Nhân rộng mô hình nghiên cứu khoa học với ứng dụng cao

Đón xuân Tân Sửu 2021, Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cùng đón niềm vui khi ứng dụng của một trong số nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đã được sử dụng hiệu quả. Đây cũng là động lực để Viện nói riêng và trường nói chung tiếp tục hướng đi nhân rộng các mô hình nghiên cứu khoa học của sinh viên đi liền với khả năng ứng dụng trong thực tế.

Tác động của dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi mọi mặt của kinh tế - xã hội, ứng dụng của công nghệ số thực sự đã phát huy trong bối cảnh giãn cách xã hội, cách ly và hạn chế tiếp xúc đông người. Trong xu hướng phát triển số hóa đó, người trẻ là một nhân tố quan trọng, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học với tính ứng dụng thực tế cao trong các trường Đại học liên quan tới nội dung số hóa càng cần được coi trọng hơn bao giờ hết.

 Lễ ra mắt Viện sau khi sáp nhập và kiện toàn cách đây 2 năm (Ảnh: Viện CNTT& Kinh tế số)

Lễ ra mắt Viện sau khi sáp nhập và kiện toàn cách đây 2 năm (Ảnh: Viện CNTT& Kinh tế số)

Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội được thành lập trên cơ sở sáp nhập Khoa Tin học kinh tế và Viện Công nghệ thông tin kinh tế ngày 11/1/2019. Việc sắp xếp này nhằm thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về sắp xếp lại Khoa Tin học kinh tế và Viện Công nghệ thông tin kinh tế theo hướng chuyên môn hóa cao, hiện đại, tinh giản, hiệu quả và phát triển phù hợp với chiến lược phát triển của nhà trường trong giai đoạn tiếp theo.

Viện có chức năng chính là đào tạo, nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực liên quan đến hệ thống thông tin quản lý, công nghệ thông tin và kinh tế số. Hiện nay, Viện thực hiện đào tạo bậc đại học với ba ngành là Hệ thống thông tin quản lý, Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin với số lượng sinh viên hiện đang theo học gần 1.000 em. Đặc biệt, Viện là cơ sở duy nhất hiện đang đào tạo cả 3 bậc Đại học, Cao học và Tiến sĩ ngành Hệ thống thông tin quản lý.

Website của Viện CNTT và Kinh tế số, Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh chụp lại màn hình)

Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường, việc thành lập Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số không chỉ phù hợp với yêu cầu phát triển của Nhà trường thành Đại học định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, không chỉ mở ra cơ hội phát triển mới cho Viện, mà còn là nhiệm vụ rất nặng nề đối với tập thể cán bộ giảng viên Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số.

TS Nguyễn Trung Tuấn, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Kinh tế số cho biết, Viện hướng tới mục tiêu cung cấp cho xã hội các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ có chất lượng cao, có thương hiệu và danh tiếng, đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế về lĩnh vực công nghệ thông tin và kinh tế số, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đồng thời, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo đại học ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin quản lý. Tích hợp các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế vào chương trình đào tạo; mở thêm ngành đào tạo đại học đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Đáng chú ý là, Viện tập trung đẩy mạnh đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ngành Hệ thống thông tin quản lý; mở chương trình đào tạo sau đại học về Công nghệ thông tin; mở các chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học với các trường nước ngoài về lĩnh vực công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản lý.

Đặc biệt, phát triển và đẩy mạnh nghiên cứ khoa học, tư vấn và chuyển giao công nghệ, chuyển giao sản phẩm; phát triển đào tạo ngắn hạn, tư vấn và triển khai về công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản lý.

Theo TS Phạm Minh Hoàn - Phó Trưởng Bộ môn Công nghệ thông tin (CNTT), Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số, không phủ nhận thực tế là nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tại các trường Đại học vẫn còn mang tính hình thức, tính ứng dụng và áp dụng trong thực tế chưa cao. Do đó, việc nâng cao tính ứng dụng thực tiễn của việc nghiên cứu khoa học trong sinh viên tại các trường Đại học nói chung và Đại học kinh tế Quốc dân nói riêng, trong đó có Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số là cần thiết nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang mạnh mẽ như hiện nay.

TS Phạm Minh Hoàn phát biểu tại Hội nghị tổng kết Cuộc thi Olympic tin học sinh viên cấp quốc gia và sinh viên nghiên cứu khoa học 2020 (Ảnh: Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số)

Trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó trưởng bộ môn, TS Phạm Minh Hoàn đã thông tin về một đề tài vừa mới triển khai trong năm 2020 tuy chỉ được giải khuyến khích trong cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên nhưng tính ứng dụng cao, đã được áp dụng trong thực tế sản xuất và trở thành một bí mật kinh doanh, bí kíp công nghệ của công ty.

