Nhân sinh trong sắc trắng hàn mai

Người phương Đông ưa lấy thiên nhiên để gửi gắm tâm tình. Thiếu nữ đôi tám được ví 'đào tơ liễu yếu'. Cây trúc gióng thẳng, thân mềm dẻo nhưng chịu được bão tố phong ba. Cây tùng mọc cheo leo trên vách núi được ví như người quân tử, khí phách ngay cả trong gian khó... Dẫu vậy, không gì sánh được với nhất chi mai. Màu trắng của hoa tượng trưng cho lòng dạ người quân tử. Tiết trời càng giá buốt càng trắng tinh khiết đến lạ lùng. Bởi thế, nhất chi mai còn được gọi là hàn mai.

Nhất chi mai là thú chơi thanh tao của người Hà Nội. Ảnh: Lưu Hương

Người yêu văn chương Việt mấy ai không ngưỡng mộ những trang văn của Nguyễn Tuân đặc tả nét ung dung, kiêu bạc của tử tù Huấn Cao ngay cả khi cái chết đang cận kề. Huấn Cao là ánh xạ của một nhân vật có thật ngoài đời - Cao Bá Quát. Trong cuộc đời đầy khí phách của mình, Thánh Quát có một câu thơ mà ngàn đời hậu thế vẫn luận bàn: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm giao du tìm thanh kiếm cổ/ Một đời chỉ cúi đầu trước hoa mai).

Xa hơn nữa trong lịch sử cổ - trung đại, nhất chi mai cũng đã chiếm một vị trí trang trọng trong sáng tác của nhiều danh nhân đất Việt. Bông mai của Thiền sư Mãn Giác có lẽ là bông mai nở sớm nhất trong vườn văn nước nhà, với đôi câu thơ vừa thể hiện sự tĩnh tại của con người trước sự đổi thay của vũ trụ vừa gói ghém cả tinh thần Phật pháp: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Những tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai). Với các tác gia Nho giáo, hình tượng mai xuất hiện đậm đặc hơn. Nguyễn Trãi có đến cả chục bài thơ về mai, ví như: “Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi/ Ưa mai vì tiết sạch hơn người”. Hay như đại thi hào Nguyễn Du, chỉ riêng Truyện Kiều cũng có đến hơn chục lần nhắc đến hoa mai...

Ngày Tết, gia đình quan lại, trí thức Thăng Long xưa thường đặt một chậu nhất chi mai nhỏ trên bàn uống nước hoặc trong phòng khách. Bởi nhất chi mai không chỉ gợi liên tưởng tới phẩm cách của người quân tử, mà còn tượng trưng cho tính cách người Hà Nội một thời. Gốc mai gầy guộc, xù xì, đối lập với màu trắng tinh khiết của hoa.

Ảnh: Lưu Hương

Ảnh: Lưu Hương

Cũng là thú chơi thanh tao từ xa xưa nhưng nhất chi mai không dành cho số đông mà kén người chơi. Yêu thì phải hiểu chất chi mai. Loài hoa tượng trưng cho bậc quân tử này rất “khí khái”, đòi hỏi dụng công chăm sóc. Hà Nội bây giờ có nhiều làng hoa mới hình thành ở ven đô nhưng ít người dám "đụng" đến nhất chi mai. Những người trồng hoa, chơi hoa có tiếng vẫn loanh quanh ở những làng hoa cũ mạn Tây Hồ.

Làng Nhật Tân có vườn mai thế khá nổi tiếng của anh Trần Tiến Dũng. Anh Dũng bảo, cho dù làng có mấy chục héc ta trồng đào và hoa các loại nhưng số người chọn sinh kế bằng nhất chi mai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong tự nhiên mai dễ phát triển, nhưng tốt lá, tốt cành thì thường kém về hoa. Để mai nở đúng Tết thì phải vừa “dưỡng” vừa điều chỉnh cách chăm sóc tùy điều kiện thời tiết. Trồng mai thế còn khó hơn nữa bởi thân cành nhỏ, giòn, dễ gãy, không thể can thiệp thô bạo. Người trồng phải theo dõi từng chồi nảy lên để quyết định bỏ - giữ cái nào, phải có sự tinh tế lựa theo dáng thế của cây mà tác động.

