Nhân tố tích cực của chương trình OCOP

Tham gia chương trình 'Mỗi xã, phường một sản phẩm' (OCOP), ngày càng có nhiều phụ nữ trong tỉnh mạnh dạn làm giàu từ tài nguyên bản địa, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Qua đó, từng bước khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP; đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung chương trình OCOP của tỉnh.

Hội LHPN TP Hạ Long tham gia hội chợ OCOP hè 2020 với sản phẩm túi, làn được tái chế từ rác thải nhựa. Ảnh: Nguyễn Hoa

Hội LHPN TP Hạ Long tham gia hội chợ OCOP hè 2020 với sản phẩm túi, làn được tái chế từ rác thải nhựa. Ảnh: Nguyễn Hoa

Những điển hình phụ nữ làm OCOP

Sinh ra và lớn lên ở làng Kế, Bắc Giang, quê hương của những chiếc bánh đa đã nổi tiếng từ lâu, năm 1998, chị Bùi Thị Mai Hoa (hiện trú tại tổ 12A, khu 2, phường Hà Khánh, TP Hạ Long) mang món bánh đa ra Quảng Ninh lập nghiệp. Năm 2018, chị quyết định xây dựng các sản phẩm bánh đa thành sản phẩm OCOP. Chị đầu tư trang thiết bị, ứng dụng dây chuyền sản xuất máy móc khép kín từ trộn bột đến nướng bánh; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện cơ sở của chị sản xuất trên 30 vạn bánh, đạt doanh thu bình quân hàng trăm triệu đồng/tháng.

Không chỉ vươn lên thoát nghèo làm giàu cho bản thân, chị Bùi Thị Mai Hoa cũng đã tạo điều kiện cho nhiều chị em có việc làm ổn định với thu nhập bình quân từ 6-10 triệu đồng/người/tháng. Chị Bùi Thị Mai Hoa, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hoa Sơn, cho biết: “Từ khi xây dựng được thương hiệu OCOP, sản lượng bánh đa của Công ty tiêu thụ tăng lên nhiều hơn so với trước. Hiện chúng tôi tiếp tục phát triển thêm 2 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP năm tới là bánh đa gạo lứt và bánh đa tỏi ớt”.

Chị Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Công ty CP Ngọc trai Hạ Long (đứng giữa) tư vấn sản phẩm cho khách hàng.

Chị Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Công ty CP Ngọc trai Hạ Long cũng là một điển hình phụ nữ tham gia chương trình OCOP thành công xuất sắc. Chị Hương chia sẻ: “Ý thức được việc trở thành sản phẩm OCOP thì giá trị sản phẩm sẽ cao hơn nữa, chúng tôi đã áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản vào từ khâu chế tác, lựa chọn sản phẩm đến tiêu chuẩn mã số, mã vạch. Năm 2015 sản phẩm của chúng tôi được đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh”.
Hiện sản phẩm Ngọc trai Hạ Long do chị Hương làm chủ đã tạo được uy tín với khách hàng trong, ngoài nước. Từng bước khẳng định vị thế trong nghề nuôi trai lấy ngọc ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Sản phẩm ngọc trai Hạ Long cũng được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016; sản phẩm Nông nghiệp vàng năm 2018, 2019. Năm 2020, sản phẩm tiếp tục được đề cử là sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao cấp Quốc gia.

Khẳng định vai trò của phụ nữ

Nhằm giúp phụ nữ phát triển kinh tế theo hướng hình thành chuỗi sản phẩm, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thu hút phụ nữ tham gia vào chương trình OCOP. Hội đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa thiết thực của chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là hội viên phụ nữ đang tham gia phát triển sản xuất. Hàng năm, Hội đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động nữ; hướng dẫn đăng ký sản phẩm OCOP, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tem nhãn, kết nối thị trường tiêu thụ.

Thông qua đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các cấp hội khuyến khích, hỗ trợ chị em phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp với OCOP thoát nghèo. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được nhiều tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã trong đó, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ hoặc phụ nữ đóng vai trò nòng cốt đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao. Một số sản phẩm đã bước đầu khẳng định được thương hiệu.

Cán bộ Hội LHPN huyện Đầm Hà tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng sản phẩm OCOP.

Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh, nhận định: “Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm của tỉnh đến thời điểm hiện tại phát triển khá tốt với 449 sản phẩm của 175 tổ chức OCOP. Trong đó, phụ nữ làm chủ sản phẩm OCOP là 43, chiếm 24,5%. Con số này không phải là lớn nhưng điều quan trọng là những người lao động trong tổ chức OCOP lại đa phần là nữ. Đến nay, những tổ chức OCOP do phụ nữ làm nòng cốt đều phát triển rất tốt, góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của chương trình”.

Thực tế, việc tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP không chỉ giúp phụ nữ có chuyển biến tích cực về tư duy phát triển sản xuất, mà còn từng bước chuyển đổi từ các mô hình kinh tế nhỏ lẻ thành sản xuất liên kết bao tiêu sản phẩm, giải quyết được khâu tiêu thụ, việc làm. Nhiều phụ nữ trở thành những “đầu tàu” dẫn dắt nông dân triển khai các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Để góp phần thực hiện tốt hơn chương trình OCOP, thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ dân mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Đặc biệt, hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm, giúp chị em yên tâm phát triển sản xuất…

Hoàng Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202011/nhan-to-tich-cuc-cua-chuong-trinh-ocop-2510663/