Nhân sự Tổng thống Trump bổ nhiệm lần lượt... từ nhiệm

Thêm một quan chức Mỹ được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm tỏ ý từ chức.

Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman mới đây đã đề cập tới khả năng rời khỏi trách nhiệm Đại sứ vào ngày 3/10 tới đây.

Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman

Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman

Đại sứ Jon Huntsman đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Donald Trump về ý định này. Trong lá thư, ông Huntsman kêu gọi tiếp tục buộc Nga phải chịu trách nhiệm về hành vi đe dọa Mỹ và các đồng minh. Ông Huntsman cũng lưu ý, giữa Moscow và Washington có những "lợi ích chung" không thể bỏ qua.

Đại sứ Mỹ nhấn mạnh đến sự cần thiết phải "duy trì các kênh đối thoại về các vấn đề lợi ích quốc gia" như chống khủng bố và đảm bảo việc kiểm soát vũ khí có thể kiểm chứng được.

Ông Huntsman đã được bổ nhiệm là Đại sứ Mỹ tại Nga hồi tháng 10/2017. Ông Huntsman từng làm Đại sứ tại Singapore, Trung Quốc, ông cũng từng là Thống đốc bang Utah nhiệm kỳ 2005- 2009.

Đại sứ Mỹ tại Nga đã xác nhận việc ông Huntsman sẽ từ chức.

Sau khi thông tin này được truyền đi, Bộ Ngoại giao Nga phát đi thông báo có phần ca ngợi vị Đại sứ này.

"Ông Huntsman là một người chuyên nghiệp. Thật không may, tình hình chính trị trong nước của Mỹ đã khiến người ta không thể nhận thức được tiềm năng hiện hữu của mối quan hệ song phương" - thông báo nêu rõ.

Quyết định của ông Huntsman đưa ra chỉ ít ngày sau khi Nga và Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman sẽ nối dài danh sách các quan chức từ chức dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Cuối tháng 7, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia nước này - ông Dan Coats tuyên bố từ chức do có quan điểm bất đồng với Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến các vấn đề Nga, Iran và Triều Tiên. Ngay lập tức, trên trang Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận, ông Dan Coats sẽ rời khỏi chức vụ của mình vào tháng 8 tới và Nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Ratcliffe đã được ông Trump đề cử thay thế.

Ông Dan Coats đã nhiều lần công khai quan điểm khác biệt với Tổng thống Mỹ. Cụ thể, ông đã phản đối chính sách cải thiện mối quan hệ với Nga, đồng thời nhận định Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình. Trong khi đó, ông cũng thừa nhận thực tế Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với các cường quốc trên thế giới năm 2015.

Trước đó khoảng 10 ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản thông báo Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, ông William Hagerty cũng thông báo từ chức. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông Hagerty sẽ tham gia tranh cử vào Thượng viện Mỹ tại bang Tennessee.

Ông Hagerty từng là thành viên cấp cao trong nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống Donald Trump vào năm 2016. Từ tháng 8/2017, ông Hagerty giữ chức Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản.

1 tuần trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ Alex Acosta thông báo từ chức. Ông Acosta đối mặt với làn sóng chỉ trích và kêu gọi từ chức vì ký thông qua thỏa thuận xử lý rất nhẹ tỷ phú Epstein - người bị cáo buộc xâm hại tình dục trẻ vị thành niên ở bang Florida hồi năm 2008. Khi đó, ông Acosta là một công tố viên liên bang.

Chưa tới 30 ngày trước đó, ngày 18/6, ông Patrick Shanahan quyết định từ chức vì lý do gia đình, chỉ gần 6 tháng sau khi đảm nhiệm vai trò Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Nhà Trắng đã đề cử ông Mark Esper làm Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau đó. Tuy nhiên, sau khi Nhà Trắng đề nghị Thượng viện phê chuẩn ông Esper, ông này bất ngờ từ chức. Ông ng Esper sẽ "thôi giữ chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng và sẽ chỉ giữ chức Bộ trưởng Lục quân".

Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer sẽ đảm nhiệm vai trò quyền Bộ trưởng Quốc phòng thay thế ông Esper.

Trước khi có sự thay đổi chóng mặt về chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời gian qua. Hồi tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức vì bất đồng với chính sách của Tổng thống Trump.

Danh sách các quan chức Mỹ từ chức còn phải kể tới Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Kevin Hasset, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein, Giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ Randolph Alles...

Việc hàng loạt các quan chức Mỹ từ chối tiếp tục phục vụ chính quyền được Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy rõ sự bất đồng quan điểm mạnh mẽ tại Nhà Trắng.

Đại sứ từ chức: Quan hệ Nga- Mỹ khó cải thiện?

Xung quanh câu chuyện Đại sứ Mỹ tại Nga từ chức, giới quan sát cho rằng, ngay cả khi ông Jon Huntsman có thể được thay bởi một quan chức khác, cũng khó có thể đảm bảo cải thiện mối quan hệ Mỹ- Nga.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Moscow Michael McFaul nói rằng, ông không ngạc nhiên khi biết rằng Huntsman quyết định từ chức. Ông lưu ý rằng không có điều kiện thuận lợi để thiết lập lại quan hệ song phương trong nhiệm kỳ của Huntsman tại Moscow.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nga và Canada Học viện Khoa học Valery Garbuzov cũng cho rằng, sự thay đổi về mặt nhân sự khó mà thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ Nga- Mỹ.

"Mỹ là một quốc gia định hình chế độ trừng phạt áp đặt lên Nga. Mỹ và Nga không hiểu nhau về chính sách đối ngoại, trong khi danh sách các vấn đề có thể trở thành chương trình nghị sự và hợp tác của hai nước ngày nay rất ngắn và về cơ bản là trống rỗng" - ông Valery Garbuzov nói.

Vị chuyên gia này cũng đồng tình với quan điểm của Moscow: "Thật không may, tài năng ngoại giao của ông đã không thể hiện ở Moscow".

Ông Garbuzov cho rằng, vị Đại sứ Mỹ đã làm hết sức mình trong nhiệm kỳ của ông và cảnh báo về khả năng tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ. "Số phận tương tự đang chờ đợi bất kỳ đại diện Mỹ nào khác ở Nga. - ông viết.

Chủ tịch Hội đồng Câu lạc bộ thảo luận Valdai, ông Andre Bystritsky cũng chia sẻ ý kiến tương tự, nói thêm rằng đại sứ thay thế ở Moscow có thể trở thành "một yếu tố cải thiện nhất định trong quan hệ".

"Vai trò của đại sứ là rất quan trọng, nhưng không phải phóng đại đến mức thể hiện mối quan hệ hai nước. Tôi tin rằng việc từ chức của một đại sứ và bổ nhiệm một người mới, tất nhiên, có thể là một yếu tố thay đổi quan hệ, nhưng thật sai lầm khi nghĩ rằng đây là yếu tố quan trọng nhất" - chuyên gia Bystritsky chia sẻ.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nhan-su-tong-thong-trump-bo-nhiem-lan-luot-tu-nhiem-3385245/