Nhẫn nhục

Tôi vẫn không hiểu động cơ của anh rể là gì và tại sao anh ta lại thấy buộc phải kể câu chuyện đó với tôi. Mối quan hệ giữa vợ chồng chị gái tôi như mối tơ vò, không sao gỡ ra được giữa một bên yêu thương và một bên là chán ghét, không hẳn tệ đến mức căm ghét mà giống như sự kết hợp của đam mê và nguội lạnh. Tất cả những thứ đó khiến chị gái tôi dần héo mòn.

Ngày còn đi học, chị gái tôi nổi tiếng xinh đẹp. Thế nhưng anh rể tôi chưa bao giờ là một người chồng tốt. Buồn đau cứ kéo tới mà làm khô héo sắc đẹp chị tôi. Từ một người con gái tràn đầy năng lượng và thậm chí còn đôi chút kiêu kỳ, chị tôi trở nên yếu đuối và buồn bã. Câu chuyện của anh rể tôi bắt đầu:

*

* *

Cậu Kwiran này, khi đang diễn ra cái gọi là “Cuộc chiến vĩ đại châu Á-Thái Bình Dương” ngay sau cuộc tấn công vào Trân Châu cảng, trong một cuộc cãi vã với Nakamura-viên quản lý người Nhật, tôi mất việc. Nakamura học cùng đại học và sau tôi hai khóa. Gã thân thiện với tôi chỉ vì mối quan hệ từ đại học, nhưng cái kiểu thân thiện bề trên của gã luôn khiến tôi bực mình.

Thực ra, sự thân thiện của Nakamura khiến tôi khó chịu. Tôi nhận ra trong đó cái thái độ coi người Hàn Quốc thua kém người Nhật về lòng tự tôn. Thay vì cứ coi tôi như bình thường, thì gã lại đối xử với tôi như một người Hàn Quốc được gã ban phát ân huệ với tất cả sự khinh miệt, thương hại và độc đoán. Tôi ghê tởm sự thân thiện gớm ghiếc đó.

Minh họa: KHOA AN.

Minh họa: KHOA AN.

Ongnan khi đó còn chưa bình phục sau khi sinh Sorhi. Khi tôi bảo cô ấy rằng sẽ nghỉ việc, Ongnan tái mặt và chỉ nhìn tôi bằng đôi mắt to, trống rỗng. Ongnan ít nói. Thay vào đó, cô ấy nói bằng đôi mắt của mình. Đôi mắt đó trách tôi vì đã bất thần tạo ra gánh nặng và nỗi lo sợ về cơn đói nghèo chúng tôi đang phải đối mặt. Với Ongnan, thất nghiệp thì dễ bị bắt đi quân dịch và nỗi sỉ nhục tôi phải chịu đựng ở nơi làm việc không xứng với việc từ bỏ việc làm đó.

Trong cơn giận đột nhiên dâng trào, tôi đã tát cô ấy một cái trước khi kịp định thần. Ongnan yêu tôi, nhưng cô ấy không hiểu tôi. Nếu hiểu tôi, trên gương mặt cô ấy đã chẳng biểu đạt thái độ đó. Và nếu không yêu tôi thì liệu một người phụ nữ xinh đẹp và kiêu hãnh như Ongnan có nhẫn nhịn với một cái tát như vậy hay không? Nhưng cũng thật nực cười khi tôi cho rằng cô ấy không hiểu tôi, mà tôi là ai mới được chứ? Đòi hỏi cô ấy phải hiểu tôi thì cũng chẳng khác nào bảo cô ấy phải điên rồ như tôi vậy.

Đức hy sinh của Ongnan khiến tôi mất tinh thần. Cô ấy quá hoàn hảo. Cô ấy chẳng bao giờ cằn nhằn rằng tôi thất bại là do tính cách có vấn đề của mình. Bằng việc trở thành người hy sinh cao thượng, cô ấy ở thế cao hơn và điều đó giúp chúng tôi giải quyết những vướng mắc của mình. Phản kháng duy nhất của cô ấy là nhìn tôi bằng đôi mắt to, đẹp và chất chứa biểu cảm. Đúng là trước khi cưới, tôi đã yêu Ongnan say đắm. Nhưng như người ta vẫn nói, chẳng có gì ích kỷ hơn tình yêu và cũng chẳng có gì thất thường đến nghiệt ngã như tình yêu. Nó có thể biến thành điều gì đó hết sức lạnh lẽo và vô cảm.

