Nhân nghĩa đồng bào

Bàn luận sau chiến tranh, chúng ta không chỉ nói đến lòng tự hào chiến thắng, nguyên nhân và những bài học lịch sử. Trên con đường phát triển của đất nước, truyền thống dân tộc ta luôn lấy đạo nghĩa đồng bào làm trọng, chung tay vì một đất nước hòa bình, thống nhất, đoàn kết, phồn thịnh…

Lâu nay, khi chúng ta kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30-4 thì ở đây đó, vẫn còn những tiếng nói đi ngược lại nhịp sống của đất nước, nhân dân. Còn những câu từ, hành vi thể hiện sự uất hận, chống lại sự phát triển, làm ảnh hưởng đến chủ trương hòa hợp dân tộc và tổn thương lòng bao dung, nhân nghĩa đồng bào. Năm nay, trong khi đồng bào dù ở trong hay ngoài nước đều một lòng hướng về Tổ quốc, bằng những hoạt động khác nhau kỷ niệm ngày Bắc Nam thống nhất, núi sông liền một dải thì một bộ phận người Việt định cư tại Mỹ và một số nơi khác lại tiếp tục điệp khúc chống đối cực đoan, xới lại sự hận thù.

Ngay cả một số người thế hệ 9X, vốn sinh ra trong môi trường hòa bình, hội nhập, vậy mà họ lại bị chính bố mẹ mình ép phải thực hiện những hành vi chống lại quê hương! Một số nhóm người Việt tại California tụ tập dưới biểu ngữ “tưởng niệm ngày quốc hận”, treo cờ ba sọc và nghe “diễn văn tưởng niệm”. Đây là hành động có tính thường niên của bộ phận người Việt ra đi sau 30-4-1975, tới nay vẫn ôm chặt tư duy cũ, chống đối và định kiến về đất nước.

Hiện thực lịch sử, 30-4 đã là ngày đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến tranh vệ quốc, cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và các thế lực phản động, tay sai, đưa giang sơn thu về một mối. Bản chất cuộc chiến vệ quốc của Việt Nam là sự thật lịch sử. Sau 45 năm, Việt-Mỹ từ hai bên chiến tuyến, từ đối đầu, đối súng đã trở thành đối tác, bình thường hóa quan hệ từ 1995 và tới nay đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện.

Có phải mỗi người khi đã là hận thù, đã là chống đối thì không thay đổi? Đó là tư duy sai lầm. Xin kể câu chuyện dưới đây của luật sư Hoàng Duy Hùng - người Mỹ gốc Việt, gần đây có chuyến trở về Việt Nam với tư cách một du khách và có bài viết đăng trên Tạp chí Quê hương. Ông Hoàng Duy Hùng trước đó từng về Việt Nam 3 lần, trong đó lần về năm 1990, ông thực hiện hành vi chống phá cách mạng, bị bắt, xử lý. Lần thứ hai, cũng với ý định tương tự nhưng không thực hiện. Lần thứ ba ông đã thay đổi.

Đoàn kiều bào đến thăm quần đảo Trường Sa năm 2019, qua đó hun đúc tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm giữ gìn chủ quyền biển đảo. Ảnh: VNE.

Đoàn kiều bào đến thăm quần đảo Trường Sa năm 2019, qua đó hun đúc tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm giữ gìn chủ quyền biển đảo. Ảnh: VNE.

“Lần thứ tư, tôi về Việt Nam là để tham dự lễ Giáng sinh 2019 tại Hà Nội, đón Giao thừa tết Dương lịch 2020 ở TP Hồ Chí Minh. Và tôi khẳng định rằng, được trở về bên “Mẹ Việt Nam”, tôi đã tìm thấy chính bản thân mình, tôi hạnh phúc, sung sướng vô cùng. Nói cách khác, sau rất nhiều trăn trở, băn khoăn, thậm chí cả sai lầm, nay tôi mới tìm ra được chính tôi. Tôi không còn thù hận Đảng Cộng sản Việt Nam nữa mà trân quý lòng yêu nước của các đảng viên cộng sản” - ông Hùng chia sẻ.

Vậy tại sao lại có sự thay đổi trên? Câu trả lời đó là những suy nghĩ sau khi chứng kiến sự đổi thay của đất nước. Theo ông, cũng như những quốc gia đang phát triển khác, ở Việt Nam còn có một số tiêu cực nhưng những mặt tích cực của Việt Nam là cơ bản, lớn hơn rất nhiều và Việt Nam hôm nay đã thay da đổi thịt thật sự. Vị luật sư bày tỏ: “Nghe một vị cắt nghĩa cho tôi về việc cần quan tâm đến chữ Tâm, cho rằng hòa hợp dân tộc phải xây dựng trên chữ Tâm, ai không có Tâm thì nhận ra ngay, tôi thật sự khâm phục, nhập tâm hướng dẫn của vị cựu lãnh đạo.

