Nhân rộng mô hình trồng ngô biến đổi gen

Mô hình trồng ngô biến đổi gen bắt đầu được du nhập vào tỉnh Thanh Hóa từ năm 2016 thông qua việc triển khai thực hiện mô hình khảo nghiệm, nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật thâm canh và xây dựng mô hình sản xuất ngô biến đổi gen do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Diện tích trồng giống ngô biến đổi gen tại xã Thọ Hải (Thọ Xuân).

Theo đó, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa vào trồng khảo nghiệm một số giống ngô biến đổi gen, như: DK 6818S, NK 4300BT/GT, NK 7328BT/GT, DK 9955S, NK4300Bt/Gt, DK6919S... tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đánh giá thực tế cho thấy, các giống ngô biến đổi gen đều có khả năng kháng sâu bệnh cao, nhất là đối với bệnh nguy hiểm như sâu keo mùa thu, nên chi phí đầu vào giảm khoảng 10 đến 15%. Vì vậy, năng suất của các giống ngô biến đổi gen đạt cao hơn so với các giống ngô thông thường từ 15 đến 20 tạ/ha/vụ và cao hơn 5 đến 7 triệu đồng/ha/vụ so với giống ngô thường.

Do chứng minh được hiệu quả kinh tế, sự phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nên những năm gần đây, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích bà con nông dân đưa các giống ngô biến đổi gen vào sản xuất. Vì thế, mô hình trồng ngô biến đổi gen ngày càng được được nhân rộng, diện tích trồng ngô biến đổi gen đều được mở rộng theo từng vụ sản xuất.

Vụ hè thu năm 2019, Trung tâm Khuyến nông huyện Thọ Xuân (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thọ Xuân) phối hợp với Công ty TNHH DEKALB để triển khai thực hiện mô hình trình diễn 2 giống ngô lai biến đổi gen 6919S và DK 9955S, tại xã Thọ Hải, quy mô 2 sào. Đây được đánh giá là 2 giống ngô biến đổi gen đạt năng suất cao và có khả năng kháng sâu keo mùa thu vượt trội.

Theo đó, công ty đã đưa 2 giống ngô biến đổi gen gồm: 6919S và DK 9955S vào gieo trồng trên diện tích đất trồng ngô của xã Thọ Hải để trồng khảo nghiệm. Qua đánh giá thực tế từ mô hình cho thấy, trên 2 ruộng ngô đối chứng trồng liền nhau, diện tích trồng giống ngô thường bị sâu keo mùa thu tàn phá, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất. Song diện tích trồng bằng 2 giống ngô biến đổi gen 6919S và DK 9955S vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ bị hại do sâu keo mùa thu và một số loại sâu bệnh khác thấp, gần như không ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất. Theo tính toán của các hộ dân thực hiện mô hình, diện tích trồng ngô biến đổi gen đạt năng suất từ 78 đến 80 tạ/ha/vụ, cao hơn các giống ngô thông thường khoảng 16 tạ/ha/vụ, lãi đạt từ 27 đến 33 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn khoảng 7 triệu đồng/ha/vụ so diện tích trồng bằng các giống ngô thông thường.

Kết thúc mô hình, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thọ Hải đã mạnh dạn sử dụng các giống ngô biến đổi gen để đưa vào gieo trồng đại trà. Trung bình mỗi năm, toàn xã có khoảng 100 ha ngô được gieo trồng bằng các giống ngô biến đổi gen. Riêng vụ đông xuân 2020-2021, toàn xã có hơn 30 ha ngô được gieo trồng bằng các giống ngô biến đổi gen.

Tại huyện Yên Định, các giống ngô biến đổi gen, như: NK4300Bt/Gt, DK6919S, NK7328Bt/Gt, DK6818S cũng đang được bà con nông dân đưa vào gieo trồng đại trà trên nhiều xứ đồng. Mỗi năm, trên địa bàn huyện có gần 1.000 ha ngô được trồng bằng các giống ngô biến đổi gen và dự kiến, diện tích sử dụng giống ngô biến đổi gen vào gieo trồng sẽ còn được mở rộng trong các vụ tiếp theo.

Theo ông Trịnh Xuân Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định, cho biết: Sở dĩ diện tích trồng ngô biển đổi gen nhanh chóng được mở rộng là bởi sử dụng các giống ngô biến đổi gen giúp giảm công lao động, chi phí đầu tư và lượng thuốc trừ sâu, từ đó, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho người nông dân, hiệu quả kinh tế tăng từ 15 - 20% so với sản xuất ngô thường. Từ những lợi ích mang lại, huyện Yên Định đang tiếp tục khuyến khích bà con nông dân sử dụng các giống ngô biến đổi gen đưa vào gieo trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện diện tích trồng ngô biến đổi gen đã và đang được mở rộng tại nhiều huyện, như: Cẩm Thủy, Yên Định, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, với tổng diện tích lên tới hơn 3.000 ha mỗi năm. Hầu hết diện tích trồng ngô biến đổi gen đều đạt hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20 đến 30% so với các giống ngô thông thường. Quan trọng hơn, các giống ngô biến đổi gen đều có khả năng kháng chịu sâu bệnh cao, nên lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất thấp, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm cho sản phẩm.

Bài và ảnh: Tiến Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nhan-rong-mo-hinh-trong-ngo-bien-doi-gen/135300.htm