Nhất chi mai/hàn mai còn có tên nữa là nhị độ mai, bởi sau lần nở đầu tiên (thường vào dịp Tết Nguyên đán), khi tàn rụng hết hoa thì sẽ nở thêm một lần nữa, rộ hơn khi tiết trời ấm áp. Người yêu nhất chi mai sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của hoa mai trong từng khoảnh khắc. Khi mới ra nụ thì đài bên ngoài màu lá mạ xanh tươi. Khi hơi chúm chím, dưới màu xanh ấy hé ra một màu đỏ cờ. Sau ba ngày chúm chím, hoa sẽ bung sắc trắng, phớt hồng ở diềm cánh. Nếu trời mưa rét, hoa sẽ chuyển màu trắng tinh khôi.

Cạnh Nhật Tân là làng quất cảnh Tứ Liên, có một cặp vợ chồng đều mê nhất chi mai: Anh Nguyễn Văn Sơn - chị Nguyễn Thị Kim Ngọc. Thú chơi nhất chi mai tưởng như chỉ gắn với cánh mày râu nhưng chị Ngọc lại là người sành trong giới trồng, chơi loài cây này. Chị thuộc nhiều câu thơ cổ, say sưa kể những điển tích, những nét văn hóa về mai. Chị từng tỉ mỉ đếm số cánh mai trên một bông hoa trong vườn nhà mình, lần nhiều nhất đếm được 92 cánh. Thường mỗi bông nhất chi mai chỉ có 30 - 40 cánh, thế nên để có được số lượng ấy là cả một kỳ công.

Ảnh: Kim Ngân

Bắt đầu chơi nhất chi mai từ "con số không", vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm, sau nhiều năm “mất Tết” vợ chồng chị Ngọc đã tìm ra "công thức chuẩn": “Nhất chi mai tượng trưng cho sự thanh cao. Thế nên chúng tôi dưỡng cây bằng những gì tinh sạch”. Nhất chi mai của anh Sơn - chị Ngọc “khác người” bởi chỉ trồng trong chậu, trong lọ, bình. Trồng trong chậu đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn nhưng nhờ đó mà gốc cây xù xì, đẹp hơn. Phải đợi cây mai ít nhất 6 - 7 tuổi mới bắt đầu cho thuê. Trong vườn của anh chị có những cây dễ đến vài chục năm tuổi.

Người Hà Nội tinh tế, cầu kỳ ở thú chơi. Có những thú chơi tao nhã từng một thời biến mất nay đã trở về, như thú chơi đào thất thốn, gọt thủy tiên... Nhất chi mai cũng không nằm ngoài vòng quay ấy. Ở những phiên chợ hoa Tết ở chợ Bưởi, chợ Hàng Lược hay dọc “đường hoa” Nghi Tàm, Âu Cơ, Lạc Long Quân, nhất chi mai xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Cuộc sống đi lên, ngày càng nhiều người có điều kiện thưởng thức vẻ đẹp nhất chi mai, giúp nghề trồng nhất chi mai hồi sinh. Nhưng cái hay, cái đẹp của thú chơi hoa, chơi cây không thuần túy ở thưởng ngoạn vẻ đẹp bên ngoài, mà chơi cây, chơi hoa còn là để gửi gắm tâm tình, tu tâm, dưỡng tính. Bởi vậy, ngắm sắc trắng hoa mai trong thời khắc xuân sang không đơn thuần là thưởng ngoạn cái đẹp, mà còn là dịp tự nhắc nhở mình về vẻ đẹp tinh thần, coi trọng phẩm chất hơn hình thức..., tức là nhắc nhở đạo làm người!

Dã Liên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/990972/nhan-sinh-trong-sac-trang-han-mai