Nhận thức, nắm bắt nguy cơ vừa là thời cơ để phát triển ngành sản xuất muối việt nam trước biến đổi khí hậu toàn cầu

Có thể dự báo rằng ngành muối Việt Nam là ngành kinh tế sẽ phải chịu tác động sớm nhất, trực tiếp nhất, nặng nề nhất khi nước biển dâng và hàng chục ngàn hecta diện tích sản xuất muối sẽ có nguy cơ dần dần bị xóa sổ theo thời gian.

Biến đổi khí hậu nay đã là nguy cơ nhỡn tiền của toàn cầu, Việt Nam được dự báo là một trong năm quốc gia phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất mà những diễn biến bất thường về thời tiết, khí hậu gần đây trên khắp cả nước đã minh chứng cho dự báo đó. Nghề sản xuất muối hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là khai thác từ nước biển bằng công nghệ bay hơi mặt bằng, đại diện bởi phương pháp phơi cát ở Miền bắc, phương pháp phơi nước ở Nam trung bộ và các tỉnh Nam bộ, do đó vị trí và địa hình đồng muối đều tiếp giáp với biển và phần lớn trong số đó được sản xuất theo phương pháp cổ truyền, nước biển được đưa vào đồng muối nhờ sự chênh lệch mực nước khi thủy triều lên, do đó địa hình đồng muối đều có cao trình thấp so với mực nước biển. Vì vậy có thể dự báo rằng ngành muối Việt Nam là ngành kinh tế sẽ phải chịu tác động sớm nhất, trực tiếp nhất, nặng nề nhất khi nước biển dâng và hàng chục ngàn hecta diện tích sản xuất muối sẽ có nguy cơ dần dần bị xóa sổ theo thời gian (Theo kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng cho Việt Nam năm 2012 của Bộ Tài nguyên và môi trường thì khi nước biển dâng lên 01m, vùng đồng bằng sông hồng và Quảng Ninh sẽ bị ngập 10,5% DT, vùng ven biển Miền Trung sẽ bị ngập 2,5% DT, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập 39% DT).

Sản phẩm muối vừa là thực phẩm có nhu cầu giới hạn nhưng không thể thiếu và không thể thay thế cho bửa ăn hàng ngày của con người, muối ăn còn là thực phẩm lí tưởng nhất để chuyển tải bổ sung i-ôt cho người dân cũng là vấn đề mang tính toàn cầu để phòng và chống bệnh bướu cổ dẫn đến thiểu năng trí tuệ ở con người và ảnh hưởng đến tố chất giống nòi của các thế hệ mai sau. Muối còn là nguồn nguyên liệu quan trọng không giới hạn để sản xuất các hóa chất cơ bản là Xút-clo và Sô đa tổng hợp, hai sản phẩm này lại là nguyên liệu đầu vào của hàng ngàn ứng dụng cho sản xuất và tiêu dùng khác. Số lượng sử dụng và tăng trưởng hàng năm của nguồn nguyên liệu này là một trong những tiêu chí để đánh giá trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia. An ninh lương thực quốc gia là bao gồm gạo và muối như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng chỉ đạo khi đề cập vai trò của muối trong xã hội. Với mục tiêu đưa Việt Nam thành nước phát triển đến năm 2020 thì dự báo về nhu cầu tiêu dùng muối toàn quốc thời kỳ tới khoảng 2 triệu tấn/năm trong đó muối công nghiệp 1,35 triệu tấn, so với sản xuất hiện nay khoảng 1 triệu tấn sẽ là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và cần thiết để sớm có quy hoạch, kế hoạch phát triển các đồng muối nguyên liệu tương ứng, đi trước đón đầu cho nhu cầu tiêu dùng trên.Sản lượng muối toàn cầu hiện nay vào khoảng 273 triệu tấn năm, trong đó nhu cầu ăn trực tiếp cho con người chỉ khoảng 40 triệu tấn, trên 70% dùng trong công nghiệp hóa chất, còn lại là cho các tiêu dùng khác. Tốc độ tăng trưởng của ngành muối thế giới trong nhiều thập niên qua từ 2,5-3% năm với trình độ công nghệ cao và thiết bị tiên tiến, hiện đại. Tiêu thụ muối trên đầu người toàn cầu khoảng 40kg, Việt Nam khoảng 10kg! Hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển, Ngành muối Việt Nam cần bắt kịp và sớm hội nhập với thị trương muối thế giới mà tiềm năng để đưa ngành muối lên sản xuất lớn theo hướng công nghiệp và hiện đại là hoàn toàn cho phép.

