Nhãn Sơn La: Đem lại giá trị kinh tế cao

Cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu, tỉnh Sơn La còn tích cực kêu gọi các doanh nghiệp (DN) đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị cho trái nhãn nói riêng và nông sản an toàn của Sơn La nói chung. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Thuận - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La - xung quanh vấn đề này.

Sau 1 năm tiêu thụ thành công, công tác xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm nhãn năm 2019 đã được tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?

Diện tích nhãn trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2019 đạt hơn 15 nghìn ha, tăng 2,91 lần so với năm 2015. Ước tính, sản lượng năm 2019 đạt 73 nghìn tấn, tăng 1,81 lần so với năm 2015. Hiện, nhãn Sơn La được cấp 45 mã vùng trồng, diện tích hơn 2,227 nghìn ha với sản lượng hơn 33,4 nghìn tấn. Tỉnh Sơn La đã triển khai xây dựng các vùng sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP,GlobalGAP, Organic...) trong sản xuất, chế biến, bảo quản an toàn cho trái nhãn.

Với mục tiêu đồng hành cùng người nông dân, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Sơn La đã triển khai khá nhiều hoạt động nhằm nâng cao giá trị kinh tế của cây nhãn trên cơ sở bảo đảm tốt đầu ra cho sản phẩm. Cùng với việc lập kế hoạch, quy hoạch phát triển cây nhãn, hàng năm, Sơn La đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện xúc tiến tiêu thụ nông sản nói chung và trái nhãn nói riêng.

Năm 2019, nhằm tạo điều kiện để các DN, hợp tác xã kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nhãn và những mặt hàng nông sản an toàn của tỉnh, hàng loạt sự kiện xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn Sơn La đã được địa phương tổ chức trong tháng 7 - 8. Cụ thể, tổ chức khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn và xuất khẩu tại Lễ khai trương cặp cửa khẩu phụ Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp, Sơn La); Tuần lễ Nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019 tại siêu thị Big C Thăng Long, Hapromart và Lotte Mart; Ngày hội Nhãn sông Mã và Lễ công bố xuất khẩu nhãn năm 2019 tại huyện Sông Mã...

Kết quả công tác xúc tiến thương mại từ năm 2018, vụ nhãn năm nay, thương lái và các DN trong, ngoài nước đã đặt hàng với giá nhãn bình quân 25.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với giá năm 2018 (13.000 -15.000 đồng/kg).

Được biết, năm nay, nhãn ở nhiều địa phương mất mùa, trong khi Sơn La sản lượng lại tăng, ông có thể chia sẻ nguyên nhân?

Sơn La đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, diện tích nhãn cũng đã được mở rộng. Bên cạnh đó, chủ động chăm sóc vườn nhãn theo đúng tiêu chuẩn của từng thị trường để bảo đảm tiêu chuẩn nông sản an toàn, sạch đến với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các hộ trồng nhãn đã biết chăm sóc và dải vụ nên sản lượng rất tốt. Do đó, mặc dù nhiều nơi nhãn mất mùa nhưng tại Sơn La, sản lượng nhãn vẫn tăng so với năm 2018.

Nhãn Sơn La đã xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Hiệu ứng từ các thị trường khó tính cho thấy, nhãn Sơn La rất ngon, bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, Sơn La đang yếu trong khâu bảo quản. Chúng tôi đang có chính sách cho các hợp tác xã chủ động xây dựng nhà sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Cạnh đó, Sơn La cũng đang tập trung vào mời gọi DN đầu tư và giúp bà con hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học - công nghệ, sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu của từng thị trường cũng như các vấn đề sơ chế, bảo quản và tiêu thụ nông sản để đưa sản phẩm nhãn Sơn La đến với các thị trường khó tính.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hạnh (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhan-son-la-dem-lai-gia-tri-kinh-te-cao-124776.html