Nhân ngày sinh thứ 110, nhớ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Những kỷ niệm của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân về Luật sư Nguyễn Hữu Thọ...

Tôi nhìn thấy Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lần đầu tiên vào năm 1950 tại Khám Catinat (lúc này Luật sư đang bị thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn Sàigòn bắt giam tại đây) khi tôi đi cùng mẹ vào thăm cha tôi cũng đang bị giam giữ tại đó.

Trong tâm trí của một đứa bé mười tuổi đã ghi khắc hình ảnh một người trí thức yêu nước, nét mặt hiền hòa nhưng kiên định. Hình ảnh đó, cùng với sự kính phục và những kỷ niệm về sau này làm cho Luật sư mãi mãi là một tấm gương sáng gần gũi đối với tôi.

Tin Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Cách mạng giải thoát khỏi nơi chính quyền Mỹ Diệm giam giữ tại Phú Yên và đã ra đến vùng giải phóng an toàn; những tin thắng lợi của cuộc đấu tranh chống Mỹ của đồng bào trong nước; Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ “bóng ma” đã trở thành một bên đàm phán tại Hội nghị Paris về Việt Nam đã làm nức lòng kiều bào ở nước ngoài trong suốt thập kỷ 1960, đầu thập kỷ 1970.

Mọi người đều biết Luật sư Nguyễn Hữu Thọ gắn liền với những sự kiện lịch sử đó.
Đất nước độc lập, thống nhất sau hơn 119 năm bị đô hộ và chiến tranh giải phóng.

Về nước năm 1976, từ năm 1977 trong những lần họp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và nhất là từ năm 1980 khi ra Hà Nội công tác tôi may mắn có nhiều dịp tiếp xúc với Luật sư. Tình cảm và sự kính phục ban đầu ngày càng sâu sắc thêm

Sự thân ái, chan hòa mà Luật sư dành cho các thành viên trong Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam từ mọi miền Tổ quốc tựu họp về, đủ các sắc tộc, tôn giáo, theo tôi cảm nhận, là thể hiện rất tự nhiên của sự quan tâm chân thành của Luật sư đối với các tầng lớp nhân dân và đồng bào cả nước.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, khóa I, 07/02/1977

Theo dõi đời sống, sản xuất của đồng bào trong cả nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, Luật sư rất đỗi băn khoăn khi đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước, bị mất mùa năm 1978. Trong các mối quan tâm Luật sư đặc biệt chú ý đến tình hình giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long và hơn một lần, Luật sư chia sẻ với tôi lo lắng về sự tụt hậu này sẽ ảnh hưởng đến con đường đi lên lâu dài của đồng bằng.

Luật sư cũng dành cho kiều bào ở nước ngoài những tình cảm sâu đậm, thăm hỏi tình hình của cộng đồng, của hội đoàn ở các nước, những thành tựu và khó khăn của kiều bào nhất là của lớp người ra đi sau 1975, việc học hành của thế hệ hai, thế hệ ba và tiếp sau. Luật sư thường nhắc lại lời dặn của Bác Hồ phải biết gìn giữ hòn than âm ỉ trong lòng mỗi người Việt Nam ở xa Tổ quốc. Đó là lòng yêu nước, thương nhớ quê hương để khi có điều kiện chúng sẽ cháy bùng lên

Mặc dù tuổi đã cao, Luật sư đã dự suốt Hội nghị Việt kiều Xuân Quý Dậu tổ chức hai ngày 8, 9 tháng 2 năm 1993 tại Dinh Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Sự có mặt của Luật sư và bài nói chuyện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã động viên rất nhiều hơn 100 đại biểu từ 24 nước về tham dự, và là một sự khẳng định mạnh mẽ rằng “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chụp ảnh kỷ niệm với đại biểu tham dự Hội nghị Việt kiều Xuân Quý Dậu 1993

Tôi được may mắn tham gia đoàn đại biểu chính thức của Việt Nam do Luật sư dẫn đầu, tham dự Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp năm 1989 tại Sénégal, và tại Paris – Chaillot năm 1991 [1] .

Qua những chuyến công tác này, ấn tượng mà Luật sư để lại là cách làm việc sâu sát, đòi hỏi cao về chất lượng nội dung và yêu cầu mẫu mực về chuẩn xác ngôn từ sử dụng, tránh điệp ý, điệp từ không cần thiết. Bởi đó là lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm và thể hiện mong muốn đóng góp của Việt Nam với cộng đồng.

Năm 1991, cùng với Bộ Ngoại giao tôi đến báo cáo với Luật sư về việc chuẩn bị tham dự Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 4 tại Paris Chaillot.

Tôi trình bày việc chuẩn bị dự án Viện Tin học Pháp ngữ (Institut Francophone d’Informatique) đặt tại Hà Nội mà đoàn sẽ đệ trình tại Hội nghị. Luật sư yêu cầu phải làm rõ một cách thuyết phục mục đích thành lập Viện đặt tại Hà Nội, khả năng tiếp nhận và điều hành. Luật sư đánh giá đây là một dự án vừa có lợi cho Việt Nam, vừa thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong Công đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp, và đoàn Việt Nam phải bảo vệ cho tốt để dự án được chấp nhận.

Đến nay Viện vẫn hoạt động tại Hà Nội, góp phần đào tạo sau đại học ngành Tin học cho Việt Nam và cho các nước trong Cộng đồng Pháp ngữ trong khu vực.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã ra đi cách đây 24 năm. Nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 110 của Luật sư, xin chia sẻ một số kỷ niệm về một nhân cách, một con người tận trung với Nước, tận hiếu với Dân, rất đổi trân quý trong lòng tôi.

[1] Với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Luật sư là Trưởng Đoàn của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Viêt Nam.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân
Nguyên ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam (1977-1994), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, nguyên Trưởng Ban Việt Kiều Trung ương.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/nhan-ngay-sinh-thu-110-nho-luat-su-nguyen-huu-tho-3411225/