Nhân sự được bầu làm đại biểu Quốc hội phải có đức tài, quyết liệt hành động

Cử tri mong muốn nhân sự được bầu làm ĐBQH phải là những người tiêu biểu, có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, vì sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.

Báo cáo về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/3, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, cử tri và nhân dân quan tâm nhiều đến cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đặc biệt, cử tri mong muốn những đại biểu được bầu là những người tiêu biểu, có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, vì lợi ích của Nhân dân, của dân tộc và sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.

Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ cuộc bầu cử; tạo điều kiện để nhân dân được thực hiện đầy đủ quyền công dân, đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục có các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

"Cần đánh giá, rút kinh nghiệm, phát huy những điểm mạnh, khắc phục những yếu kém, bảo đảm các cơ quan trong bộ máy nhà nước tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tiến trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế", ông Hầu A Lềnh nói.

Ngoài ra, MTTQ Việt Nam cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp; hoàn thiện thể chế về quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên và thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

1.810 kiến nghị được giải quyết, trả lời

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH, đã có 1.904 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 1.810 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 95%.

Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tiếp nhận 1.804 kiến nghị của cử tri, đã giải quyết, trả lời 1.713 kiến nghị, đạt 95%, trong đó: 1.420 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin; 134 kiến nghị đã giải quyết xong; 159 kiến nghị đang được xem xét, giải quyết.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình

Theo ông Bình, việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, Bộ, ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm cùng với việc tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phát triển kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo an ninh - trật tự, quốc phòng - an ninh.

Nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri được nghiên cứu, tiếp thu giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân.

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện cũng lưu ý, thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri không đúng thời hạn. Một số ít văn bản trả lời chung chung, không nêu rõ kết quả khi cử tri yêu cầu tổ chức kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, chất lượng.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất; có quy định còn chưa phù hợp với thực tế, nhiều ý kiến cử tri không đồng tình…

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/nhan-su-duoc-bau-lam-dbqh-phai-co-duc-tai-quyet-liet-hanh-dong-719817.html