Nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững

Thời gian qua huyện Bình Liêu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả. Trong đó, ưu tiên nhân rộng các mô hình sản xuất có năng suất, hiệu quả cao.

Lãnh đạo huyện Bình Liêu kiểm tra mô hình chăn nuôi bò tại thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm.

Lãnh đạo huyện Bình Liêu kiểm tra mô hình chăn nuôi bò tại thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm.

Tiêu biểu như mô hình nuôi bò sinh sản từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững của hộ ông Phùn Tắc Coóng (thôn Phiêng Sáp, xã Đồng Tâm). Năm 2019, gia đình ông được hỗ trợ 2 con bò sinh sản, được cán bộ nông nghiệp của huyện hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện cho tham gia hội thảo, tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi.

Ông Coóng cho biết: Mô hình nuôi bò sinh sản này có ý nghĩa rất lớn với gia đình tôi. Được hỗ trợ giống, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, gia đình tôi đã nhân được giống nuôi, cơ bản có thu nhập ổn định. Năm 2020 thu nhập của gia đình từ mô hình khoảng 40-50 triệu đồng, nhờ vậy đã thoát khỏi diện hộ nghèo. Thời gian tới, gia đình tôi dự định vay thêm vốn để mở rộng quy mô đàn bò.

Triển khai mô hình nuôi dê thương phẩm tại xã Húc Động (năm 2018), huyện đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh bàn giao 75 con dê giống cho 25 hộ nghèo, cận nghèo của xã; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn phòng dịch bệnh và hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, kinh phí làm chuồng trại cho các hộ. Hiện đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt với số lượng trên 130 con, bước đầu cho thu nhập. Qua mô hình đã có 7 hộ thoát nghèo, 11 hộ nghèo xuống còn cận nghèo trong năm 2020.

Bằng nguồn vốn lồng ghép phát triển sản xuất của chương trình 135, huyện Bình Liêu đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế sâu rộng trên địa bàn, góp phần quan trọng vào công tác xóa nghèo bền vững. Tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020, huyện có 98 hộ thoát nghèo.

Mô hình nuôi cá nước lạnh của hộ ông Dường Cắm Hếnh (thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn) bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2021, Bình Liêu đặt chỉ tiêu giảm 100 hộ nghèo, 200 hộ cận nghèo. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ vay vốn, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn.

Các xã, thị trấn của huyện đã khảo sát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo dự kiến thoát nghèo năm 2021. Đến hết tháng 3/2021 đã có thông tin danh sách của 100/100 hộ nghèo, 202/200 hộ cận nghèo có nhu cầu cần trợ giúp. Riêng xã Vô Ngại đăng ký giảm 50/40 hộ cận nghèo chỉ tiêu huyện giao. Bước đầu các xã, thị trấn đã thống kê được nhu cầu cần trợ giúp thoát nghèo, thoát cận nghèo cụ thể để huyện phê duyệt giải quyết, hỗ trợ. Trong đó, tập trung hỗ trợ giống, kỹ thuật và nhân rộng các mô hình chăn nuôi đã có hiệu quả như gà, bò, dê, ổi, cá…; hỗ trợ công cụ sản xuất; nhu cầu vay vốn; hỗ trợ tiếp cận thông tin...

Bà Đặng Thu Phương, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện, cho biết: Để thực hiện tốt kế hoạch giảm nghèo, Phòng sẽ tập trung rà soát, tham mưu cho huyện phê duyệt các mô hình, dự án phát triển sản xuất trong năm đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo, trên cơ sở ưu tiên cho các hộ có khả năng thoát nghèo, thoát cận nghèo. Hướng dẫn và điều chỉnh kịp thời đến các xã nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng quy hoạch, đúng đối tượng, đúng chính sách, chủng loại cây trồng, vật nuôi và đảm bảo các yếu tố về nhân lực, vốn, đất đai. Phòng cũng chủ động tham mưu lập kế hoạch xây dựng Dự án thực hiện mô hình điểm liên kết sản xuất về giảm nghèo bền vững, hoàn thành và trình UBND huyện thông qua trong tháng 4/2021.

Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202104/binh-lieu-nhan-rong-cac-mo-hinh-giam-ngheo-ben-vung-2528254/