Từ ngàn xưa loài người đã sớm có định nghĩa về ngành muối cần được chiêm nghiệm: "Ngành muối là ngành cổ xưa, đồng thời là ngành vĩnh hằng và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội".

Vì vậy, với vai trò và tầm quan trọng của ngành muối, trước nguy cơ tác động xấu của biển đối khí hậu (BĐKH) toàn cầu với ngành sản xuất muối Việt Nam thời kỳ tới, xin được kiến nghị:

- Trong các chương trình về xây dựng kịch bản về BĐKH vùng ven biển, cần làm chi tiết kịch bản cho các đồng muối hiện có, đặc biệt là vùng muối phơi cát phía bắc và các cánh đồng muối phơi nước cổ truyền có năng suất chất lượng thấp thuộc khu vực Nam bộ, trong đó cần xác định rõ bao nhiêu diện tích sản xuất sẽ mất đi khi nước biển dâng qua từng thời kỳ và kéo theo là bao nhiêu sản lượng muối bị tổn thất.

-Trên cơ sở đó cần sớm có kế hoạch phát triển diện tích mới và nguồn sản phẩm thay thế cho sản lượng bị tổn thất. Mặt khác cần chủ động và có kế hoạch và quy hoạch tốt để bố trí, sắp xếp và chuyển nghề để bảo đảm cuộc sống của người dân làm muối đã gắn bó với nghề qua nhiều đời,vừa là để bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn (một bộ phận không nhỏ trong lao động nghề muối- diêm dân –là người công giáo ở phía bắc, người Chăm ở miền trung, người khơ me và người Hoa ở Nam Bộ).

- Xây dựng, phát trển các cánh đồng muối mới phải có tầm nhìn sau năm 2050 vì phát triển muối là phát triển bền vững, nhu cầu muối không ngừng tăng lên theo thời gian đó là quy luật tất yếu, đồng muối càng khai thác năng xuất càng cao, giá thành càng giảm và phải bảo đảm hai tiêu chí: đồng muối có cao trình địa hình không bị ảnh hưởng khi nước biển dâng, địa điểm xây dựng đồng muối phải nằm trong khu vực có các điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất muối đạt năng suất cao, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, bảo đảm chất lương muối đạt chuẩn quốc tế cho sản xuất công nghiệp thay dần muối công nghiệp nhập khẩu từ năm 2000 đến nay và đồng muối cần có quy mô đủ lớn để có khả năng tổng hợp lợi dụng và khai thác có hiệu quả các nguồn lợi hóa chất sau muối, vừa tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất đai vừa sẽ là ngành sản xuất theo chu trình kín, thân thiện với môi trường.

- Điều kiện để một đồng muối sản xuất từ nguyên liệu nước biển khai thác có hiệu quả, năng suất, chất lượng cao phải có các yếu tố: nắng nhiều, mưa ít (khô hạn), độ ẩm thấp, nhiệt độ không khí cao, độ mặn nước biển cao, nhiều gió, môi trường không khí và môi trường biển trong sạch … vì vậy xin kiến nghị lựa chọn vùng quy hoạch phát triển sản xuất muối tập trung theo hướng công nghiệp và hiện đại trong thời kỳ tới là vùng ven biển Ninh Thuận và bắc Bình Thuận với các lí do sau:

