Nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Nếu như trước đây hoạt động chuyển giao công nghệ chủ yếu diễn ra giữa các cơ quan nghiên cứu như là trường, viện với đơn vị đặt hàng thì nay xu hướng xã hội hóa công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đang được đẩy mạnh. Câu chuyện ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là một ví dụ, người dân ở đây đang được doanh nghiệp trực tiếp chuyển giao công nghệ sản xuất ngô hữu cơ cũng như chăn nuôi an toàn sinh học.

Chuyển giao mô hình chăn nuôi, trồng trọt

Những ngày đầu năm 2021, để hướng tới nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ ra hàng triệu nông hộ nhỏ lẻ, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm đích thân xuống ruộng cùng bà con nông dân trỉa bắp ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sự kiện này vừa là buổi tập huấn kỹ thuật, đồng thời là hoạt động chuyển giao công nghệ trồng ngô hữu cơ ngay tại ruộng giữa Tập đoàn Quế Lâm với bà con nông dân.

Thôn Pi Ây 1 chủ yếu là đồng bào người Pa Kô, người dân ở đây chịu thương chịu khó nhưng chưa được tiếp cận khoa học kỹ thuật mới. Vì thế, với việc chuyển giao công nghệ lần này, đội ngũ kỹ sư của Tập đoàn Quế Lâm sẽ hỗ trợ bà con làm nông nghiệp hữu cơ, cầm tay chỉ việc trong từng vụ sản xuất.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm đích thân xuống ruộng cùng bà con nông dân trỉa bắp ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm đích thân xuống ruộng cùng bà con nông dân trỉa bắp ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Hồ Văn Trình - Trưởng thôn Pi Ây 1, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới - chia sẻ, trước đây do chưa có kỹ thuật, bà con sẽ làm tự túc, tùy ý, còn bây giờ có kỹ thuật của tập đoàn thì tất cả bà con theo quy trình, cây cách bao nhiêu, hàng cách hàng bao nhiêu, cách sử dụng phân bón cũng theo hướng dẫn. Chắc chắn sau khi có được tập huấn về kỹ thuật, có sự hướng dẫn của tập đoàn thì sẽ đạt năng suất khác hơn so với trước đây.

Hiện đã có hơn 70 hộ dân trong thôn tham gia mô hình liên kết với tập đoàn Quế Lâm trồng ngô hữu cơ. Được tập đoàn cam kết hỗ trợ vật tư đầu vào như phân bón, giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây và bao tiêu đầu ra, người dân rất phấn khởi tham gia liên kết. Qua những buổi tập huấn như thế này, người dân đã dần thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm, từ đó tạo ra sản phẩm tốt, được doanh nghiệp đảm bảo đầu ra.

Cùng với việc chuyển giao công nghệ trồng ngô hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm đã chuyển giao công nghệ chăn nuôi an toàn sinh học tới tận hộ nông dân tại huyện miền núi A Lưới. Là một trong những hộ dân đầu tiên nhận chuyển giao, ông Hoàng Văn Thắng - xã A Ngo, phấn khởi cho biết, được đầu tư chuồng trại, con giống, thức ăn chăn nuôi và quy trình nuôi lợn sạch, đặc biệt là được cam kết bao tiêu đầu ra, không chỉ đàn lợn khỏe mà người chăn nuôi cũng khỏe hơn. Chất thải của lợn cũng được tập đoàn thu mua làm nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón. Quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ của Quế Lâm không chỉ đảm bảo an toàn sinh học, mà còn là một hình thức kinh tế tuần hoàn, ở đó không có thứ gì phải bỏ đi.