Đó là đề tài của em Nguyễn Lê Minh, sinh năm 1998, sinh viên ngành Khoa học máy tính, Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số. Hiện, Lê Minh đang công tác và làm việc ở công ty GOD Group (Nhật Bản) có nhà máy tại Việt Nam và sau 1 năm làm việc, Minh đã được bổ nhiệm vào vị trí quản lý Team seller Etsy đồng thời là thành viên của Phòng Research & Development trong công ty.

Đề tài này hướng tới việc kết hợp các nội dung chỉnh sửa ảnh của photoshop nhưng tích hợp và tự động trong một phần mềm để tạo điều kiện in ảnh lên áo phông một cách hiệu quả nhất. Cụ thể, công ty GOD Group (Nhật Bản) có kinh doanh các sản phẩm thương mại là áo phông có hình. Trước khi có ứng dụng đề tài, để in hình lên áo, công ty phải bố trí một nhóm gồm 5-6 người cùng nhau xử lý ảnh để đưa in áo, rất mất thời gian và 1 thợ bình thường trong 1 giờ bình thường sẽ xử lý được 20 áo, 1 thợ lành nghề trong khoảng thời gian đó có thể xử lý xong 40 áo nhưng khi ứng dụng phần mềm tích hợp trên, trong 1 giờ có thể xử lý được 100 áo. Với hiệu quả này, bản thân sinh viên Nguyễn Lê Minh không chỉ được nhận vào công ty mà còn được phân công nhiệm vụ quan trọng trong công ty luôn.

Đây có thể xem là một động lực cho thầy cô khi hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học và cũng là “tấm gương” cho sinh viên khóa sau trong quá trình triển khai nghiên cứu khoa học khi đang là sinh viên Đại học.

Có thể thấy, xu thế hiện nay, tạo sự khác biệt và cạnh tranh đào tạo Đại học thì việc nâng cao, mở rộng tính ứng dụng nghiên cứu đề tài khoa học có thể xem là điểm cộng cho chất lượng và thu hút thêm sinh viên. “Nhận thức ứng dụng CNTT trong kinh tế trước khi có tác động của COVID-19, đang ở thời điểm chín của thời đại số thì thấy rõ ràng một thực tế là, trong bối cảnh xuất hiện nhiều thay đổi khi cả xã hội bị hạn chế tiếp xúc, từ những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ cho đến quy mô lớn thì công ty nào, cửa hàng nào có áp dụng CNTT thì công ty, cửa hàng đó tồn tại và phát triển, thậm chí phát triển vượt bậc.” – TS Hoàn nói.

Cựu sinh viên Nguyễn Lê Minh bên đề tài nghiên cứu (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trong khi đó, khi chia sẻ với chúng tôi, cựu sinh viên Nguyễn Lê Minh cho biết thêm, đề tài của Minh cũng được phục vụ cho đồ án tốt nghiệp. “May mắn là được thầy cô trong Viện giúp đỡ nên em được dự thi nghiên cứu khoa học. Với bất kì ai đã bước chân vào đại học thì cũng mong muốn để lại cho mình dấu ấn thời sinh viên và lúc đề tài của em được đi dự thi thì em cũng mong là đề tài sẽ đem lại cho em 1 dấu ấn đặc biệt trong 4 năm học tại trường” – Minh hào hứng tâm sự.

Cũng theo Minh, hiện tại thì phần mềm mà cá nhân Minh xây dựng, có góp ý hoàn thiện của các thầy cô giáo trong Viện, sau khi đưa vào ứng dụng tại công ty đã được bàn giao cho đội khác và cập nhật mới khá nhiều. Bản thân phần mềm đã và đang giúp rất nhiều trong công việc của công ty và trở thành nhân tố quan trọng mang lại những lợi ích lớn trong việc phát triển của công ty.

Cá nhân Minh là một người trẻ đam mê nghiên cứu khoa học ứng dụng, vì thế, Minh cho rằng, công nghệ xuất hiện mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống hiện tại, việc tạo ra 1 phần mềm có thể ghép ảnh nhanh hơn và ghép ảnh được hàng loạt giúp cho công ty tiết kiệm nhiều kinh phí và nhân lực, là một niềm tự hào không chỉ của cá nhân mà còn là niềm tự hào chung khi người Việt Nam có thể nghiên cứu, tạo lập phần mềm có tính ứng dụng sản xuất hiệu quả.

Do đó, theo Lê Minh, với các bạn trẻ đang hoặc có ý định gắn bó với CNTT nói riêng và nghiên cứu khoa học ứng dụng nói chung thì các bạn sẽ có nhiều khả năng cũng như cơ hội để phát triển hiệu quả hơn nữa ngành nghề mình theo đuổi. Xã hội đang thay đổi theo hướng số hóa, nhất là trong bói cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì việc áp dụng CNTT ngày càng trở nên thiết yếu, những người trẻ sẽ là một nhân tố quan trọng mang lại những lợi ích lớn trong việc phát triển đất nước bằng công nghệ./.

Lê Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/khoa-giao/nhan-rong-mo-hinh-nghien-cuu-khoa-hoc-voi-ung-dung-cao-574833.html