Nhân tố nào quyết định trong liên kết chuỗi?

Là tỉnh nằm phía Nam cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, Hà Nam có mạng lưới giao thông thuận lợi, có thế mạnh phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chỉ còn chiếm 9,6% nhưng dân số nông thôn vẫn chiếm 65% dân cư trong tỉnh.

Để tăng hiệu quả sản xuất, phát triển nông nghiệp toàn diện, những năm qua, Hà Nam đã triển khai tích tụ, tập trung đất đai để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về kinh nghiệm tích tụ đất đai, thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam trong năm 2018?

Ông Trương Minh Hiến: Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11,5%. Đây là năm thứ 9 liên tiếp tỉnh có mứctăng trưởng đạt hai con số. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng rất tích cực.

Công nghiệp, thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn chiếm 9,6%.

Tuy nông nghiệp chiếm 9,6%, nhưng khu vực này lại chiếm 38% lao động và 65% dân cư. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất thấp, nhưng có ý nghĩa về chính trị - xã hội rất lớn.

Năm 2018 cũng là năm tỉnh thu hút đầu tư khá tốt với 105 dự án; trong đó 37 dự án đầu từ nước ngoài (FDI) với số vốn tăng thêm 390 triệu USD, đóng góp quan trọng vào thu ngân sách tỉnh.

Hà Nam có 116 xã, phường; trong đó, 98 xã có nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2018, Hà Nam có 91/98 xã và 4 huyện, thành phố là Phủ Lý, Thanh Liêm, Kim Bảng, Duy Tiên được công nhận xã, huyện nông thôn mới.

Tổng thu ngân sách của tỉnh năm 2018 đạt 7.600 tỷ đồng, trong khi kế hoạch được giao là 6.800 tỷ đồng. Đắc biệt, tất cả 28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Hà Nam phấn đấu đến năm 2020, tỉnh sẽ cân đối được thu chi ngân sách trên địa bàn.

Phóng viên: Với vai trò, ý nghĩa quan trọng của nông nghiệp. Tình hình thu hút đầu tư vào lĩnh vực này của tỉnh như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Minh Hiến: Muốn tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp thì không thể không có doanh nghiệp đầu tư.

Đây là vấn đề vừa lý luận vừa thực tiễn. Hà Nam xác định doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vừa là động lực, hạt nhân, vừa là nhân tố quyết định thành công trong liên kết chuỗi.

Doanh nghiệp là đầu tàu đưa vốn, khoa học công nghệ sản xuất để sản phẩm có số lượng, chất lượng.

Với thương hiệu của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng phát triển thị trường, đưa sản phẩm hướng đến xuất khẩu.

Hà Nam đã lập được 3.000 ha để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 10% đất lúa của tỉnh.

Triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, Hà Nam đã có 6 khu công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với 600 ha.

Hiện có nhiều doanh nghiệp lớn như VinEco, Vinaseed, Dabaco, Vinamilk, Masan… vào đầu tư.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, Hà Nam cũng chỉ đạo thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới để liên kết sản xuất các sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ.

Điển hình như VinEco với 183 ha, doanh nghiệp sẽ hướng dẫn quy trình sản xuất, cung cấp giống để sản phẩm có thể lọt vào hệ thống siêu thị của Vinmart.

Chẳng hạn như Tập đoàn Masan đầu tư Tổ hợp Chế biến thịt MNS Meat Hà Nam. Hà Nam mong muốn mời gọi doanh nghiệp chế biến thịt, bởi tỉnh được xem là thủ phủ chăn nuôi phía Bắc với khoảng 500.000 con lợn/năm.

Với công suất đầu tư của tổ hợp 1,4 triệu con lợn/năm, Hà Nam mới cung cấp đạt 1/3 nhu cầu tổ hợp.

Hà Nam kỳ vọng, Tập đoàn Masan không chỉ tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của tỉnh mà còn vươn tới vùng Đồng bằng sông Hồng.

Khi Masan đầu tư thì họ phải có lợi, nhưng tỉnh cũng tính đến người chăn nuôi của Hà Nam cũng phải được hưởng lợi.

Tỉnh đang quy hoạch 12 khu chăn nuôi tập trung theo tiêu chí của Tập đoàn để đảm bảo đầu vào nguyên liệu.

Đến năm 2020, Hà Nam sẽ có Trung tâm Chăn nuôi với khoảng 100.000 con và đến 2025 sẽ có 300.000 - 400.000 con lợn đủ tiêu chuẩn cho Tập đoàn.

Đến nay, các doanh nghiệp lớn đã đầu tư 2.296 tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho nông dân và thu được lợi nhuận cho chính mình.

Phóng viên: Có thể nhận thấy rất nhiều doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp đã đầu tư sản xuất tại tỉnh. Vậy, Hà Nam đã có chính sách gì để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao?

Ông Trương Minh Hiến: Đầu tiên là cơ quan đầu ngành phải có văn bản để chỉ đạo. Hà Nam đã có nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Đó là Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 08/04/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh nông nghiệp hóa, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2035.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua các nghị quyết chuyên đề. Như vậy, việc ban hành các văn bản của các cấp để chỉ đạo khá đầy đủ, đồng bộ để tạo sự toàn diện.

Doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, việc đầu tiên họ cần là quỹ đất đủ lớn để sản xuất. Đây là khúc mắc lớn nhất của nhiều địa phương. Không như nhà máy công nghiệp chỉ cần có vài ha làm nhà máy là đủ.

Cái khó là làm thế nào để tập trung đất đai, tạo điều kiện sản xuất theo dự án của doanh nghiệp. Hà Nam đã làm được việc này.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Nam đã thí điểm tích tụ, tập trung đất đai. Chính quyền các cấp đứng ra tuyên truyền, vận động nông dân cho tỉnh thuê đất.

Sau đó, tỉnh sẽ cho doanh nghiệp thuê lại với giá bằng giá thuê đất của dân. Nông dân vẫn được giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình.

Theo Luật Đất đai, doanh nghiệp phải thỏa thuận với người có đất để thuê đất. Nhưng ở Hà Nam, bình quân mỗi hộ chỉ còn từ 1,2 - 1,7 thửa, phải 30 - 40 hộ gia đình mới có 1 ha. Như vậy, nếu doanh nghiệp cần hàng trăm ha thì gần như không thể.

Nếu chính quyền không đứng ra thỏa thuận mà doanh nghiệp đi làm việc với hàng nghìn hộ dân để có được 100 ha thì đây là rào cản, điểm nghẽn không vượt qua được.

Văn hóa của người Việt Nam là đất đai là của để dành nên không ai muốn mất đất. Mặt khác nếu người dân bị mất đất thì cũng sẽ bần cùng hóa người dân.

Do đó, khi cho thuê, dân vẫn có quyền chuyển nhượng, nhưng người được chuyển nhượng đó phải thừa kế nghĩa vụ cho thuê.

Hà Nam có chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao khá rõ ràng. Hà Nam đề ra 10 cam kết với các doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh.

Ngoài cơ chế chính sách ưu đãi của Chính phủ, Hà Nam có cơ chế ưu đãi hỗ trợ riêng như: quy hoạch tỷ lệ 1:2000, đầu tư hạ tầng điện, nước, thủy điện, viễn thông đến chân công trình...

Thông qua các đề án rất rõ ràng, nông dân biết để giám sát dự án và doanh nghiệp biết mình được hưởng cái gì.

Với cơ chế, cách làm tạo điều kiện thuận lợi cho cả người dân và doanh nghiệp, Hà Nam mong muốn sớm được Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm này.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhan-to-nao-quyet-dinh-trong-lien-ket-chuoi-/109764.html