Cùng với việc chuyển giao công nghệ trồng ngô hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm đã chuyển giao công nghệ chăn nuôi an toàn sinh học tới tận hộ nông dân tại huyện miền núi A Lưới

Ông Hồ Vang – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế - nhận định, mặc dù là huyện miền núi sản xuất nông nghiệp nhưng A Lưới chủ yếu là lâm nghiệp còn trồng trọt và chăn nuôi chiếm tỉ lệ nhỏ. Tuy nhiên, với việc hợp tác chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp và hộ nông dân tại một huyện miền núi như A Lưới sẽ giúp nông dân chủ động hơn về mặt tiêu thụ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa phương nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp.

Thúc đẩy xã hội hóa trong chuyển giao công nghệ

Xã hội hóa công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật chính là mục tiêu của ngành nông nghiệp. Vì thế, việc Tập đoàn Quế Lâm làm chủ công nghệ và trực tiếp chuyển giao tới nông dân là điều rất có ý nghĩa. Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia - cho biết: Một doanh nghiệp mà lựa chọn một huyện khó khăn như A Lưới để chuyển giao công nghệ tiên tiến, tức là sản xuất hữu cơ và kinh tế tuần hoàn chúng tôi cho rằng hết sức có ý nghĩa và nó cũng tạo điều kiện thúc đẩy động lực cho cả hai phía. Theo đó, doanh nghiệp đã chọn đúng bởi đối với điều kiện đất đai, tài nguyên của A Lưới mà biết khai thác đúng hướng thì nó sẽ phát huy hiệu quả một cách tối đa. Ngược lại người nông dân được tiếp cận với những công nghệ rất là tiên tiến từ một tập đoàn rất có uy tín và đi đầu trong lĩnh vực sản xuất hữu cơ hiện nay.

Ông Thanh cũng cho rằng đây là một trong những hướng đi, bởi trước đây gần như hoạt động chuyển giao công nghệ là hoạt động của các đơn vị nghiên cứu, các đơn vị giảng dạy là các viện, các trường. Nhưng bây giờ xu hướng mới là các doanh nghiệp đã biết cách tự chuyển giao công nghệ của mình. “Đây là một xu hướng rất là tích cực vì đối với doanh nghiệp khi họ lựa chọn giải pháp để chuyển giao cho người sản xuất bao giờ cũng gần gũi hơn và thực tiễn hơn và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cho cả hai phía”, ông Thanh nói.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, chúng tôi cùng với huyện A Lưới đã chọn ra các hộ, các hợp tác xã để xây dựng chuỗi về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đó là điều vừa qua chúng tôi đã làm được. Và trong những ngày đầu năm 2021, chúng tôi đã hiện thực hóa câu chuyện ký kết hợp tác giữa Tập đoàn Quế Lâm với huyện A Lưới cũng như chuyển giao kỹ thuật đến bà con nông dân.

Việc chuyển giao kỹ thuật cũng như hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân được ông Nguyễn Hồng Lam cho rằng, đây là sự hợp tác “win-win”. Hai bên cùng khẳng định trách nhiệm với nhau. Phía doanh nghiệp lo đầu vào và đầu ra, trong đó, đầu ra được phía doanh nghiệp mua cao hơn so với giá ngoài thị trường từ 10- 20%, ví dụ trồng ngô, doanh nghiệp là phải giá cao hơn bên ngoài từ 15-20%, chăn nuôi lợn hữu cơ thì giá phải cao hơn cũng là 10 - 20%, bà con chỉ lo việc trồng và chăm sóc đúng quy trình.

A Lưới là huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, việc người nông dân được tiếp cận công nghệ mới trong nông nghiệp là nỗ lực của các bên nhằm hỗ trợ người dân nơi đây có thể làm giàu và phát triển bền vững. Dù còn sớm để định lượng mức độ thành công của kết quả chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp với nông dân. Song rõ ràng, đây là bước ngoặt đánh dấu những khởi đầu mới nhiều triển vọng đối với vùng đất này. Việc còn lại tùy thuộc quyết tâm của chính quyền địa phương và bản thân từng hộ nông dân.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhan-rong-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-trong-nong-nghiep-151921.html