Nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ðến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh Lâm Ðồng đạt hơn 60 nghìn héc-ta; trong đó diện tích nhà lưới, nhà kính hơn 6.600 ha; có hơn 190 ha ứng dụng công nghệ cảm biến tự động đo nhiệt độ, độ ẩm, quản lý dinh dưỡng cây trồng; 50 ha sản xuất theo phương pháp thủy canh.

Ðến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh Lâm Ðồng đạt hơn 60 nghìn héc-ta; trong đó diện tích nhà lưới, nhà kính hơn 6.600 ha; có hơn 190 ha ứng dụng công nghệ cảm biến tự động đo nhiệt độ, độ ẩm, quản lý dinh dưỡng cây trồng; 50 ha sản xuất theo phương pháp thủy canh.

Thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích nông nghiệp công nghệ cao đối với trồng hoa từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm; đối với cây rau đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm; cây chè và cây cà - phê cho doanh thu từ 200 đến 250 triệu đồng/ha/năm...

* TP Hà Nội hiện đã triển khai 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, 109 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

* Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được hình thành tại tỉnh Hà Nam với các sản phẩm nông sản chủ lực, lợi thế gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung… Ðến nay, toàn tỉnh có gần 15 ha nhà kính (trồng hoa lan, rau củ quả…), đạt hiệu quả kinh tế cao.

* Ngày 28-3, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau hai năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh đã có 76 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 23 sản phẩm ba sao và 53 sản phẩm bốn sao…, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình liên kết, hợp tác giữa người nông dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp.

* Qua mấy năm thực hiện Chương trình OCOP, UBND tỉnh Sơn La đã xếp hạng, cấp giấy chứng nhận cho 85 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, có 29 sản phẩm OCOP đạt hạng bốn sao và 56 sản phẩm OCOP đạt hạng ba sao, qua đó nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

* Tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề, thuộc một số nhóm ngành, nghề chính: Nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, nghề thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, mây tre đan, nghề cây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh... Ðến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có 28 sản phẩm OCOP; trong đó, có tám sản phẩm đạt bốn sao, 20 sản phẩm đạt ba sao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

* Tỉnh Nghệ An có 56 sản phẩm đạt OCOP hạng ba sao, 11 sản phẩm đạt hạng bốn sao, với nhiều thương hiệu có tiếng như: giò bê Nam Ðàn, trà sen, nhút Thanh Chương, dầu sở Nghĩa Ðàn, gừng Kỳ Sơn...

* Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra mục tiêu phấn đấu có ít nhất 100 sản phẩm được hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa theo tiêu chí sản phẩm OCOP (20 sản phẩm/năm); phát triển từ hai đến bốn làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia chương trình OCOP.

* Tỉnh Kon Tum có gần 173.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, cây lương thực có hạt 28.536 ha; cây sắn 38.917 ha; cây cà - phê 25.519 ha; cây cao - su 76.181,6 ha; rau hoa xứ lạnh 150 ha; cây ăn quả 4.113 ha; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 8.000 ha; có 55 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

* Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã triển khai 24 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong chăn nuôi. Ðến nay, một số giống lợn có năng suất, chất lượng thịt cao như: Landrace, Yorkshire, Pietrain, Duror…, các giống gia cầm nổi trội: Gà kiến, gà ri vàng rơm được đưa vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

* UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình OCOP năm 2021. Theo đó, chủ thể tham gia là các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Nhóm sản phẩm tham gia gồm các ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc; lưu niệm - nội thất và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng…

* Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, địa phương đã công nhận 29 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó có 19 sản phẩm đạt chứng nhận bốn sao và 10 sản phẩm đạt hạng ba sao; với nhiều thương hiệu nông sản hàng hóa từ lâu được người tiêu dùng tín nhiệm như: mắm tôm chà Gò Công, mắm còng Tân Phú Ðông, mắm tôm chua Gò Công, xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè), sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy)…

* Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt của tỉnh Bình Dương đạt hơn 5.345 ha với các loại cây trồng có giá trị như: rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh..., áp dụng các kỹ thuật tiên tiến như: Giống chất lượng cao, nhà lưới, tưới tự động, điều khiển ra hoa trái vụ..., góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp.

* HÐND tỉnh Trà Vinh vừa thống nhất thông qua Nghị quyết về thực hiện chính sách hỗ trợ cho Chương trình OCOP. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất 100 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP từ ba sao trở lên.

Thả cá xuống sông Mã nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản

Sáng 28-3, tại phố Yên Vực, phường Tào Xuyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và TP Thanh Hóa tổ chức thả khoảng một tấn cá giống nước ngọt truyền thống xuống sông Mã nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông. Hoạt động thường xuyên, thiết thực này góp phần thu hút người dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-rong-mo-hinh-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-640072/