Nhân Ngày nước thế giới 22/3: Bài 2 - Thúc đẩy doanh nghiệp bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long

Phát triển du lịch tại các khu di sản thế giới được UNESCO khuyến khích từ nhiều năm qua. Tuy vậy, phát triển du lịch tại các khu du lịch cần được kiểm soát bởi bên cạnh những tác động tích cực, du lịch cũng tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực, đe dọa sự phát triển bền vững của các khu di sản thế giới.

Chất lượng môi trường nước vịnh Hạ Long đang chịu nhiều tác động. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Thúc đẩy nhà đầu tư tư nhân vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà chính là một trong những giải pháp được đề xuất tại tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững trong các khu di sản” trong khuôn khổ Sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long – Cát Bà mới diễn ra tại thành phố Hạ Long.

Nguy cơ ô nhiễm nước và rác thải

Bên cạnh tín hiệu mừng khi lượng du khách đến Hạ Long ngày càng tăng lên, thì nước thải và rác thải cũng ngày càng nhiều lên và chất lượng môi trường nước đang chịu nhiều tác động. Một trong những tác động dễ nhận ra nhất là ô nhiễm môi trường, khi một lượng lớn khách du lịch tập trung tại điểm du lịch di sản, kèm theo một khối lượng lớn rác thải các loại khác nhau thải ra môi trường, gây ô nhiễm nếu không được xử lý. Ô nhiễm rác thải từ hoạt động du lịch khá phổ biến và dễ nhìn thấy. Tuy vậy, việc kiểm soát rác thải không phải là vấn đề dễ dàng bởi nhiều rào cản về kinh tế, kỹ thuật và đặc biệt là ý thức, mối quan tâm của người quản lý và các bên liên quan.

“Muốn bảo tồn được nguyên vẹn các giá trị của di sản thiên nhiên để phát huy các giá trị này phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thì công tác bảo vệ môi trường phải được chú trọng và quan tâm hàng đầu. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình, kế hoạch và đề tài, dự án nhằm bảo vệ môi trường nước Vịnh Hạ Long. Nhưng theo các chuyên gia, những gì tỉnh đang thực hiện cũng chưa đủ, nếu chỉ Nhà nước lo thôi lại càng không đủ và không nổi", ông Phạm Đình Huỳnh - Phó ban Ban quản lý Vịnh Hạ Long nhận xét.

Bà Nguyễn Thị Bích Hiền (IUCN) cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia, tổng lượng nước thải từ các tàu du lịch khoảng 502m3/24 giờ. Đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải này cần chi phí đầu tư ban đầu khoảng 3,1 triệu USD (bao gồm đầu tư cho 12 tàu thu gom trên biển là 1.200.000 USD, trang thiết bị lắp tại cảng là 600.000 USD, các trạm xử lý nước thải tại cảng là 800.000 USD và đầu tư trang thiết bị cho các tàu du lịch là 500.000 USD). Chi phí vận hành hệ thống này vào khoảng 251 USD/ngày (theo ước tính chi phí các khu xử lý nước thải vận hành tương tự tại Philippines). Theo tính toán phương án thu phí và hoàn vốn trong 5 năm, trong đó phí cần thu để hoàn vốn chi phí ban đầu trong 5 năm là 3,4 USD/m3. Chi phí vận hành bình quân là 0,5 USD/m3. Mức phí dịch vụ xử lý nước thải có thể áp dụng là 5 USD/m3.

Kỳ vọng đầu tư tư nhân

Ông Nguyễn Duy Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Du thuyền Pelican (nguyên sỹ quan Hải quân) đang kinh doanh du lịch du thuyền ở cả Vịnh Hạ Long và khu vực quần đảo Cát Bà, trong đó có cả du thuyền 5 sao từ năm 1987 nên ông rất thấu câu chuyện môi trường biển. Mỗi khi nghe du khách kêu ca về rác, nước thải, ông luôn cảm thấy day dứt. Ông Phú cho biết, đội tàu của ông là đội tàu chất lượng với hệ thống xử lý nước thải nhập khẩu đạt chuẩn. Doanh nghiệp cũng đã được tham gia dự án nhà nước trong đó có 3 tàu được nghiệm thu cấp nhà nước về tiêu chuẩn xử lý nước thải bảo vệ môi trường. Phản biện với ý kiến của bà Hiền, ông Phú tính sơ bộ thì mỗi tàu thu gom trên biển tối đa cũng chỉ có thể thu gom cho 10 du thuyền mà thôi. Như vậy đội tàu thu gom sẽ phải gấp 5 lần con số mà bà Hiền đưa ra. Dó đó, để đầu tư xử lý nước thải du thuyền cho khu vực Hạ Long – Cát Bà thì cần tới hàng chục triệu USD chứ không chỉ là 3,1 USD như đã nêu ở trên.

Cần có sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc bảo vệ môi trường vịnh Ha Long. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Từ thực tế của doanh nghiệp, ông Phú đề xuất, để xử lý nước và rác thải hiệu quả bảo vệ môi trường Hạ Long - Cát Bà, cần có sự tham gia của khu vực tư nhân. Nếu từ 5 đến 7 năm nữa mà không thay đổi công nghệ thì khối lượng xử lý thấp, còn đầu tư công nghệ thì chi phí cao, một số chủ tàu không chịu được. Số khác có thể đầu tư nhưng sẽ khiến chi phí tăng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ chủ tàu thuyền chuyển đổi phương tiện và chính sách thu hút tư nhân đầu tư vào hệ thống thu gom xử lý rác và nước thải.

Ông Đỗ Văn Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Hạ Long cho rằng: "Chúng tôi có thể kết hợp với các nhà chính sách, nhà đầu tư để cùng nhau thiết kế ra những hệ thống xử lý chất thải trên Vịnh Hạ Long. Hiện Công ty đang có ý tưởng xây dựng nhà máy xử lý chất thải nhựa, cùng địa phương và người dân thu gom, phân loại chất thải rắn về nhựa từ đầu nguồn rồi tái chế lại thành sản phẩm có ích, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Ngoài ra, Công ty cũng đang phối hợp với các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu vật liệu nhựa có thể phân hủy sinh học (Biopolymer), nhằm tập trung nghiên cứu sản xuất sản phẩm bao bì có thể phân hủy trong đất....".

(Bài cuối: Xử lý nước thải cho tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long)

Diệu Thúy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/nhan-ngay-nuoc-the-gioi-223-bai-2-thuc-day-doanh-nghiep-bao-ve-moi-truong-vinh-ha-long-20180321084853737.htm