Nhận thức đúng về quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin

Quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin là một quyền cơ bản, quan trọng của cá nhân được quy định trong nhiều công ước quốc tế về quyền con người và đã được quy định trong các Hiến pháp nước ta, đặc biệt là Hiến pháp 2013.

Ảnh minh họa.

Không ít người cho rằng, mọi người đều có quyền sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, mạng xã hội - xem đó là một quyền tuyệt đối không có giới hạn. Để phản đối Luật An ninh mạng, một số bài viết trên các trang mạng của một số phần tử cơ hội chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước đưa ra luận điệu rằng luật này không hề mang lại lợi ích gì cho nước, cho dân, cả chính trị và kinh tế, mà chỉ giúp cho bọn tham nhũng đang bị truy đuổi hơn hai năm qua có khả năng “lật cờ”, trỗi dậy. Một số bài viết của các đối tượng này còn đòi hủy bỏ nhiều điều luật trong Bộ luật Hình sự như Chương XI - về các tội phạm an ninh quốc gia, Điều 79 (tội lật đổ chính quyền nhân dân)... Đây thực chất là thủ đoạn chính trị xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo; phá hoại mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; kích động hận thù dân tộc; phá hoại quan hệ quốc tế của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Pháp luật nước ta cũng như các quốc gia đều quy định, quyền bao giờ cũng đi đôi với nghĩa vụ. Hiến pháp và nhiều bộ luật nước ta đã quy định rõ các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, kể cả quyền sử dụng mạng xã hội và quyền tiếp cận thông tin. Bởi vậy hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên và người dân cần hiểu rõ và nắm vững các quy định của pháp luật về quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin; đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác với những thủ đoạn tung tin ảo trên mạng xã hội, tránh tình trạng vô tình trở thành người vi phạm pháp luật, phá hoại chế độ.

Những năm qua, quyền con người, quyền công dân của nhân dân Việt Nam không chỉ được quy định trong Hiến pháp, pháp luật mà còn được bảo đảm trong thực tế. Nhiều quyền dân sự, chính trị đã được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Qua nhiều hình thức cung cấp, ngoài hệ thống báo chí trong nước, người dân Việt Nam còn được tiếp xúc với các kênh truyền hình nước ngoài thuộc nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới. Đặc biệt, internet được Nhà nước khuyến khích sử dụng bao gồm báo và tạp chí điện tử, mạng xã hội, các trang thông tin điện tử... được cấp phép hoạt động. Ngày nay, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như vậy có thể khẳng định không thể nói quyền tự do ngôn luận, báo chí, internet ở Việt Nam bị “bóp nghẹt” như nhiều người tự xưng là người “bất đồng chính kiến” nói.

Năm 2016, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin (TCTT). Đây là một văn kiện pháp luật cụ thể hóa về quyền tự do ngôn luận, báo chí của Hiến pháp năm 2013. Theo quy định của Luật TCTT thì quyền TCTT là một quyền có thể bị hạn chế hoặc là quyền có điều kiện. Trong đó, có những quyền bị hạn chế như: “Thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng - an ninh quốc gia, đối ngoại...”; những thông tin mà “nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng - an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng...” (Điều 6). Những thông tin được tiếp cận có điều kiện, chẳng hạn: “Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận nếu chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý”... “Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, nếu được người đó đồng ý” (Điều 7). Điều 11 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: “Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin... Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức...”. Luật này cũng quy định quyền và nghĩa vụ của công dân (trong việc TCTT), đó là những quyền: “Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về TCTT”. Đồng thời công dân có nghĩa vụ sau: “Tuân thủ quy định của pháp luật về TCTT; không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền TCTT”; không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp...

Có thể khẳng định, khung pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, báo chí, TCTT của công dân là cơ bản đầy đủ, đồng bộ, hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người; tôn trọng và bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin nói riêng. Trong đó, quy định rõ quyền, nghĩa vụ và việc hạn chế quyền này của công dân trong trường hợp cụ thể, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Trước tình hình nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông vi phạm quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Luật gia Hà Sĩ Thắng, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Cần phải xử lý nghiêm các hành vi này theo quy định của pháp luật. Điều 288 (tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông) Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với các hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật; mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, thu lợi bất chính, gây thiệt hại hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trường hợp phạm tội có tổ chức; lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; thu lợi bất chính lớn (từ 200.000.000 đồng trở lên); gây thiệt hại lớn (từ 500.000.000 trở lên); xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam hoặc dẫn đến biểu tình, có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Lê Phượng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/nhan-thuc-dung-ve-quyen-tu-do-ngon-luan-quyen-tiep-can-thong-tin/101587.htm