Rồi, những người bình thường như anh Ba Trí ở Bạc Liêu đã bán 2 tấn lúa để có lộ phí từ Bạc Liêu lên TP Hồ Chí Minh, chờ 2 ngày để tìm cách gặp tôi. Rồi bác Bảy lặn lội từ Bến Tre lên TP Hồ Chí Minh để dặn dò tôi làm nhiều việc tốt hơn nữa cho đất nước. Rồi những người tôi gặp ở Cao Bằng, Quảng Ninh... đã giúp tôi cảm nhận sâu xa về tình cảm của đồng bào mình. Sự chân tình của họ giúp tôi củng cố niềm tin về ý nguyện của mình. Vâng, sự phát triển của đất nước và cách tiếp đón đầy tình người đã làm cho lòng tôi thật sự tỉnh ngộ và trở nên ấm áp. Tôi tìm được chính bản thân tôi trong lòng “Mẹ Việt Nam”.

Trong lần về này, ông dành thời gian đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Hải Phòng, Cao Bằng... nơi nào cũng thấy hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, năng động và phát triển. “Đương nhiên, vẫn còn có một số người còn khó khăn, đói nghèo nhưng điều này không có gì lạ, nơi nào cũng có, ở Mỹ hay ở châu Âu cũng vậy. Vấn đề quan trọng là ở chỗ Đảng, Nhà nước Việt Nam rất chú trọng hỗ trợ những hộ dân còn đói nghèo, giúp họ thoát nghèo và vươn lên.

Tôi đã quay phim và phát trên mạng những hình ảnh về sự phát triển của đất nước, đã đưa ra một số nhận xét, phát biểu lạc quan về sự phát triển đó, song một số người Việt Nam ở hải ngoại không tin, cho rằng tôi khen Việt Nam thái quá. Tôi chủ trương không trả lời những gì xuyên tạc, vì ai không tin, cứ việc về Việt Nam. Sự thật sẽ buộc họ phải suy nghĩ lại” - ông Hoàng Duy Hùng chia sẻ.

Ngẫm rằng, 45 năm đã qua, non nửa thế kỷ với lịch sử một dân tộc cũng là đủ để đánh giá, nhìn nhận và kiểm nghiệm vấn đề một cách khoa học, căn cốt nhất. Mỗi một đời người, chừng ấy năm cũng thêm những thế hệ con cháu nối tiếp. Vậy thì nhắc lại sự kiện 30-4 lúc này đây phải thấy được tính tổng thể, bao trùm trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Thực chất, hòa hiếu, hòa hợp dân tộc chính là truyền thống nhân nghĩa, nhân văn có từ lâu đời của dân tộc ta. Sử cũ chép rằng, sau khi đánh thắng 3 đợt xâm lược của giặc Nguyên - Mông, nhà Trần họp các quan lại xem việc định công, xét tội. Số là khi quân Nguyên đang cường thịnh, triều thần lắm kẻ hai lòng, theo giặc. Sau khi giặc thua, chạy về phương Bắc, triều đình bắt được biểu hàng của các quan. Đình thần muốn lục ra để trị tội nhưng Thượng hoàng Nhân Tông nghĩ rằng, làm vậy là hạ sách bèn sai đốt tráp đi cho yên lòng mọi người, duy chỉ kẻ nào theo giặc, thực sự nguy hại thì mới xử lý. Quân dân cũng theo cách đó mà xử sự.

Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta thời kỳ nào cũng chứng kiến những kẻ hai lòng theo giặc, phản triều đình nhưng cách xử sự cũng căn cứ tính chất, mức độ, dựa trên nền tảng nhân nghĩa “đánh người chạy đi, không đánh người chạy lại”. Trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi khi hòa bình lập lại, đó là xây dựng một đất nước thái bình, bên trên vua thánh tôi hiền, bên dưới không còn tiếng giận oán sầu: “thánh tâm dục dữ dân hưu túc, văn trị chung tu trí thái bình” (lòng vua chỉ muốn dân yên ổn, xếp võ theo văn, nước trị bình).

Từ năm 1946, Bác Hồ đã nói khi chúng ta vừa giành chính quyền từ cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám rằng, trong chống Pháp, cũng có những người Việt đứng ở bên phía Pháp. Bác nói: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, 5 ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài nhưng ngắn dài đều hợp ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác. Nhưng, thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tinh thân ái mà cảm hóa họ, có như thế mới thành đoàn kết. Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang”.

Trong thư chúc tết kiều bào đầu năm 1946 - năm đầu tiên khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao tấm lòng yêu mến cố hương, luôn hướng về Tổ quốc của kiều bào và khẳng định: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế”.

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 26-3-2004 xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Do đó, một trong những chủ trương được Đảng ta khẳng định rõ trong Nghị quyết này là: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.

Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính toàn diện, cơ bản và lâu dài, thể hiện tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác kiều bào và là kim chỉ nam cho hành động của cả hệ thống chính trị.

Xin nhắc lại câu nói của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong cuộc gặp gỡ với kiều bào tại quận Cam nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 6-2007): “Chúng ta nghĩ Tổ quốc là cái gì xa xôi nhưng Quốc văn giáo khoa thư nói rằng, đó là những gì gần gũi nhất... Tôi mong bà con của mình hãy vì quê hương đất nước, gác bỏ những khác biệt của mình, hãy đoàn kết lại, cùng nhau xây dựng Mẹ hiền Việt Nam, đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường”.

An Nhi

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhan-nghia-dong-bao-593204/