+ Vùng này có thể coi là vùng khô hạn nhất nước hiện nay với lượng mưa trung bình nhiều năm 657mm, độ bốc hơi trên 1700 mm, có 2.800 giờ nắng/năm, có độ mặn nước biển cao nhất nước, trên 3 độ bô mê, tương đương độ mặn nước biển đại dương (độ mặn nước biển TB hiện nay ở các đồng muối phía Bắc: 1,6 độ bô mê, các đồng muối Nam Bộ: 2 độ bô mê).Vì vậy, phần lớn các đồng muối công nghiệp hiện tại đều tập trung ở đây như đồng muối Cà Ná 392ha, Đầm Vua 315ha, Tri Hải 375ha, Quán Thẻ 2150 ha, Vĩnh Hảo 510 ha, Thông Thuận 300ha … đặc biệt đồng muối Cà Ná được hình thành từ năm 1923, hiện tại vẫn là đồng muối có năng suất cao nhất vùng, đồng muối Quán Thẻ đang hoàn thiện có quy mô lớn nhất Việt Nam và khu vực và nếu được cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng công nghệ kết tinh dài ngày, phơi nước chạt sâu thì chất lượng và năng suất muối sẽ đạt chuẩn quốc tế, khi hoàn thành nếu toàn bộ diện tích 2150 ha đưa vào khai thác hết, hàng năm đồng muối sẽ cung ứng cho thị trường 430.000 tấn sản phẩm, với quy mô như trên, đồng muối còn có điều kiện để khai thác có hiệu quả các hóa chất có trong nguồn lợi nước ót (nước thải sau thu hoạch muối). Trong nhiều thập niên qua những đồng muối đã đi vào khai thác ổn định trên địa bàn chưa bao giờ bị thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.Vì vậy, đây phải được coi là vùng tài nguyên muối quốc gia, có một không hai của Việt Nam và tầm khu vực phải được nhận thức đầy đủ, sâu sắc để có kế hoạch bảo vệ, gin giữ, tổ chức khai thác tốt nguồn tài nguyên này góp phần phát triển đất nước.

+ Trong vài ba năm gần đây, những tác động của BĐKH đến khu vực này rất rõ nét! Bằng chứng là mức độ khô hạn ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, đe dọa sự tồn tại của một số ngành kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp: cây lương thực, chăn nuôi gia súc, trồng rừng …đã được dư luận xã hội với nhiều bức xúc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng ngược lại, sự khô hạn ngày càng khốc liệt đó đối với sản xuất muối lại là một lợi thế lớn để tạo ra năng suất, sản lượng cao hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Vậy nên, lựa chọn sự thích nghi, biến thế bất lợi trong BĐKH thành lợi thế để phát triển mạnh ngành kinh tế muối trên địa bàn này là sự lựa chọn khôn ngoan và cần thiết để ứng phó, thích nghi với BĐKH, tạo nguồn lực mới phát triển một ngành kinh tế quan trọng cho quốc gia.

Như các phân tích ở trên, các kịch bản BĐKH khi nước biển dâng lên 01m, hơn bao giờ hết, các nhà quản lí và chức trách hửu quan rất cần một tư duy đột phá, gắn với thực tiễn, tránh tư duy lối mòn, có tầm nhìn xa, sớm xây dựng quy hoạch liên vùng muối chiến lược trên địa bàn, trên cơ sở quy hoạch ngành!nên chăng và mạnh dạn chuyển phần lớn đất nông nghiệp một hai vụ hiệu quả kinh tế không cao, đất rừng cằn cỗi sang sản xuất muối! Như vậy mới tạo được một vùng kinh tế muối có quy mô vài ba chục ngàn hecta với sản lượng hàng năm đạt ba bốn triệu tấn sản phẩm! Quy mô trên sẽ là cơ sở để hình thành một Tổ hợp muối và hóa chất trên địa bàn ven biển Ninh Thuận và bắc Bình Thuận, bảo đảm cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng muối trong nước ngày một tăng và xuất khẩu cho các nước trong khu vực, tạo nhiều việc làm cho người dân và nếu nhà nước có cơ chế hợp lí trong lĩnh vực thu thuế từ muối như thuế tài nguyên, phục hồi thuế gián thu với người tiêu dùng trực tiếp, thuế muối Iốt… thì sẽ tạo được một nguồn thu không nhỏ, ổn định hàng năm cho ngân sách địa phương và quốc gia (thời kỳ 1956 đến 1960 ở Miền bắc, cứ mỗi tấn muối do mậu dịch quốc doanh bán ra nộp thuế cho nhà nước tương đương 250kg gạo, thời Pháp cai trị, thuế muối và thuế rượu đã đủ trả lương cho toàn bộ công chức toàn Đông dương). Và trong tương lai, với kịch bản nước biển dâng do BĐKH thì có thể khẳng định khu vực này sẽ là vùng sản xuất muối còn lại duy nhất của Việt Nam.

KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP

SẮP XẾP LẠI CƠ CẤU SẢN XUẤT NGÀNH MUỐI VỚI TẦM NHÌN SAU NĂM 2050.

Trên cơ sở các kịch bản BĐKH nước biển dâng qua từng thời kỳ, căn cứ nhu cầu tiêu dùng muối xã hội thời kỳ tới, căn cứ tài nguyên thiên nhiên muối Việt Nam … cần tiến hành một cuộc sắp xếp lớn cơ cấu sản xuất ngành muối theo hướng: Chủ động chuyển dịch sản xuất vùng muối phơi cát phía bắc có hạn chế là sản xuất theo công nghệ cổ truyền, sản xuất muối trong mùa mưa, chu trình sản xuất 48 giờ, lao động thủ công 100%, năng xuất lao động thấp, chất lượng sản phẩm thấp, khả năng cạnh tranh thị trường yếu, đời sống người lao động rất khó khăn. Vùng muối phơi nước phân tán phía nam, năng xuất diện tích thấp, chất lượng muối không cao, đặc biệt là vùng sản phẩm muối đen truyền thống rất khó tiêu thụ và thua thiệt về giá cả vì loại muối này phần lớn chỉ dùng cho mùa nước nổi vào thời vụ thu hoạch cá linh nên đời sống người dân cũng rất bấp bênh nếu vụ cá thất thu. Chính điều này đang là nghịch lý là do tính chất nhu cầu tiêu dùng trong nước nên vừa phải cho nhập khẩu muối, trong khi đó để giải quyết muối tồn kho còn ở trong dân, nhà nước vừa phải xuất kinh phí mua tạm trữ, để bảo đảm cuộc sống cho diêm dân.

Hướng sắp xếp lại sản xuất hai khu vực này là; Những đồng muối có địa hình trũng nhất, quy mô phân tán, năng suất chất lượng thấp nhất cần chủ động có kế hoạch chuyển dịch sản xuất sang ngành ngề kinh tế khác như nuôi tôm cá, trồng rừng chống sóng … đồng thời bố trí lại lao động muối dư thừa hoặc đào tạo nghề mới, hoặc định cư tại các vùng kinh tế mới! Những đồng muối có địa hình cao hơn , có thể duy trì sản xuất dăm ba thập niên nửa, có quy mô tập trung và năng xuất cao hơn có thể tiếp tục sản xuất trước khi bị ảnh hưởng do nước biển dâng nhưng phải được đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhầm giảm phần nào cường độ lao động thủ công và cải thiện chất lượng muối! giải pháp lựa chọn là người lao động chỉ thao tác đến khâu chế chạt ( nước chạt bảo hòa nồng độ 22-24 0be). Sau đó nước chạt được lắng lọc, bảo quản trong hồ chứa được kết tinh nhờ ánh nắng mặt trời nhưng không phải trên ô nề như muối phơi cát truyền thống hoặc ô kết tinh hở như phơi nước Miền nam mà được kết tinh trong nhà kính ( theonguyên lí hiệu ứng nhà kính). Ưu điểm của phương pháp kết tinh này là:

+ Giảm nhẹ cường độ lao động thủ công cho người dân do không phải đưa nước chạt bảo hòa ra ô kết tinh và thu gom muối, không phải chạy nước khi gặp cơn mưa bất chợt.

