Nhân rộng mô hình 'ba lớp cách ly' trong phòng, chống dịch Covid-19

Trong những ngày 'nước sôi, lửa bỏng' chống dịch Covid-19, cán bộ và nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội) nhận được sự động viên lớn khi ba tập thể, bốn cá nhân trên địa bàn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích phòng, chống dịch.

Trong những ngày "nước sôi, lửa bỏng" chống dịch Covid-19, cán bộ và nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội) nhận được sự động viên lớn khi ba tập thể, bốn cá nhân trên địa bàn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích phòng, chống dịch.

Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, Đông Anh là một trong những "điểm nóng" về dịch bệnh của Hà Nội, khi trên địa bàn có tới bốn ổ dịch có sự lây nhiễm trong cộng đồng, gồm: thôn Lỗ Giao (xã Việt Hùng), Khu tập thể ga Cổ Loa (xã Việt Hùng), thôn Bắc (xã Kim Nỗ) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung). Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Đông Anh đã có nhiều sáng tạo, đưa Đông Anh trở thành "điểm nóng an toàn".

Sáng kiến quan trọng nhất trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Đông Anh là thực hiện "ba lớp cách ly", hay nhiều người gọi là "ba vòng bao vây". Trong đó, ngoài trường hợp F0, F1 đã được đưa đi chữa bệnh, lớp cách ly thứ nhất là "khóa chặt" ổ dịch được cách ly, đồng thời quản lý tốt công tác cách ly gia đình có người là F1 và các đối tượng F2; lớp thứ hai là lập chốt kiểm soát sinh hoạt nội bộ tại các ngõ, xóm; lớp thứ ba là khoanh vùng vòng ngoài đối với tất cả các thôn, làng, tổ dân phố với 1.611 chốt. Đối với lớp thứ ba, để bảo đảm công tác kiểm soát y tế, nhiều khu dân cư đã lập những "chốt cứng" để hạn chế việc đi lại tự do, buộc người dân phải đi qua các "chốt mềm" có lực lượng chức năng kiểm soát. Tất cả những người ra, vào các khu dân cư trong thời gian diễn ra dịch bệnh phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, khai báo điểm đến trong khu dân cư. Nếu không tuân thủ các yêu cầu này thì không được phép ra, vào. Nói cách khác, ba lớp đó là: Lớp "lõi" thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, lớp thứ hai thực hiện theo Chỉ thị 15-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ và lớp ngoài cùng theo Chỉ thị 19-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ba lớp này bảo đảm cho việc phong tỏa diện nhỏ khu vực có người nhiễm bệnh, nhưng công tác quản lý cách ly tiến hành hết sức chặt chẽ, ít ảnh hưởng đến hoạt động làm ăn, sinh hoạt… của những cộng đồng dân cư khác; khi có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, có thể khoanh vùng, truy vết thần tốc; hạn chế việc bệnh tật từ nơi khác lây lan đến.

Để thực hiện được ba lớp cách ly kể trên, phải nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Huyện Đông Anh đã kết hợp các hình thức tuyên truyền, từ loa phát thanh, phát tờ rơi, cho đến các đội tuyên truyền lưu động… Người dân ủng hộ, cho nên huyện đã huy động được hơn 11 nghìn tình nguyện viên tham gia "cắm chốt". Mỗi ca trực chốt thường có ba người, một ngày có ba ca luân phiên, bảo đảm kiểm soát 24/24 giờ. Cách làm này khiến huyện Đông Anh nhanh chóng ngăn chặn được việc lây lan dịch, bệnh trong cộng đồng; tránh được việc phải thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng.

Phương pháp "cách ly ba lớp" của huyện Đông Anh rất phù hợp để nhân rộng tại khu vực ngoại thành, hoặc những khu dân cư, những ngõ phố, những chung cư trong khu vực nội đô mà lưu lượng giao thông không quá lớn. Cách làm của huyện Đông Anh sẽ được Hà Nội nhân rộng trong thời gian tới, nếu có thêm ổ dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, các tỉnh, thành phố khác trên cả nước cần tham khảo cách làm của huyện Đông Anh để có thể huy động sức mạnh cộng đồng, ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Điều này còn có ý nghĩa hơn khi nguồn vắc-xin còn hạn hẹp, công tác phòng, chống dịch bệnh từ cộng đồng vẫn có vai trò then chốt trong ngăn chặn dịch bệnh.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/nhan-rong-mo-hinh-ba-lop-cach-ly-trong-phong-chong-dich-covid-19-646706/