Nhận thức mới về quản trị quốc gia trong thời kỳ mới

Tại phiên họp UB Thường vụ QH thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội hôm qua, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy chia sẻ nhiều trăn trở liên quan đến việc phát triển nền kinh tế số trong tình hình mới.

Nhắc đến kết quả ứng phó với dịch Covid-19 của Việt Nam vừa qua, ông Túy bày tỏ rất tự hào. Tuy nhiên, Trưởng Ban Công tác đại biểu lưu ý, trong thắng lợi đó, chúng ta cũng cần nhìn thấy khó khăn để thấy “trong cơ có nguy, trong nguy có cơ”.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy

Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy

Thời điểm chuyển giai đoạn

Theo ông Túy, chúng ta đã nhận diện được thách thức ở phía trước và những trạng thái xu thế phát triển kinh tế của KHCN trong nước cũng như cả thế giới đã được tính toán đến. "Đã nhận diện thì phải quyết tâm thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế trong thời kỳ mới", ông nhấn mạnh.

Ônng cho rằng, đây là thời điểm chuyển giai đoạn, nếu nhận thức đúng, có chiến lược đúng thì thúc đẩy đất nước phát triển; nếu nhận thức sai thì làm cho đất nước không phát triển. Từ đó, ông nhấn mạnh đến việc cần tạo nhận thức mới về thời kỳ mới, về quản trị quốc gia trong thời kỳ mới.

“Việc này chúng ta nói chưa nhiều. Đã rất nhiều lần chúng ta nói đến cách mạng 4.0 nhưng mảng kinh tế qua đợt dịch bộc lộ làm chưa được nhiều”, ông Túy lưu ý.

Ông dẫn chứng việc triển khai trạm thu phí không dừng đề cập cách đây 2 năm vẫn chưa thực hiện hay như câu chuyện không dùng tiền mặt, tại sao chúng ta không làm?

Dịch vụ bán hàng online hiện đang là xu thế rất hay, sao không thúc đẩy lên? Hay như việc khám chữa bệnh, hoàn toàn có thể thành lập những trung tâm chẩn đoán tập trung.

“Công nghệ bây giờ đến từng gia đình một, hoàn toàn có thể thực hiện được việc này, bán thuốc đến tận nhà. Như vậy không phải đến bệnh viện nữa. Chúng ta không phải xây dựng nhiều bệnh viện nữa… Tôi thấy cần tập trung vào làm việc này, ứng dụng phần mềm để thực hiện. Hay dạy học cũng thế, dạy online vẫn đảm bảo, dạy nghề cũng vậy”, ông Túy phân tích.

Theo ông, vấn đề là tạo ra nhận thức mới, trong điều kiện mới và trong quản lý, điều hành, quản trị quốc gia cần nhấn mạnh việc này.

“Thậm chí ngay đơn vị hành chính cũng thế thôi, cả thế giới họ đã xóa nhòa khoảng cách, chúng ta cứ chia tách ra rồi đơn vị hành chính này nọ, to bé, tạo rào cản thì phải gỡ”, ông Túy nói.

Ông đề nghị phải xây dựng một kịch bản cho chiến lược mới, trong định hướng giải pháp cần thành lập một bộ phận nghiên cứu việc này. QH phải dành thời gian bàn kỹ để tìm ra một chiến lược mới.

Kinh tế số sẽ tạo ra luật chơi mới, đòi hỏi thích ứng nhanh

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình 4 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, lây lan nhanh tới các quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng toàn cầu, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội và hành vi, thói quen sinh hoạt của người dân trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Bên cạnh đó, nền kinh tế có một số điểm sáng như kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

“Phương thức tiêu dùng, quản lý, điều hành trong các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước có sự đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao tiếp và làm việc từ xa; tăng mạnh nhu cầu của thị trường công nghệ thông tin và công nghệ số…”, Bộ trưởng KH-ĐT nhấn mạnh.

Cụ thể, thương mại điện tử được đẩy mạnh. Các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm, đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức dạy và học, tinh giản nội dung, chương trình học.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, hiệu quả về phòng, chống dịch. An ninh, quốc phòng, đối ngoại được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, xu hướng tiêu dùng, thương mại và xu thế phát triển mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số.

Sự thay đổi về trật tự, vai trò, vị trí của các quốc gia trong quan hệ đối ngoại và thay đổi khoảng cách phát triển giữa các nước, từ đó ảnh hưởng tới dòng đầu tư, thương mại giữa các quốc gia; thay đổi khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.

Đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến các quan điểm giữa toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập với chủ nghĩa dân tộc, dân túy, bảo hộ, biệt lập; vấn đề biên giới và chủ quyền sẽ được chú trọng hơn trong quan hệ kinh tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Các quốc gia sẽ tìm cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường, làm thay đổi thương mại toàn cầu. Các chuyên gia quốc tế nhận định Covid-19 sẽ không làm giảm sự phụ thuộc của toàn cầu vào Trung Quốc do nước này vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh đáng kể trong nhiều lĩnh vực như sản xuất điện tử, máy móc và thiết bị.

Tư lệnh ngành KH-ĐT cũng đề cập đến xu hướng phát triển trong thời gian tới, trong đó có quá trình chuyển đổi số sẽ được ưu tiên phát triển trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, giúp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đi vào đời sống nhanh, mạnh và có hiệu quả nhất.

"Tuy vậy, kinh tế số sẽ tạo ra luật chơi mới và yêu cầu các DN phải có sáng tạo, thích ứng nhanh nếu không muốn bị bỏ lại phía sau", ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mô hình kinh tế của Việt Nam trong tương lai phải là nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc và linh hoạt thích ứng.

Nhưng muốn đảm bảo các yêu cầu trên, tăng trưởng toàn diện, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh xã hội sẽ là những yếu tố quan trọng, cần xem xét khi xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó là gia tăng nhu cầu mới về lao động, việc làm phù hợp với phương thức sản xuất kinh doanh và tình hình mới. Thị trường lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, nhu cầu về các công việc liên quan đến công nghệ sẽ tăng cao. Xu thế làm việc từ xa sẽ được tiếp tục và tăng cường với lực đẩy chuyển đổi số…

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá, hoạt động khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông đã hỗ trợ tích cực đối với công tác phòng, chống dịch.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/nhan-thuc-moi-ve-quan-tri-quoc-gia-trong-thoi-ky-moi-641611.html