Nhan nhản trạm bê tông, bãi cát trái phép ở đoạn đê sông Hồng bị cày nát

Hàng loạt trạm trộn bê tông, bãi vật liệu không phép nhan nhản ngoài bãi sông tại các xã Hồng Vân, Thống Nhất (huyện Thường Tín), Văn Khê (huyện Mê Linh), TP Hà Nội gây ô nhiễm cho các hộ dân xung quanh. Đây chính là điểm xuất phát của các xe tải nặng, cơi nới tàn phá đê Hữu Hồng.

Trạm trộn và làm cọc bê tông của Công ty TNHH Anh Sáng hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại xã Văn Khê, Mê Linh

Trạm trộn và làm cọc bê tông của Công ty TNHH Anh Sáng hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại xã Văn Khê, Mê Linh

Tại xã Hồng Vân, đặc biệt là quanh khu vực cảng Hồng Vân có hàng loạt bãi vật liệu xây dựng, bãi cát và trạm trộn bê tông đang hoạt động.

Theo phản ánh của người dân, trạm trộn bê tông của Cty TNHH thương mại và xây dựng Trung Sơn (Cty Trung Sơn), nằm ngay gần trụ sở UBND xã Hồng Vân có hành vi lấn chiếm đê điều để xây dựng kho xưởng, nhà kiên cố, hút cát sỏi, trạm trộn bê tông, khu sản xuất gạch không nung trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp.

Việc khai thác cát sỏi ồ ạt của đơn vị này gây tình trạng xói mòn, sạt lở bờ đê, thu hẹp đất liền, thay đổi dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến các công trình ven đê. Hàng ngày, lượng xe tải lớn ra vào khu cảng, trạm trộn bê tông để mua bán vật liệu xây dựng tấp nập, kéo theo hàng loạt những cột khói bụi.

Ông Mai Văn Ngần, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho hay, khu đất Cty Trung Sơn quản lý được mua lại của một đơn vị trên địa bàn. Sau đó, Cty Trung Sơn tiến hành cải tạo kho bãi cũ, tiếp tục sản xuất. “Trạm trộn bê tông đang trình hồ sơ để xin cấp phép, nhưng theo tôi nghĩ đây cũng là một bài toán rất khó”, ông Ngần nói.

Trên địa bàn xã Thống Nhất, chỉ khoảng 2km đường đê nhưng có tới 5 điểm tập kết cát sỏi, trạm trộn bê tông, nhà hàng ăn uống quy mô lớn đang hoạt động.

Đặc biệt, có trạm trộn Phong Cảnh quy mô lớn, cung cấp bê tông tươi cho rất nhiều dự án, nhà dân trên địa bàn huyện Thường Tín và một số huyện lân cận

Hằng ngày, từ trạm trộn từng đoàn xe bồn, xe chở vật liệu trọng tải lớn, đề logo Bê tông Phong Cảnh nối đuôi nhau ra vào liên tục. Đoạn đê ngay đường vào trạm trộn xuống cấp trầm trọng. Bà Vũ Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết, trạm trộn Phong Cảnh chưa có phép, hoạt động được gần 3 năm nay. Bà Hồng còn thừa nhận trên địa bàn xã còn nhiều sai phạm trong việc quản lý đất đai khi để các hộ dân, doanh nghiệp sử dụng đất làm kho bãi, nhà hàng ăn uống, trạm trộn bê tông hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm.

Tại huyện Mê Linh, ngay trên địa bàn xã Văn Khê tồn tại trạm trộn và làm cọc bê tông của Công ty TNHH Anh Sáng hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ngang nhiên lấn chiếm hành lang đê điều nhưng không bị chính quyền các cấp xử lý

Người dân tại xã Văn Khê cho biết, mỗi lần công nhân tiến hành đổ xi măng, người dân phải đóng kín cửa, lắm lúc người ngồi bên ngoài nhà phải chạy lên đê để tránh bụi.Theo thông tin PV có được, trạm trộn và làm cọc bê tông của Công ty TNHH Anh Sáng tại xã Văn Khê hoạt động từ năm 2017 bị UBND huyện Mê Linh xử phạt 2 lần về trật tự xây dựng và môi trường.

Clip về những bài cát, trạm trộn bê tông - nơi xuất phát của những chiếc xe quá tải, quá khổ tàn phá đê sông Hồng.

Trước đó, báo Tiền Phong có một số bài phản ánh về tình trạng xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng, bê tông chạy trên đê Hữu Hồng dù đường có biển cấm 10, 12 tấn. Trong đó, ngày 10/9, có bài “Mặt đê sông Hồng vẫn bị cày nát” phản ánh đoạn đê qua địa phận các xã Hồng Vân, Thống Nhất, huyện Thường Tín liên tục bị quần nát bởi các xe trộn bê tông, xe Howo (còn gọi là xe hổ vồ) trọng tải lớn, thùng được cơi nới cao hơn nhiều so với quy định chở nguyên vật liệu vào ra các trạm trộn bê tông tươi, bãi vật liệu xây dựng phía ngoài đê.

Võ Hóa

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/nhan-nhan-tram-be-tong-bai-cat-trai-phep-o-doan-de-song-hong-bi-cay-nat-1727289.tpo