+ Chất lương muối tuyệt hảo do kết tinh trong nhà kín, muối không bị xâm nhập bởi đất cát của nền ô như trước kia, xâm nhập của cát bụi bay theo gió. Đây là ưu thế nổi trội, đã giải quyết được bài toán chất lượng muối sản xuất phân tán mà nhiều thập kỷ qua chưa giải được, chắc chắn sản phẩm sẽ có sức cạnh tranh cao và dể tiêu thụ hơn.

+ Như vậy, giải pháp này vừa là áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, vừa góp phần cơ giới hóa một phần lưu trình sản xuất muối cổ truyền mà nhiều thập kỷ qua đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhưng đều không thành công.

Quy trình kết tinh trên đã được Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao công nghệ muối biển thử nghiệm bước đầu và khả quan cần được tiếp tục nghiên cứu và triển khai.

Quy hoạch chiến lược sản xuất muối vùng tiềm năng cho tương lai thuộc các tỉnh Nam trung bộ theo công nghệ phơi nước tập trung từ nam Quảng Ngãi (đồng muối Sa Huỳnh) đến bắc Bình Thuận (đồng muối Vĩnh Hảo) bao gồm cả Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa ,Ninh Thuận. Trong đó, vùng sản xuất muối công nghiệp sẽ là vùng ven biển Ninh Thuận và ven biển huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển sản xuất muối theo hướng công nghiệp và hiện đại. Toàn bộ vùng quy hoạch này có thể cung ứng từ 3-4 triệu tấn muối /năm trong thời kỳ tới cho nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC MUỐI QUỐC GIA LÀM TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TỔ HỢP CÔNG NGHIỆP MUỐI - HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN VEN BIỂN NINH THUẬN VÀ BẮC BÌNH THUẬN.

Muối ở đây là muối công nghiệp, là sản phẩm của công nghệ sản xuất muối tiên tiến trên thế giới mà điều kiện về khí hậu, thời tiết, chất lượng nước biển, quy mô đồng muối từ 500 hecta trở lên, cho phép áp dụng công nghệ kết tinh nước chạt sâu, kết tinh dài ngày, thu muối cắt lớp bằng cơ giới, rửa trước khi đánh đống, bảo quản thì chất lượng muối sẽ đạt chuẩn quốc tế, hoàn toàn có thể đáp ứng cho nhu cầu sản xuất xút và sô đa trong nươc mà không phải sử dụng muối nhập như hiện nay từ Úc và Ấn Độ.

Hóa chất ở đây là; * Các xưởng chế biến thạch cao thô ( thu hồi 5% trên sản lượng muối ), cũng là nguyên liệu bắt buộc chiếm 5% trong sản xuất xi măng,* Các nhà máy sản xuất Xút và Sô đa mà muối là nguyên liệu chính! Hiện tại nhà máy Sô đa 200.000 t/năm đã được xây dựng tại khu chế suất Chu Lai Quảng Nam, nếu vận hành hết công suất sẽ cần 320.000T muối/năm ( lượng tiêu thụ muối mỗi ngày gần 1,000T, tương đương với đoàn tàu 30 toa nếu được chở bằng tàu hỏa ). Điều đáng nói là tính chất của muối do ăn mòn hóa học để bảo vệ môi trường và phương tiện vận chuyển ( toa xe, đường sắt ) các nước tiên tiến đều phải sử dụng toa chuyên dùng riêng cho vận tải muối. Riêngđịa điểm nhà máy Xút nên đặc tại vùng muối nguyên liệu để giảm thiểu hao hụt cơ học khi vận chuyển, đỡ chi phí về toa xe đặc chủng, giảm lượng kho bãi dự trữ tại nhà máy …

