Nhận 'rồng lửa' S-400 đầu tiên từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ 'chơi chiêu' bất ngờ khi mang đến sát vách Syria?

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết định triển khai hệ thống S-400 đầu tiên do Nga sản xuất tới Şanlıurfa, nơi được coi là trung điểm của đường biên giới dài 910 km giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.

Nga sẽ giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này.

Nga sẽ giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này.

Ankara đưa S-400 đến sát biên giới Syria?

Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch triển khai hệ thống phòng không S-400 đầu tiên – được Nga giao hàng trong tuần này - tới tỉnh Şanlıurfa dọc biên giới Syria, tờ Milli Gazete của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin.

Trang tin có liên kết với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, quân đội nước này đã quyết định triển khai hệ thống phòng không đầu tiên do Nga sản xuất tới quận Birecik của Şanlıurfa, nơi được coi là trung điểm của đường biên giới 910 km giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.

Các nhà phân tích nhận định động thái này đã cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có những tính toán rộng lớn hơn về thỏa thuận S-400 so với những suy đoán trước đây.

Trong một phân tích của tờ Jerusalem Post hôm 11/7, cây bút Seth Franzman lập luận rằng thương vụ mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ dường như có ý nghĩa liên quan đến Syria nhiều hơn là vì mục đích tự vệ.

“Thổ Nhĩ Kỳ muốn S-400 không phải vì họ cần nó để bảo vệ không phận mà bởi vì hệ thống này sẽ giúp họ tận dụng vai trò của Nga ở Syria”, cây bút Frmanman nêu quan điểm. “Nga sẵn sàng nhượng bộ một số vấn đề ở miền Bắc Syria để đổi lấy sự hợp tác chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ”.

Khủng hoảng có lớn thêm?

Giới quan sát đang háo hức chờ đợi các thành phần đầu tiên của hệ thống S-400 sẽ được giao tới Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này.

Cho đến thời điểm hiện tại, thương vụ đã trải qua một con đường khá dài đầy những tranh cãi và lời đe dọa từ Washington và Ankara. Trọng tâm của vấn đề lúc này sẽ là hệ thống phòng không Nga sẽ xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào và nó sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt của Mỹ ra sao.

Trong suốt 6 tháng qua, đã có những tình tiết lặp đi lặp lại xoay quanh thỏa thuận S-400 tốn nhiều giấy mực của truyền thông. Bắt đầu bằng việc Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết tuyên bố sẽ mua bằng được S-400. Sau đó Mỹ ra lời răn đe yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không được nhận vũ khí tiên tiến từ Nga. Điều đó đã diễn ra gần như mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, kể từ mùa thu năm 2018.

Trên thực tế, thỏa thuận S-400 đã được thực hiện kể từ tháng 12/2017, khi Ankara và Moscow ký thỏa thuận trị giá khoảng 2,5 tỷ USD.

Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc với Tổng thống Trump để xoa dịu căng thẳng S-400.

Mục tiêu của Ankara với S-400 là cải thiện mối quan hệ với Nga giữa bối cảnh hai nước đang cần nhau hơn. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề ở Syria, mặc dù bề ngoài hai nước ở hai phía đối nghịch của cuộc chiến.

Cả hai đều chia sẻ mối quan tâm về vai trò của Mỹ ở miền Đông Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ hợp tác với lực lượng người Kurd – vốn bị Ankara coi là một tổ chức khủng bố. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, điều này có nghĩa là Mỹ đang hỗ trợ cho kẻ thù của chính họ.

Mỹ đã gia tăng các lời đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng gần đây và tìm cách loại nước này khỏi chương trình F-35 và ngừng đào tạo phi công Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ tiếp tục phản đối việc chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ankara đang đánh cược vào chính sách ngoại giao cá nhân với Tổng thống Donald Trump tại G20. Ankara hy vọng họ có thể thay đổi suy nghĩ của nhà lãnh đạo Mỹ.

Cho đến nay các lời đe dọa của Mỹ mới dừng ở mức lời nói mà chưa có hành động. Mới đây, các quan chức Mỹ nói rằng sẽ có những cái giá phải trả thực sự một khi hệ thống S-400 đầu tiên xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng kịch bản có thể phức tạp hơn. Có thể các thành phần của S-400 sẽ đến trước nhưng sau đó Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận xem hệ thống này có nên được thiết lập hay không.

Nga có thói quen gửi các hệ thống tới các quốc gia và sau đó chờ một thời gian trước khi chính thức vận hành.

Chẳng hạn, Nga đã gửi S-300 tới Syria vào tháng 10 năm ngoái, nhưng giờ đây hệ thống vẫn đang nằm im lìm ở phía Bắc Syria, dường như không hoạt động hoặc có thể chỉ hoạt động một cách hạn chế.

Vì vậy, có thể tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về thỏa thuận S-400 sẽ còn kéo dài trong khoảng một năm nữa trước khi có bất cứ điều gì thực sự xảy ra.

Cho đến khi thành phần S-400 đầu tiên được giao, công chúng có thể tiếp tục chờ đợi thêm một thời gian nữa để xem cuộc khủng hoảng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ có ngày càng lớn hơn hay không.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhan-rong-lua-s-400-dau-tien-tho-nhi-ky-choi-chieu-bat-ngo-khi-mang-den-sat-vach-syria-a441520.html