Nhân rộng mô hình giảm nghèo ở huyện Như Xuân

Thời gian qua, huyện Như Xuân đã, đang nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn tại xã Xuân Hòa mang lại hiệu quả kinh tế.

Để công tác giảm nghèo đi vào chiều sâu, thực chất, huyện Như Xuân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách giảm nghèo bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp, nhằm khơi dậy ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo. Đồng thời, rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm để xác định rõ nguyên nhân nghèo, từ đó nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế để chuyển giao cho người dân.

Với cách làm trên, huyện Như Xuân đã có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Điển hình như mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông Trịnh Đăng Hoàng, thôn Hợp Thành, xã Bình Lương cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Hay như mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm của gia đình ông Trịnh Đăng Hoạch, xã Bình Lương cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi gà thương phẩm của gia đình ông Hoàng Ngọc Năm, xã Hóa Quỳ cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm...

Ngoài 3 mô hình kinh tế giảm nghèo đã nêu trên, huyện Như Xuân còn nhiều mô hình phát huy hiệu quả. Trong đó phải kể đến mô hình liên kết hộ chăn nuôi trâu, bò của nhóm hộ tại thôn Làng Trung, xã Thanh Quân; mô hình câu lạc bộ phụ nữ giảm nghèo; mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản ở xã Cát Vân; tổ hợp tác chăn nuôi dê ở xã Thanh Quân... qua đó, xóa bỏ dần lối tư duy sản xuất manh mún, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về cách sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Để khuyến khích các mô hình kinh tế nông nghiệp phát triển, từ đó nhân rộng, chuyển giao cho người dân, nhất là hộ nghèo, huyện Như Xuân ban hành nhiều đề án đẩy mạnh phát kinh tế lâm nghiệp, trong đó nhiều đề án đã, đang mang lại hiệu quả kinh tế, như: Đề án cải tạo vườn tạp đến năm 2020; trồng rừng gỗ lớn; chuyển đổi đất trồng sắn, mía có độ dốc cao sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; phát triển trang trại; hỗ trợ gạo cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa bảo đảm được lương thực giai đoạn 2017-2023. Huyện Như Xuân cũng khuyến khích phát triển nông nghiệp, theo đó sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/ha cho hộ gia đình phát triển mới diện tích trồng cam; 25 triệu đồng/trang trại chăn nuôi trâu bò; 15 triệu đồng/trang trại chăn nuôi hỗn hợp và 10 triệu đồng/trang trại chăn nuôi dê... Tính hết năm 2020, huyện Như Xuân đã phát triển được gần 1.000 ha cây ăn quả, trong đó 300 ha cây ăn quả tập trung cho giá trị kinh tế cao, như: cam đạt 550 triệu đồng/ha, bưởi 575 triệu đồng/ha, ổi đạt 400 triệu đồng/ha...

Từ những mô hình giảm nghèo đã giúp cho đời sống của người dân trên địa bàn huyện Như Xuân từng bước thay đổi, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo đã vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,8% năm 2019 xuống 4,06% năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 15,08% năm 2019 xuống 11,74% năm 2020...

Bài và ảnh: Xuân Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhan-rong-mo-hinh-giam-ngheo-o-huyen-nhu-xuan/147927.htm