* Khi đã có sản lượng muối đạt trên 2 triệu tấn/năm trên một địa bàn thì việc đầu tư các nhà máy khai thác các hóa chất có trong nước ót mà thị trường đang có nhu cầu là khả thi và tăng gấp đôi hiệu quả kinh tế trên 1M3 nước biển đầu vào; Ví dụ Ôxit magiê nhẹ hoặc Ôxit magiê loạinặng được dùng nhiều trong công nghiệp cao su, lọc dầu, sản xuất vật liệu chịu lửa hoặc magiê kim loại và các hợp chất khác dùng trong y dược, phân bón vi lượng. Cacnalit dùng làm nguyên liệu trong sản xuất Titan từ cát đen. Nếu được khai thác triệt để, các sản phẩm hóa chất sau muối có giá trị kinh tế còn cao hơn muối theo tỷ lệ 6/4 trên một thể tích nước biển. Đây chính là lợi thế tiềm năng khi lựa chọn được vùng tài nguyên muối có quy mô tập trung và đưa lên sản xuất lớn.Điều này rất quan trọng và cần được ý thức đầy đủ đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách với tầm nhìn phát triển về vai trò của sản phẩm muối thời kỳ tới.Đây cũng là một giải pháp để xây dựng một ngành kinh tế có quy trình sản xuất khép kín, không phế thải, thân thiện với môi trường.

Trong chiến lược muối quốc gia cần đưa vào quy hoạch xây dựng 2-3 nhà máy sản xuất muối trực tiếp từ nước biển (sản lượng 300-500 ngàn tấn/năm) trên địa bàn Ninh Thuận vì ở đây có hai lợi thế không thể so sánh là nước biển có độ muối cao nhất, có đường điện cao thế bắc-nam là hai nhiên nguyên liệu chính để sản xuất muối cao cấp và đồng hành với muối là sản phẩm nước ngọt (khoảng 850 lít/1M3 nước biển) cũng rất có ý nghĩa cho vùng khô hạn này.

Địa bàn vùng chiến lược muối quốc gia này lại là một trong những vùng gió tiềm năng nhất Việt Nam để có thể phát triển phong điện có hiệu quả (đã được khảo sát và có đánh giá bước đầu). Vậy nên cần gắn các dự án điện gió với đồng thời phát triển các đồng muối để có các tính toán kinh tế tổng hợp việc sử dụng diện tích đất đai trên địa bàn vì mặt bằng đồng muối hoàn toàn cho phép lắp đặt các trụ phong điện mà không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất muối. Mặt khác, với cơ sở hạ tầng có sẵn của đồng muối sẽ hỗ trợ giảm chi phí đáng kể cho đầu tư ban đầu của dự án điện gió và nên khuyến khích các chủ đầu tư muối đồng thời cũng là chủ đầu tư điện gió.

Ngoài các lợi thế trên, vùng dự kiến chiến lước muối quốc gia lại nằm trên trục đường sắt Bắc Nam, trên tuyến Quốc lộ 1A, trên tuyến cao tốc Bắc Nam tương lai, gần các cảng biển nước sâu hiện có và trong tương lai, gần đường hàng hải quốc tế … sẽ rất thuận lợi cho việc lưu thông và xuất khẩu sản phẩm.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Nhà nước đang có chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp nằm trong mục tiêu lớn tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia để nắm bắt cơ hội tăng trưởng khi Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế; tham gia WTO và sắp đến là TPP để thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển sau năm 2020. Đây cũng là cơ hội và yêu cầu đòi hỏi ngành muối cần được tái cơ cấu mạnh mẽ căn cứ vào thực trạng, nhu cầu thị trường, tài nguyên muối và đặc biệt là tác động của BĐKH nước biển dâng vừa chủ động khắc phục tác động xấu của BĐKH, vừa nắm bắt lợi thế để đưa ngành muối lên tầm phát triển mới! cũng là cơ hội đặc thù chỉ có trong ngành muối không thể có sự lựa chọn tốt hơn.

