Nhân tố Văn hóa và Con người trong quá trình Phát triển

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa, được thể hiện thông qua các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Sự mất cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hóa - con người càng gia tăng cùng với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng phát triển. Thực trạng này càng được nhận thấy rõ khi đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9, khóa XI, về xây dựng văn hóa con người Việt Nam. 5 năm qua, Tỉnh ủy Bình Dương đã xây dựng Chương trình hành động số 88 nhằm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết của Trung ương đảng với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện sát hợp với đặc điểm, tình hình địa phương.

Vốn là một tỉnh thuần nông nghèo khó, chỉ trong vòng 10 năm, Bình Dương đã lột xác ngoạn mục, trở thành một tỉnh công nghiệp hóa, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng của kinh tế cũng đã thu hút một lượng lớn lao động từ khắp các tỉnh thành về làm việc. Điều này đã phá vỡ kết cấu xã hội thuần nông, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội mới.

Tại Bình Dương, bên cạnh những điều bất cập như sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, giữa các ngành nghề; sự thiếu hụt nguồn lực lao động kéo theo sự gia tăng dân số một cách cơ học, trở thành có một hạn chế rất lớn, nhưng khó thấy – đó là sự phát triển thiếu bền vững giữa các nhân tố Kinh tế - Văn hóa - Con người.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/nhan-to-van-hoa-va-con-nguoi-trong-qua-trinh-phat-trien