho công trình.

Tuy nhiên đây chỉ là 2 trong số hàng chục công trình nhà cao tầng ở Hà Nội vi phạm về PCCC đã bị Cảnh sát PCCC Hà Nội yêu cầu phải khắc phục.

Nhiều chủ đầu tư đã khắc phục xong vi phạm

Việc Cảnh sát PCCC Hà Nội bêu tên, thậm chí đề nghị cắt điện nước đã buộc các chủ đầu tư phải tích cực khắc phục vi phạm. Liên quan tới việc khắc phục vi phạm tại dự án Discovery Complex ở số 302 Cầu Giấy, do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy làm chủ đầu tư, trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Hoàng Đình Điệp, Phó Ban Quản lý dự án, cho biết những vi phạm về PCCC tại dự án này là phát sinh sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận và thẩm duyệt về PCCC.

Theo ông Điệp, tháng 8-2014, công trình trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp Discovery Complex đã được Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an) đã cấp Giấy chứng nhận và thẩm duyệt về PCCC bao gồm: Khoảng cách an toàn PCCC; giải pháp ngăn cháy cháy lan và chống tụ khói; hệ thống thoát nạn; hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn; hệ thống báo cháy tự động; hệ thống chữa cháy bằng nước, hệ thống chữa cháy bằng khí FM200; trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu. Khi thi công, chủ đầu tư đã đáp ứng cơ bản các nội dung theo hồ sơ được cơ quan chức năng thẩm duyệt.

Tuy nhiên, theo yêu cầu mới đây của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, nhằm nâng cao hơn nữa khả năng đảm bảo an toàn PCCC của công trình, chủ đầu tư đang cho tiến hành thi công bổ sung thêm các hạng mục mới so với hồ sơ thẩm duyệt ban đầu gồm: Bổ sung tín hiệu điều khiển cưỡng bức cho hệ bơm chữa cháy tại phòng giám sát chữa cháy, điều chỉnh, ngăn chia lại khoang ngăn cháy tầng hầm so với hồ sơ thẩm duyệt; bổ sung tín hiệu điều khiển tự động cho hệ thống màng ngăn cháy Drencher; đưa tín hiệu từ hệ thống van báo động về tủ báo cháy trung tâm; bịt kín phòng kỹ thuật điện khi sử dụng hệ thống chữa cháy FM200; bổ sung giải pháp ngăn cháy cho tủ điện và cục nóng điều hòa tại hầm B1.

Ông Điệp cho biết do quy mô của công trình rất lớn, vì thế các hạng mục công việc bổ sung nói trên đều đòi hỏi phải có thời gian để chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế, mua sắm trang thiết bị (đều nhập khẩu từ nước ngoài nênới nhà cung cấp và và vận chuyển về Việt Nam), thi công lắp đặt, vận hành thử. “Là dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ nên sau khi có yêu cầu của cơ quan chức năng, chúng tôi chấp nhận đầu tư thêm nhiều tỷ đồng để bổ sung thêm các trang thiết bị theo yêu cầu.

Tuy nhiên, đây là công việc phức tạp, đòi hỏi thời gian thi công, vì thế nếu bị cắt điện, nước thì chúng tôi không thể đẩy nhanh việc thi công, hoàn thiện hệ thống PCCC được. Hiện chúng tôi đã cơ bản hoàn tất các hạng mục mà Cảnh sát PCCC Hà Nội yêu cầu bổ sung và đang trình hồ sơ để các cơ quan chức năng kiểm tra, cấp phép hoạt động”, ông Điệp khẳng định.

Theo thống kê mới nhất của Cảnh sát PCCC Hà Nội, tính đến ngày 30-6, trong tổng số 79 công trình vi phạm PCCC trong quá trình đầu tư, đã có 55 dự án đã khắc phục xong các vi phạm và được nghiệm thu.

Hiện còn 24 công trình tồn tại vi phạm, trong đó có 10 công trình các chủ đầu tư đang tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, tiến độ khắc phục đã được khoảng 70%.

7 công trình khác, mặc dù chủ đầu tư đã có ý thức tìm giải pháp khắc phục nhưng liên quan đến thay đổi mục đích, công năng sử dụng, thậm chí một công trình thay đổi kết cấu xây dựng nên phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền hướng giải quyết.

Tân Lương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dia-oc/nhan-toi-hau-thu-nhieu-chu-dau-tu-da-khac-phuc-vi-pham-pccc-500414/