Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4: Đồng hành mang ý tưởng đến với thị trường

'Sở hữu trí tuệ (SHTT) với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa - mang ý tưởng đến với thị trường' là thông điệp Tổ chức SHTT thế giới đưa ra trong năm 2021. Hưởng ứng thông điệp này, ở Bắc Giang, cùng với chính sách của tỉnh, các cá nhân, tổ chức cũng cần mạnh dạn hơn, biến ý tưởng thành hành động.

Trên thế giới, các DN nhỏ và vừa (SME) chiếm 90% tổng số DN, đóng góp 40% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, hiện SME chiếm khoảng 98% trong số hơn 800 nghìn DN đang hoạt động; đóng góp hơn 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Ở Bắc Giang, tỷ lệ này là 98% trên tổng số DN, tạo việc làm cho gần 220 nghìn người.

Na dai Lục Nam được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Sỹ Quyết

Na dai Lục Nam được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Sỹ Quyết

Với số vốn đầu tư không cao, lao động trực tiếp không lớn nhưng SME đã, đang đóng vai trò rất quan trọng, giúp các nền kinh tế phát triển ổn định. Để hình thành mỗi SME, ngoài nguồn vốn, máy móc, thiết bị, cần có tối thiểu 1 ý tưởng hoặc 1 công nghệ để định hướng, thúc đẩy, quyết định sự tồn tại, phát triển của DN. Vì vậy, với mỗi DN khởi nghiệp, quan trọng nhất phải có 1 ý tưởng hoặc công nghệ. Một ý tưởng nhỏ, đôi khi rất muộn màng cũng có thể dẫn đến thành công lớn.

Ví như chuỗi nhà hàng KFC của Harland Sanders, người đã khởi nghiệp lần 2 vào những năm 1950 ở tuổi 65 với số vốn 105 USD và món gà rán bình dân. Sau 10 năm, Sanders có hơn 600 nhà hàng nhượng quyền ở Mỹ và Canada. Hiện KFC là thương hiệu độc quyền với hơn 23 nghìn nhà hàng tại 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Rõ ràng, khi được chuẩn bị kỹ, nỗ lực theo đuổi, một ý tưởng tốt, dù nhỏ có thể trở thành một tài sản trí tuệ giá trị, khởi đầu cho một DN lớn, thành công.

Tại Bắc Giang, năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng DN đăng ký mới vẫn tăng mạnh (khoảng 1,5 nghìn DN) với tổng số vốn đăng ký 12.109 tỷ đồng. Con số này thể hiện tính năng động của cộng đồng DN trong khai thác cơ hội đầu tư tại tỉnh.

Xác định SHTT đóng vai trò là một động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển KT-XH, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ đăng ký xác lập quyền SHTT và thương mại hóa sản phẩm.

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Giang đã phối hợp với Cục SHTT khai thác thông tin, dịch vụ sở hữu công nghiệp, hướng dẫn nhiều tổ chức, cá nhân làm thủ tục đăng ký, xác lập quyền; giúp rút ngắn thời gian, chi phí và tăng khả năng bảo hộ. Đến nay, Bắc Giang đã được Cục SHTT cấp 1.174 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, gồm 2 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận, 60 nhãn hiệu tập thể, còn lại là nhãn hiệu thông thường. Hằng năm, toàn tỉnh có hàng nghìn giải pháp mới, sáng kiến được công nhận trong các lĩnh vực.

Tuy nhiên, số văn bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp của tỉnh còn ít, mới có khoảng 70 văn bằng được bảo hộ. Điều này cho thấy số ý tưởng tốt được cơ quan quản lý công nhận và thị trường chấp nhận không nhiều. Điều này cũng phản ánh chúng ta chưa có nhiều sản phẩm hoặc công nghệ mới; nhiều tác giả chưa quan tâm đăng ký bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ (TSTT) của mình.

Vì vậy, để hiện thực hóa thông điệp “Mang ý tưởng đến với thị trường”, hình thành những SME khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các cơ quan của tỉnh, nhất là Sở KH&CN cần đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, sáng chế; phổ biến kiến thức, giúp các tác giả ý tưởng, công nghệ nhận thức được quyền lợi, quan tâm bảo vệ lợi ích hợp pháp thông qua đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với TSTT của mình.

Với chức năng của mình, Sở KH&CN tham mưu ban hành chính sách mới, hỗ trợ xác lập quyền, tra cứu, cung cấp thông tin qua các Trạm IPPlattform và tham gia giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực SHTT. Khơi dậy nguồn ý tưởng thông qua các cuộc thi, hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, các chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên, nhà trường và trong cộng đồng DN. Ngoài khen thưởng, biểu dương cần lựa chọn những ý tưởng, sản phẩm có triển vọng để hỗ trợ ươm tạo công nghệ, đưa vào thực tiễn từ nguồn ngân sách địa phương.

Các ngân hàng, đặc biệt là Hiệp hội DN tỉnh cần xem xét, thành lập Quỹ bảo trợ, hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp để bước đầu giúp các tác giả/nhóm tác giả mang ý tưởng đến với thị trường, tạo dựng DN và giảm thiểu rủi ro khi khởi nghiệp. Các DN cần nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng của TSTT; mạnh dạn, nghiêm túc xem xét đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các ý tưởng, phát minh, công nghệ, sản phẩm mới để có khả năng khai thác như một nguồn tài sản hợp pháp và lâu dài.

Cùng đó nên chủ động tham gia hệ thống sàn giao dịch công nghệ và thiết bị để đưa ý tưởng, công nghệ, sản phẩm đến với thị trường và khai thác TSTT của mình và của cộng đồng. Phát động phong trào sáng tạo, cải tiến kỹ thuật và khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với tác giả sáng kiến, sáng chế; tạo điều kiện áp dụng, thương mại hóa trong sản xuất, kinh doanh và thực tiễn cuộc sống.

Với tinh thần “Mang ý tưởng đến với thị trường”, tin rằng thời gian tới tỉnh sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới và một cộng đồng DN khởi nghiệp thành công với nhiều ý tưởng mới, công nghệ mới.

Ngô Chí Vinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/khoa-hoc-cong-nghe/357476/nhan-ngay-so-huu-tri-tue-the-gioi-26-4-dong-hanh-mang-y-tuong-den-voi-thi-truong.html