Nhân tố quan trọng quyết định chất lượng

Đổi mới phương pháp giảng dạy trở thành một yêu cầu bức thiết của đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Việc chuyển từ dạy học theo định hướng nội dung sang dạy học theo định hướng phát triển năng lực sẽ góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học.

Dạy học phát triển năng lực học sinh

Theo thầy Đỗ Hữu Quỳnh, Trưởng phòng GD&ĐT Cam Lâm, Khánh Hòa, dạy học theo định hướng phát triển năng lực là quá trình dạy học giúp học sinh hình thành và phát triển khả năng huy động tổng hợp mọi nguồn lực (bao gồm những tố chất có sẵn, kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, hứng thú, niềm tin, ý chí…) để thực hiện thành công trong những bối cảnh nhất định.

Có thể thấy, dạy học theo định hướng phát triển năng lực là quá trình dạy học hướng đến kết quả đầu ra. Trong quá trình ấy, dưới sự tổ chức, hướng dẫn của GV, học sinh tự giác chủ động tham gia vào các hoạt động học tập để từng bước hình thành, phát triển cho bản thân những năng lực cần thiết, những năng lực này được mô tả một cách cụ thể, chi tiết, có quan sát, đánh giá được.

Phát triển năng lực học sinh là phát triển năng lực nhận thức và kỹ năng vận dụng kiến thức vào việc giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề do cuộc sống đặt ra; tạo cho học sinh có khả năng đáp ứng được những yêu cầu của nhận thức, của việc phát triển tri thức và vận dụng tri thức vào các hoạt động đạt kết quả cao. Năng lực được thể hiện ở các mặt cơ bản như năng lực nhận thức tri thức, năng lực độc lập sáng tạo, năng lực tự học, năng lực vận dụng kiến thức…

Khi nói đến năng lực học sinh, người ta còn nói đến phẩm chất của nó. Phẩm chất của học sinh được thực hiện qua các mặt đó là phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị, lối sống, ý thức, trách nhiệm, niềm tin, lý tưởng…. Những mặt đó phải thông qua giáo dục mới hình thành và phát triển.

Thông thường người ta chia năng lực thành năng lực chung và năng lực chuyên môn (năng lực chuyên biệt). Năng lực chung là những năng lực cơ bản, cần thiết hoặc cốt lõi làm nền tảng cho mọi hoạt động như: Năng lực nhận thức, năng lực trí tuệ, ngôn ngữ… Năng lực chuyên biệt được hình thành trên cơ sở tiếp nhận tri thức của các môn học như Toán, Văn, Hóa, Sinh… Vì thế đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh không chỉ phát triển năng lực chuyên môn mà còn hướng đến năng lực chung.

Bồi dưỡng năng lực tự học

Thầy Đỗ Hữu Quỳnh cho biết, trong các năng lực nói trên thì trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, người GV cần chú ý đến năng lực tự học các môn học.

Năng lực tự học là một trong những năng lực cũng quan trọng cần được hình thành và phát triển cho học sinh thông qua hoạt động dạy học các môn học, cấp học. Năng lực tự học giúp HS có khả năng học tập, tự học suốt đời để có thể tồn tại, phát triển trong xã hội tri thức và hội nhập quốc tế. Do đó đổi mới dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong dạy học ở trường phổ thông.

Tự học là nhân tố nội lực quyết định chất lượng học tập còn hoạt động dạy học là ngoại lực có tác dụng định hướng, kích thích, điều khiển và chỉ đạo trực tiếp hoặc gián tiếp quá trình học. Quá trình học chỉ có kết quả khi người học tự nỗ lực, tự học để nắm vững tri thức mà nhân loại đã tích lũy được.

Năng lực tự học có nhiều mức độ: Ở mức độ thấp hơn, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn đầu hình thành năng lực tự học đó là tự học có hướng dẫn, có sự hỗ trợ của GV. Mỗi lời động viên, khen ngợi và phê phán với chứng cứ thuyết phục và nhân văn của GV có tác dụng to lớn, gợi hứng thú học tập của HS hơn bất cứ phương tiện học tập hiện đại nào. Nhìn chung, việc tạo hứng thú học tập cho HS không đơn thuần là lời nhận xét khen chê, mà quan trọng hơn là bằng sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia độ lượng của GV.

Ngoài năng lực tự học, trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, người GV cần phát triển cho HS năng lực tư duy phản biện, năng lực trải nghiệm, thực hành, vận dụng tri thức.

Ở mức độ cao hơn, tự học là quá trình tự thân người học hoạt động lĩnh hội tri thức khoa học và rèn luyện khả năng thực hành không có sự hướng dẫn trực tiếp của GV và sự quản lý của cơ sở GD. Hướng dẫn người học biết cách lựa chọn tài liệu, tìm ra những điểm chính, điểm quan trọng trong các tài liệu đã đọc, đã nghe, biết cách ghi chép những điều cần thiết, biết viết tóm tắt, làm đề cương… Muốn làm được điều này, trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học người GV cần bồi dưỡng cho HS năng lực làm việc độc lập, tự chủ, tự giác và kiên trì mới đạt hiệu quả mong muốn, do đó tự học gắn với quá trình tự giáo dục.

Đỗ Hữu Quỳnh cho rằng, những năng lực đã được phát hiện và bồi dưỡng ở bậc tiểu học phải là nền tảng cơ bản để tiếp tục phát triển ở các cấp học tiếp theo. Nếu những năng lực này không được định hướng và phát triển thì chúng nhanh chóng bị thui chột và tất cả sẽ quay lại từ đầu. Vì thế trong quá trình xây dựng Chương trình giáo dục PT mới rất cần sự đồng bộ và liên thông về mục tiêu, nội dung dạy học mà còn chú trọng mức độ phát triển năng lực tương xứng.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội: “Hiệu quả của giáo dục chỉ có thể đạt được bằng chính trải nghiệm của người học. Tôi không quan niệm đây là việc “cần học” mà là việc “cần sống”. Thực hành, trải nghiệm, thậm chí tạo nên nhiều tình huống khác nhau để học sinh va đập, suy nghĩ, tự tìm cho mình cách sống, hành vi phù hợp, điều đó mới có thể giúp các em thật sự có được năng lực để tự điều chỉnh bản thân và tham gia đời sống xã hội một cách tốt nhất

Lê Đăng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhan-to-quan-trong-quyet-dinh-chat-luong-3906871-b.html