Năm tháng cứ đi qua, đến giờ tôi mới hiểu ý chí mạnh mẽ của cô ấy-một ý chí mưu cầu hạnh phúc, mạnh mẽ đến độ cô ấy có thể chịu đựng mọi đau đớn. Nhưng vào lúc đó, tôi vẫn cứ nghĩ rằng Ongnan chỉ là một con búp bê xinh đẹp, vô cảm và không có cá tính. Nghĩ lại tôi mới hiểu rằng ý chí của cô ấy mạnh mẽ và đáng sợ biết bao. Thực ra, cô ấy đã cưới tôi bất chấp sự ngăn cản của bố mẹ.

Sau cái tát, tôi mệt mỏi nằm vật ra sàn nhà mà chẳng buồn thay quần áo. Mãi đến lúc nhắm mắt lại, tôi mới nghe tiếng Ongnan thút thít. Tôi không sao thoát khỏi ý nghĩ ghê tởm và giận dữ với bản thân. Một cảm giác ngột ngạt không sao chịu nổi đè nặng lên ngực và cảm giác chán ghét bản thân cứ mãi nặng trĩu trong tôi. Ôi, Ongnan đáng thương! Ongnan xinh đẹp! Ongnan thánh thiện của tôi!

Lối cư xử của Ongna được tất thảy mọi người ngợi khen, trừ tôi. Nhưng cuối cùng, chính lối cư xử đó đã khiến cô ấy không còn là chính mình. Nó cũng khiến trái tim tôi khép lại. Với danh nghĩa đức hy sinh, cô ấy đã làm tiêu tan hạnh phúc hôn nhân. Sự hy sinh khiến cô ấy đau đớn, nhưng điều đó chẳng ý nghĩa gì với chồng cô ấy cả, ngoại trừ việc nó khiến tôi cảm thấy chán nản. Nhưng giờ đây, những gì tôi kể cho cậu nghe hôm nay Kwiran ạ, không phải là để chỉ trích tính cách của Ongnan, mà chỉ là kể lại một trường đoạn trên con đường của tôi và Ongnan mà ngoài chúng tôi ra chẳng ai hay biết.

*

* *

Ongnan đột nhiên vứt chiếc áo cô ấy mới là và đang khâu thay cổ áo mới, lao vội ra ngoài. Đây là lần thứ ba Ongnan cầm chiếc kim khâu lên trong vòng hai mươi phút. Tôi la lên: “Nặng lắm không? Anh đã bảo là đi khám từ tối hôm qua cơ mà!”.

Ongnan bị tiêu chảy, nhưng chẳng chịu tới bệnh viện, viện cớ là “quần lót em bẩn quá” hay “áo khoác của em cần khâu thay cổ áo mới”. Cô ấy run rẩy, đi lại khó khăn. Tôi không thể chịu đựng được nỗi ám ảnh về sự ngăn nắp, gọn gàng và trang nhã của cô ấy. Tất cả những thứ đó chỉ là phù phiếm. Mà việc quần lót bẩn thì có sao? Chúng tôi còn chẳng có nổi một bữa ăn cho tươm tất cơ mà. Cuối cùng Ongnan cũng mặc chiếc quần lót mới giặt, được là cẩn thận và bảo rằng ít nhất thì cô ấy cũng là một bệnh nhân lịch sự rồi mới lên đường cùng người giữ trẻ hàng xóm và Yohi.

Quá trưa vẫn chưa thấy Ongnan về. Tôi bắt đầu lo lắng. Quãng một giờ chiều, người giữ trẻ về, nhắn tôi đến bệnh viện ngay lập tức. Tim tôi thắt lại. Vắt chiếc áo khoác lên vai, tôi chạy vội đi.

