Nhân rộng những vườn thuốc nam từ thiện

Phong trào trồng và sử dụng thuốc nam ngày càng phổ biến trong cộng đồng, không chỉ góp phần điều trị cho bệnh nhân và các cơ sở khám, chữa bệnh theo y học cổ truyền, mà còn bảo tồn nguồn dược liệu cần thiết trước tình trạng khan hiếm dần trong tự nhiên.

Đến nay, người dân toàn tỉnh hưởng ứng việc trồng cây thuốc đạt diện tích gần 500ha. Ngoài những cây thuốc quý được nhà nước hỗ trợ trồng, bảo tồn gắn với phát triển kinh tế ở các vùng đặc thù, sự hưởng ứng của người dân với mục đích làm từ thiện cũng chiếm số lượng đáng kể. Tại xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới) hiện có hơn 30 loại cây thuốc nam được trồng trong trường học, làm hàng rào nhà dân, tổng diện tích hơn 60 công. Xã có 13 cơ sở chuyên chặt phơi và tìm kiếm thuốc nam để cung cấp cho 9 phòng khám thừa kế chẩn trị ở các ấp và Phòng Đông y tại Trạm Y tế xã. Trong đó phổ biến là các loại: mần ri, bồ bồ, mật nhân, rau bợ… Còn tại xã Long Điền A (Chợ Mới), một hộ dân (xin giấu tên) đã dành 20 công đất lập vườn trồng trên 30 loại cây thuốc, nhờ những người hảo tâm đến chăm sóc hàng ngày. Khu vườn cung cấp cho các cơ sở đông y và người bệnh có nhu cầu đang tiếp tục được mở rộng, có nhiều loại phổ biến và rất cần thiết trong chữa bệnh hàng ngày, như: lược vàng, đinh lăng, chùm ngây, cây nhàu…

Cây thuốc nam được Hội Đông y các cấp vận động trồng rộng rãi, không chỉ tập trung trên diện tích rộng, mà có thể thực hiện ngay tại nhà dân, trụ sở cơ quan, với một số loại thông dụng. Cách làm này đang được hưởng ứng tích cực vì tăng khoảng không gian xanh, tiết kiệm chi phí và thực hiện xã hội hóa y học cổ truyền ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Tánh (người dân xã Phú Thành, Phú Tân) cho biết, từ ngày xã phát động nhân dân thực hiện các tiêu chí không cần vốn trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bà con có nhiều cách làm rất thiết thực. Bên cạnh đóng góp làm đèn đường, trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan, còn có những vườn và đoạn đường trồng hoa dừa cạn - loại dược liệu được bào chế chữa nhiều loại bệnh hiện nay. Hàng ngày, số dừa cạn được người dân thay nhau theo dõi chăm sóc, vừa có lượng lớn nguyên liệu cung cấp cho các nhà thuốc, vừa tạo cảnh quan đẹp cho đoạn đường nông thôn.

Các vườn thuốc nam từ thiện được trồng tại nhà dân và trụ sở cơ quan đáp ứng nguồn dược liệu tại chỗ

Trên địa bàn huyện Phú Tân, nhiều năm nay, hưởng ứng phong trào “thầy tại nhà, thuốc tại vườn” của Hội Đông y, từ các vườn thuốc mẫu cho đến những “cánh đồng” thuốc nam quy mô phát triển khá nhiều. Mỗi địa phương tùy theo thổ nhưỡng sẽ có những loại dược liệu đặc thù được trồng trên nền đất do người dân cho “mượn” theo mùa vụ hoặc hiến hoàn toàn. Bình quân mỗi xã, thị trấn đều có ít nhất một vườn thuốc mẫu, mỗi vườn từ 60-70 loại dược liệu, vừa cung cấp thuốc chữa bệnh tại chỗ, vừa giúp người dân đến khám bệnh nhận diện, trồng những loại cần thiết khi phòng khám đang thiếu. Thay vì mỗi năm thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng từ 3ha đất trồng nếp, ông Bùi Ngọc Mới (ở xã Phú Hưng) hiến toàn bộ cho Phòng Chẩn trị y học cổ truyền trồng các loại dâu tằm, é tía, bồ bồ, cỏ xước, tía tô, nghệ, ké đầu ngựa… góp phần tạo nguồn nguyên liệu thuốc nam dồi dào phục vụ chữa bệnh cho nhân dân. Ông còn đầu tư thêm 150 triệu đồng làm hệ thống phun tưới tự động giúp nhẹ công chăm sóc và đảm bảo cho cây thuốc phát triển trong mùa nắng nóng.

Hiện nay, cây thuốc ngày càng cạn kiệt, lực lượng đi tầm thuốc phần lớn đã cao tuổi nên gặp nhiều khó khăn. Không chỉ khu vườn của ông Mới mà hầu hết các vườn thuốc ở các địa phương đều trao đổi với nhau số nguyên liệu thu hoạch được trong mỗi vụ, góp phần giải quyết nhu cầu cung cấp nguyên liệu bào chế dược liệu tại chỗ.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/nhan-rong-nhung-vuon-thuoc-nam-tu-thien-a250335.html