Nhân rộng mô hình sử dụng bể chứa rác thải trên các cánh đồng

Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân 1 ha sản xuất lúa mỗi vụ thải ra môi trường khoảng 1 đến 1,5 kg bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); 1 ha trồng cây hoa, rau mỗi vụ thải ra 3 đến 5 kg rác thải từ phân bón và thuốc BVTV.

Bể chứa rác thải tại cánh đồng thôn Lăng Thôn, xã Vạn Thắng (Nông Cống).

Như vậy, với 400.000 ha trồng các loại cây hàng năm thì lượng rác thải từ bao bì phân bón, thuốc BVTV bình quân lên tới hơn 600 tấn. Điều đáng nói là phần lớn lượng rác thải bị vứt bỏ tràn lan trên các bờ ruộng, bờ kênh mương thoát nước, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, để xử lý vấn đề rác thải rắn trong quá trình sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình xây dựng, đưa vào sử dụng bể chứa rác thải trên các cánh đồng.

Xã Hoằng Tân (Hoằng Hóa) có 240 ha sản xuất nông nghiệp, trong đó 50% diện tích trồng cây thuốc lào. Người dân nơi đây cho biết: Loại cây này muốn đạt năng suất, chất lượng tốt thì phải bón nhiều phân, cần nhiều công chăm sóc và bảo vệ. Do đó, lượng rác thải từ phân bón và thuốc BVTV được thải ra trong quá trình sản xuất khá nhiều. Bởi vậy, để xử lý lượng rác thải rắn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là bao bì, vỏ thuốc BVTV, phân bón, các loại thuốc kích thích tăng trưởng, UBND xã Hoằng Tân đã chỉ đạo cho các cấp hội, đoàn thể, trong đó nòng cốt là hội cựu chiến binh xã, tuyên truyền, vận động các hội viên và bà con nông dân chung sức để xây dựng bể chứa rác thải tại các cánh đồng sản xuất nông nghiệp. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn xã đã xây dựng được hơn 80 bể chứa rác thải rắn có thiết kế hình tròn, rộng 70 cm và cao 50 cm, làm bằng bê tông, có đế, có nắp đậy và đặt ở đầu đường, gần mương nước, nơi thuận tiện nhất cho người dân có thể bỏ rác thải sau khi đã sử dụng. Các bể chứa rác thải này sau khi đưa vào sử dụng sẽ được hội cựu chiến binh xã quản lý và định kỳ dọn vệ sinh. Đồng thời, hội cũng phối hợp với các đoàn thể khác tuyên truyền để bà con nông dân tự giác thu gom, bỏ rác thải rắn vào trong bể chứa, góp phần bảo vệ môi trường.

Đánh giá về hiệu quả của các bể chứa rác thải rắn nông nghiệp, ông Lê Văn Đạt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hoằng Tân, cho biết: Trước đây, phun thuốc trừ sâu xong, phần lớn người nông dân cứ tiện đâu bỏ đấy, rác thải vứt tràn lan trên bờ ruộng, nổi lềnh bềnh trên các kênh mương, thậm chí nhiều mảnh thủy tinh có nguy cơ gây sát thương cao. Từ khi hội cựu chiến binh tham mưu cho UBND xã vận động người dân và huy động kinh phí xây dựng các bể chứa thì hầu hết người nông dân đã tự giác bỏ rác thải đúng nơi quy định, tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nguồn rác thải rắn trong sản xuất nông nghiệp.

Hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường của các bể chứa rác thải trên các cánh đồng ngày càng được khẳng định. Do đó, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai, nhân rộng mô hình này. Qua đó, toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 20.000 bể chứa bao bì thuốc BVTV và rác thải rắn. Sau khi được thu gom, phần lớn lượng rác thải được xử lý chủ yếu bằng cách tự đốt tại các địa phương.

Ông Vũ Quang Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, đánh giá: Các bể chứa rác thải không chỉ góp phần đáng kể vào bảo vệ môi trường mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của bà con nông dân về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, so với quy mô về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, thì số lượng bể chứa rác thải tại các cánh đồng còn hạn chế, nên lượng rác thải rắn được thu gom trong sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ thấp. Do đó, để mô hình ngày càng được nhân rộng và phát huy hiệu quả cần có sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp và đóng góp của bà con nông dân trong việc huy động nguồn lực và ý thức bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/moi-truong/nhan-rong-mo-hinh-su-dung-be-chua-rac-thai-tren-cac-canh-dong/126952.htm