Ongnan chẳng những phải nhập viện mà còn bị đưa vào khu cách ly vì người ta nghi Ongnan mắc bệnh kiết lỵ.

Thấy Ongnan, tôi vội hỏi: “Có nghiêm trọng không em?”.

“Không, em thấy khá hơn nhiều so với lúc ở nhà”.

Tôi không biết nói gì thêm, bởi trông Ongnan chẳng có gì khá hơn lúc ở nhà. Có cái gì đó nhói lên trong ngực tôi.

Tôi bảo: “Em sẽ nhanh khỏe lại thôi”.

“Họ bắt em nhập viện”.

“Nhưng em cần phải nhập viện”.

Ongnan tỏ ra rất lo lắng: “Sẽ phải mất ít nhất hai tuần. Chỉ là kiết lỵ thôi. Mà chắc gì em đã bị kiết lỵ. Thêm vào đó, khoản tiền đặt cọc nhập viện là 70 won”.

Bảy mươi won là một khoản tiền lớn lúc đó. Làm sao tôi có thể kiếm được bảy mươi won ngay lập tức kia chứ?

Ongnan lại bảo: “Dù sao thì em cũng không muốn ở lại đây. Em có cảm giác rằng nếu cứ ở lại đây thêm nữa, em sẽ thực sự mắc một căn bệnh nghiêm trọng nào đó. Nhưng họ sẽ không cho em đi mà không chứng minh được rằng em không mang bệnh truyền nhiễm”.

Rồi Ongnan hạ giọng thì thầm: “Em không muốn ở lại và có một cách để ra khỏi đây”.

Ongnan liếc mắt về phía chiếc hộp nhỏ đặt trên mặt bàn gần đó: “Họ muốn lấy mẫu phân của em. Em không nghĩ là mình bị kiết lỵ, nhưng biết đâu đấy. Tối nay anh hãy mang mẫu phân của mình đến đây”.

Tim tôi thắt lại. Có điều gì đó đang bật khóc trong tôi. Tôi vòng tay ôm Ongnan thật chặt.

“Đừng lo. Em cứ nghỉ lại đây. Hai tuần thôi”.

Ongnan run lên trong tay tôi mà lắc đầu như một đứa trẻ. Nước mắt chảy thành dòng trên hai má tái xanh. Tôi lau nước mắt cho Ongnan, nói nhỏ: “Bây giờ anh sẽ cố gắng đi vay tiền, hãy đợi anh”.

Nước mắt tôi và Ongnan hòa làm một.

*

* *

Tôi bước ra khỏi bệnh viện mà hai chân nặng trĩu. Người bạn học thời tiểu học của tôi có cửa hàng vải ở Chongno, một quận nội thành sầm uất của Seoul. Vốn vẫn còn nợ người bạn này một khoản tiền, tôi nghẹn đắng vì hổ thẹn, nhưng vẫn cố bước vào. Trong cửa hàng, người bạn tôi đang nhậu cùng mấy người khác.

Anh ta kéo tôi vào bàn nhậu: “Ôi, điều gì đã đưa cậu tới đây? Làm một ly đã nhé”. Rồi người bạn tôi bắt đầu than vãn: “Thời buổi này làm ăn chẳng được. Tôi phải đóng cửa tiệm mất thôi”.

Cái cách anh bạn tôi than vãn chẳng ăn nhập chút nào với những thứ đồ uống, đồ ăn và cả thứ lụa đẹp anh ta đang khoác trên người. Tôi hiểu rằng những lời than vãn của anh ta là thứ lá chắn, ngăn tôi mở miệng vay tiền. Thực ra tôi chỉ gặp anh ta mỗi khi có chuyện. Vì thế, tôi chẳng có lý do gì để trách cứ anh ta được. Tôi lặng lẽ rút lui.