Sắp tới, để thực hiện tái cơ cấu và phát triển hàng chục ngàn hecta sản xuất muối, ngành cần một nguồn kinh phí rất lớn; vốn nhà nước chỉ tập trung để sắp xếp lại vùng muối phân tán, đào tạo nghề cho người lao động! với đồng muối mới vốn nhà nước chỉ thực hiện trong giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng như hiện nay, còn vốn xây dựng đồng muối cần có chính sách và cơ chế hợp lí để huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (như mô hình đầu tư của đồng muối Quán Thẻ hiện tại). Nhà nước sớm có chính sách và cơ chế cởi mở để xã hội hóa đầu tư phát triển muối thời kỳ tới.

Mặt khác, nhà nước cần có chính sách mới và thay đối tư duy về thuế muối như thuế tài nguyên, với tính chất đặc thù tiêu dùng muối cho người ăn (nhu cầu vi lượng nhưng không thể thiếu và không thể thay thế) cần đánh thuế gián thu như trước kia vào người tiêu dùng cọng với tăng cường vai trò giám sát và quản lí của nhà nước trong điều tiết giá và chất lượng muối sạch, muối Iốt để có nguồn thu đáng kể từ ngành muối cho ngân sách,có trích tỷ lệ phần trăm thỏa đáng để lại cho địa phương để tạo động lực phát triển và tăng cường quản lí muối trên địa bàn.

Trước mắt, thực hiện tái cơ cấu lại ngành muối, xây dựng chiến lược muối quốc gia để phát triển với khối lượng công việc đáng kể, cần nhiều thời gian, công sức, chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, lập tổ chuyên gia với sự tham dự của các bộ ngành liên quan để tham mưu và trình đề án thực hiện chủ trương quan trọng này.

Hà Nội, năm 2018

PHỤ LỤC THAM KHẢO

TIN HỘI THẢO VỀ MUỐI QUỐC TẾ NĂM 2017

Tên hội thảo;MUỐI 2017: CƠ HỘI TOÀN CẦU CHO MỘT KỶ NGUYÊN MỚI VỀ CHUỖI CUNG CẤP MUỐI

Hội thảo do tập đoàn tư vấn muối quốc tế ROSKILL tổ chức ngày 28-29 tháng 3 năm 2017 tại khách sạn Renaissance Hotell, Dusseldorf, cộng hòa Liên Bang Đức

Phí tham dự cho một khách mời 1390 Euro và thuế VAT

Nhà tài trợ chính hội thảo: Salt-partners Ltd ( Thụy Sỹ)

Đăng ký hội thảo, liên lạc Alan Tyler: alan@Roskill.com hoặc Ken Walford: Ken@Roskill.com

Các liên lạc về báo cáo thị trường muối và hội thảo muối 2017:

David Meneill, Email: david@roskill.com

hoặc JackAnderson, Email: janderson@roskill.com

SÁCH VỀ MUỐI THẾ GIỚI XUẤT BẢN NĂM 2017

-Tên sách; MUỐI: NGHÀNH CÔNG NGHIỆP TOÀN CẦU, THỊ TRƯỜNG VÀ TRIỂN VỌNG ( Salt: Global Industry, market & Outlook)

Sách do ROSKILL xuất bản gồm 376 trang ( 16 chương, 310 bảng biểu, 88 hình).

Mã xuất bản ISBN: 978 1 910922 163

Giá 6500 USD /1 quyển, hãng có chiết khấu 15%. Nếu người mua mua thêm 1 bản sách điện tử thì bản tính thêm đó có giá 1.000 USD.

Nguyễn Gia Hùng - Nguyên TGĐ-CT HĐQT Tổng Cty Muối VN

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhan-thuc-nam-bat-nguy-co-vua-la-thoi-co-de-phat-trien-nganh-san-xuat-muoi-viet-nam-truoc-bien-doi-khi-hau-toan-cau-62467