Nhân rộng mô hình 'Thoải mái như ở nhà - Comfort as home'

'Câu chuyện nhà vệ sinh tuy nhỏ nhưng là tiêu chí đánh giá sự văn minh của một quốc gia, do đó, việc triển khai cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là ngành du lịch, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ngày 17/8, tại TP. Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị triển khai nhân rộng mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home”.

Tại Hội nghị, ông Ngô Hoài Chung cho biết: Nhiệm vụ xây dựng nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch đã được Bộ VHTT&DL khởi động thực hiện từ năm 2012. Xuất phát từ thực trạng nhiều khu, điểm du lịch của chúng ta còn thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn, hoặc có nhà vệ sinh đạt chuẩn nhưng không bảo đảm vệ sinh dẫn tới ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, hình ảnh của điểm đến và lớn hơn là ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Theo điều tra xã hội học, để đánh giá về sự phát triển kinh tế-xã hội văn minh của một đất nước căn cứ vào 3 tiêu chí: Ý thức tuân thủ pháp luật giao thông; niêm yết công khai giá cả hàng hóa tại các chợ, siêu thị… và chất lượng của các nhà vệ sinh công cộng tại các điểm, khu du lịch.

“Câu chuyện của nhà vệ sinh tuy nhỏ song là vấn đề quan trọng đối với ngành du lịch. Từ thực tế đó, nhiều địa phương đã tiến hành xây dựng nhà vệ sinh công cộng, tuy nhiên, ở một số địa phương, hoạt động này thực hiện theo giờ hành chính mà nhu cầu du lịch không theo giờ hành chính, đó là một bất cập mà chúng ta cần xem xét, thực hiện”, ông Ngô Hoài Chung cho biết.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, cả nước có 1.179 các điểm du lịch, trong đó có 690 khu, điểm du lịch đã được đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đạt tỉ lệ 58,5%; có 368 các khu, điểm du lịch đã có nhà vệ sinh nhưng chưa đạt chuẩn, chiếm tỉ lệ 31,2%; 121 khu, điểm du lịch chưa xây dựng được nhà vệ sinh, chiếm tỉ lệ 10,3%.

Tất cả những điều này thể hiện chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến các khu du lịch của chúng ta trong mắt bạn bè quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu cấp thiết là cần tìm rõ nguyên nhân và tìm phương án để khắc phục.

Ảnh: VGP/Lưu Hương

Nhân rộng mô hình của TP. Đà Nẵng

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VHTT&DL về việc triển khai nhiệm vụ “Tổ chức phát động xây dựng và xã hội hóa nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch” tại các địa bàn trọng điểm, năm 2015, Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đã có sáng kiến xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng trên địa bàn quận.

Mô hình “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home” của Hội đã nhân rộng ra nhiều quận trên địa bàn Thành phố cũng như 2 địa phương lân cận là Huế và Quảng Nam.

Đến nay, mô hình này đã thu hút khoảng 630 cơ sở tham gia (Đà Nẵng 460, Huế 100, Hội An 70). Đặc biệt, một số khách sạn 3,4 sao hay các nhà hàng đã tích cực tham gia, góp phần nâng cao chất lượng nhà vệ sinh miễn phí, đồng thời mang lại hiệu quả “3 trong 1”: Tiết kiệm cho Thành phố trong việc xây dựng và duy trì các điểm nhà vệ sinh công cộng; kết nối DN với những khách hàng tiềm năng.

Qua khảo sát và đánh giá, Tổng cục Du lịch đã báo cáo với Bộ VHTT&DL đưa vào chương trình năm 2018 và các năm tiếp theo phải xây dựng kế hoạch học tập, phổ biến, áp dụng, nhân rộng mô hình nhà vệ sinh từ Đà Nẵng ra các địa bàn du lịch trọng điểm.

Theo đó, Tổng cục Du lịch phát động triển khai mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh cho du khách với biểu tượng “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home” tại các địa bàn du lịch trọng điểm như sau:

Phát động phong trào xã hội hóa nhà vệ sinh dành cho khách du lịch nhằm vận động nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành, cơ sở mua sắm, kinh doanh du lịch, cây xăng, nhà ga, bến cảng, điểm dừng chân… mở cửa cho khách du lịch miễm phí hoặc tự nguyện đóng góp kinh phí duy trì hoạt động nhà vệ sinh.

Các Sở Du lịch, Sở VHTT&DL tại các địa bàn du lịch trọng điểm đăng ký tham gia và phối hợp với các hiệp hội du lịch, hiệp hội DN và chính quyền Thành phố thực hiện: Truyền thông, logo nhận diện nhà vệ sinh cho khách du lịch trên địa bàn, các phương tiện thông tin; khảo sát hiện trạng nhà vệ sinh của các tổ chức tham gia nhằm đánh giá hiện trạng trước khi đưa vào sử dụng; xây dựng đề án, kêu gọi xã hội hóa nâng cấp trang thiết bị cần thiết cho các nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn; tổ chức kiểm tra tình hình tại các địa phương; khen thưởng những tổ chức có đóng góp tích cực cho phong trào…

Bộ VHTT&DL thống nhất triển khai thí điểm tại một số địa bàn trọng điểm, ban đầu sẽ vận động kêu gọi sự tự nguyện của các tổ chức, cơ quan, nhà hàng, DN khách sạn trước. Sau 2 năm triển khai thí điểm sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này triển khai cả nước.

Lưu Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/du-lich/nhan-rong-mo-hinh-thoai-mai-nhu-o-nha-comfort-as-home/344315.vgp