Tôi còn có một người dì ở Insadong, một khu phố cổ của Seoul, dù rằng dì tôi không được gia tộc công nhận một cách chính thức. Gia tộc tôi từng rất giàu có và có thế lực ở Seoul và giờ dì ấy là thành viên duy nhất trong gia tộc còn khá giả. Tôi thậm chí còn e ngại phải tới nhà dì mình hơn cả tới chỗ người bạn tôi. Nhưng giờ thì khuôn mặt đẫm nước mắt của Ongnan và Sorhi tôi vừa gửi lại người hàng xóm chẳng khác nào chiếc đinh thúc ngựa buộc tôi phải bước tới.

Khi tôi tới nhà thì dì tôi đang chuẩn bị đi có việc. Dì hỏi giọng mỉa mai: “Ồ, điều gì khiến anh đến đây vậy? Anh làm dì ngạc nhiên đấy. Cô vợ xinh đẹp của anh thế nào rồi?”

Nghe vậy, tôi vội vã hỏi vay 100 won để giải quyết khó khăn. Tôi không biết dì tôi nghĩ gì khi bất chợt mở ví và đưa nó cho tôi xem.

“Nhìn này, dì cũng có chút tiền ở đây, nhưng phải mang trả tiền may đồ cho đám cưới của Yongae. Dì thấy bảo ở cửa hàng vải có tên "Ihwa" nào đó ở Chongno có thứ lụa tốt nhất từ Kyoto. Có trời mới biết họ kiếm ra thứ đó bằng cách nào. Giá chợ đen rất mắc. Nhưng cũng chẳng làm thế nào khác được”.

Cửa hàng Ihwa chính là nơi tôi vừa rời bước. Ồ, thì ra kinh doanh ngầm còn tốt gấp vạn lần chính ngạch. Tôi nghĩ bạn tôi nên sớm đóng cửa tiệm thì hơn. Cơn giận bùng lên trong tôi. Tôi không hiểu dì định khoe tiền hay trêu tức tôi? Dì mới thật lo xa làm sao, chuẩn bị đám cưới khi Yongae mới chín tuổi và còn đang mê mải nhảy dây ở sân sau.

Trên đường về, khi bước vào một con ngõ nhỏ, bàn tay tôi bỗng chạm một vật gì đó trong túi. Đó là chiếc hộp nhỏ Ongnan đã đưa tôi để tráo mẫu phân. Ôi, tôi đã có một thứ “xa xỉ” như vậy để trách móc hai con người đáng khinh kia, một thứ “xa xỉ” để không phải giơ tay cầu xin sự giúp đỡ của họ. Chẳng phải ngay lúc bỏ chiếc hộp này vào túi thì tôi đã có một chốn dung thân đó sao?

Bần thần với chiếc hộp trong tay, trong tôi dâng lên một nỗi tuyệt vọng ghê gớm. Tôi bật khóc nức nở, không sao kìm lại được.

*

* *

Ngày hôm sau, vợ tôi được ra viện. Tất nhiên là người ta chẳng phát hiện ra điều gì đặc biệt ở mẫu phân. Thật kỳ diệu là bệnh tình của vợ tôi cũng thuyên giảm. Thực ra thì có trời mới biết được vợ tôi có bị kiết lỵ hay không. Điều quan trọng là vợ tôi không sao cả. Còn thái độ của tôi mới là điều đáng bàn. Tôi không thể không nghĩ tới cái cảm giác nhẹ nhõm của Ongnan mà cô ấy thấy mình như người chiến thắng. Phải chăng cô ấy tự hoàn thiện mình khi hy sinh bản thân?

Có thể Ongnan thực sự sợ bệnh viện và cảm thấy nhẹ lòng khi được về nhà với lũ trẻ. Nhưng với tôi, sau tất cả những chuyện đó, lẽ nào tôi có thể bỏ qua cơ hội cuối cùng để trở thành một người chồng tốt?

Kể đến đó, anh rể tôi đột nhiên im lặng. Ngoài cửa bóng tối đã trùm lên mọi vật.

Tôi thở dài: “Chị ấy thật dữ dội!”

Truyện ngắn của Han Mu-suk (Hàn Quốc) XUYẾN CHI (dịch)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nhan-nhuc-577102