Nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn

Trong bối cảnh thực phẩm sạch, an toàn đang bị lẫn lộn với các thực phẩm kém chất lượng, thì việc xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn sẽ bảo đảm và đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Nhiều người dân lựa chọn các thực phẩm an toàn tại cửa hàng thực phẩm sạch thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn).

Với sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt từ chính quyền các cấp đến cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh và người dân, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến khá tích cực. Trong thời gian qua tỉnh luôn ưu tiên làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao hơn ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc bảo đảm ATTP. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 97 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung với diện tích 485,1 ha được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP, 19,7 ha rau an toàn sản xuất trong nhà lưới. Một số vùng sản xuất rau an toàn của các địa phương đã và đang phát huy hiệu quả như: xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa); phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa); thị trấn Thiệu Hóa; xã Vạn Hòa (Nông Cống); xã Thọ Hải (Thọ Xuân);... hình thành các vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 11.000 ha tại các huyện Đông Sơn, Yên Định, Nga Sơn, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa; vùng cây ăn quả theo quy trình VietGAP với diện tích trên 1.000 ha tại các huyện Yên Định, Thạch Thành, Thọ Xuân, Thường Xuân.

Toàn tỉnh hiện có 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ với sự tham gia của 1.925 hộ chăn nuôi, trong đó có 1.140 hộ đã được cấp giấy chứng nhận GAHP nông hộ; 9 trang trại chăn nuôi lợn, gà tập trung (6 trang trại lợn, 3 trang trại gà) theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) với quy mô 15.000 con lợn thịt, 45.000 con gà thịt/năm.

Các vùng nuôi trồng thủy sản áp dụng quy phạm thực hành sản xuất tốt từng bước được nhân rộng, chuyển dịch sang các đối tượng nuôi có giá trị cao và xuất khẩu, như: tôm chân trắng 350 ha, ngao 1.500 ha, cá rô phi 30 ha; thành lập 10 tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương; đã có 4 cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn với diện tích 35 ha được chứng nhận VietGAP, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 750 tấn sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân và xuất khẩu.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa) là đơn vị chuyên sản xuất và tiêu thụ trứng gà tươi, trứng vịt tươi, trứng cút tươi với quy mô 6 triệu quả/năm. Để xây dựng thương hiệu và khẳng định chất lượng cho các sản phẩm, năm 2016, công ty làm hồ sơ đăng ký với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn. Chị Tống Thị Hiền, giám đốc công ty cho biết: Để sản phẩm được xác nhận đảm bảo an toàn thì ngay từ khâu chọn đất cũng phải lựa chọn nơi có mạch nước ngầm (chứ không phải nước bề mặt) để chuẩn bị cho công tác xử lý môi trường sau này. Toàn bộ quá trình chăm sóc gà, từ cho ăn, đẻ trứng, đến xử lý chất thải đều thực hiện theo dây chuyền tự động. Khái niệm an toàn ở đây đã đạt đến mức gần như tuyệt đối. Bởi, từ khâu chọn giống, thức ăn, chăm sóc đến thành phẩm, chỉ cần một khâu không bảo đảm và để gà ốm phải sử dụng kháng sinh, thì coi như không còn khái niệm “sạch” nữa.

Nhằm triển khai xây dựng các mô hình thí điểm về ATTP, làm cơ sở nhân ra diện rộng, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng các mô hình thí điểm về ATTP, đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 13 mô hình thí điểm ATTP cấp tỉnh, 298 mô hình thí điểm ATTP cấp huyện; thực hiện hỗ trợ 50 triệu đồng/chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, 300 triệu đồng/mô hình giết mổ ATTP do cơ quan quản lý cấp tỉnh xây dựng; 150 triệu đồng/cơ sở giết mổ ATTP do cơ quan quản lý cấp huyện xây dựng; 500 triệu đồng/chợ kinh doanh thực phẩm hạng 1; 400 triệu đồng/chợ kinh doanh thực phẩm hạng 2; 300 triệu đồng/chợ kinh doanh thực phẩm hạng 3; 200 triệu đồng/xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí ATTP. Hỗ trợ hoạt động cho các tổ giám sát ATTP tại chợ (3 triệu đồng/tháng/chợ hạng 1; 2 triệu đồng/tháng/chợ hạng 2; 1,5 triệu đồng/tháng/chợ hạng 3); tổ giám sát cộng đồng thôn (300 nghìn đồng/tháng đối với tổ trưởng, 200 nghìn đồng/tháng đối với tổ viên). Ngoài ra, UBND cấp huyện đã quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động đảm bảo ATTP hàng năm, trong đó, nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách hoặc bố trí ngân sách hỗ trợ xây dựng mô hình ATTP.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi cung ứng. So với trước khi Nghị quyết 04 được ban hành, công tác xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh tăng cả 3 tiêu chí: số lượng chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số điểm bán sản phẩm thực phẩm an toàn. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.050 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (32 chuỗi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, 751 chuỗi do UBND cấp huyện xây dựng; trong đó có: 193 chuỗi cung ứng lúa, gạo; 219 chuỗi cung ứng rau quả; 269 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm; 102 chuỗi cung ứng thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản), tăng 994 chuỗi so với năm 2016; hàng năm, cung ứng ra thị trường khoảng 805.960 tấn sản phẩm thực phẩm các loại; trong đó có 589 chuỗi, 443.355 tấn sản phẩm thực phẩm, 2,2 triệu lít nước mắm, 7,5 triệu quả trứng gia cầm được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Công tác xây dựng mô hình giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo ATTP đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.667 mô hình giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo ATTP.

Trên địa bàn tỉnh có 311 chợ đã được lựa chọn, triển khai xây dựng mô hình chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017 và QCVN 02-30:2018/BNNPTNT. Các chợ được lựa chọn xây dựng mô hình đảm bảo ATTP đã được đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh tại chợ; sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đối với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đã được kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y theo đúng quy định.

Lợi ích mà các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn là điều không ai có thể phủ nhận được, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn, nhất là trong bối cảnh các chuỗi mới xây dựng, đang trong quá trình tự hoàn thiện và nỗ lực khẳng định thương hiệu, niềm tin với người tiêu dùng. Để mục tiêu của kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh được đảm bảo thực hiện cần sự chung tay của cả cộng đồng. Chính sự quyết tâm, kịp thời trong chỉ đạo, sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền cùng với sự tham gia tích cực, chủ động hơn nữa của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm an toàn, sự lựa chọn thông minh của mỗi người tiêu dùng sẽ là điều kiện tiên quyết để tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả một cách toàn diện những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-toan-thuc-pham/nhan-rong-mo-hinh-san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham-an-toan/126175.htm