Nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam 18-4: Điểm tựa nhân ái cho người khuyết tật

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ người khuyết tật (NKT) cả về vật chất lẫn tinh thần để họ tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, vươn lên trong cuộc sống.

Trao tặng xe đạp, học bổng cho học sinh khuyết tật, mồ côi nghèo.

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có 247.000 NKT và hơn 21.000 trẻ mồ côi (TMC). Với phương châm xã hội hóa công tác chăm sóc và trợ giúp NKT, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi (NTT&TMC) các cấp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia công tác từ thiện - nhân đạo. Qua đó, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quyên góp tiền, hàng hóa, ngày công lao động, tổ chức các lớp dạy nghề... để hỗ trợ NKT xây dựng nhà ở, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Nhờ đó, hàng nghìn lượt NKT đã được trợ cấp khó khăn, khám, chữa bệnh miễn phí, tặng xe lăn, xe lắc,... giúp họ vượt qua bệnh tật, xóa bỏ mặc cảm, tự ti; đồng thời, tạo điều kiện giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cụ thể, trong 5 năm qua, từ nguồn quỹ trên 50 tỷ đồng, các cấp hội trong tỉnh đã có những hoạt động ý nghĩa nhằm thắp lên niềm tin, hy vọng cho NKT&TMC, như: Phẫu thuật tim bẩm sinh, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, thay thủy tinh thể cho trên 5.000 trường hợp; cấp hơn 8.000 xe lăn, xe lắc; xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp trên 600 nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết.

Ngoài các hoạt động trên, để giúp đỡ NKT phát triển kinh tế, nhiều hoạt động hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho NKT đang được các địa phương, đơn vị, tổ chức hội triển khai thực hiện. Thực hiện Quyết định số 2608/QĐ-UBND, ngày 29-7-2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch trợ giúp NKT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020, các ngành, địa phương đã triển khai, lồng ghép các chương trình hỗ trợ, tạo việc làm cho NKT, như: Dự án hỗ trợ sinh kế cho NKT của Hội Bảo trợ NTT&TMC; các lớp đào tạo khởi nghiệp của Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa; hoạt động đào tạo nghề của các cấp hội người mù; thành lập các mô hình câu lạc bộ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp. Chỉ riêng dự án hỗ trợ sinh kế cho NKT, trong 5 năm qua đã hỗ trợ vốn, tư liệu sản xuất cho trên 3.000 người, dạy nghề cho hơn 2.000 lượt người, tư vấn việc làm cho 3.500 NKT... Cùng với những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ khó khăn trong cộng đồng không ngừng được phát huy. Đặc biệt là các hoạt động từ thiện hướng về người yếu thế ngày càng được quan tâm. Nhờ vậy, rất nhiều người yếu thế đã có được những ngôi nhà kiên cố để ở, có thêm điều kiện để chữa bệnh và chiến thắng bệnh tật. Và rất nhiều trẻ em được “tiếp sức đến trường”, hướng tới tương lai... trong vòng tay ấm áp của cộng đồng.

Bảo vệ, chăm sóc và tạo điều kiện cho NKT, TMC hòa nhập cộng đồng vươn lên trong cuộc sống là hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều NKT, TMC có điều kiện sống hết sức khó khăn cần sự chung tay, giúp sức hơn nữa của cả cộng đồng xã hội; nhằm lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái và thắp lên niềm tin, hy vọng cho các đối tượng yếu thế. Trong thực tế, việc dạy văn hóa, đào tạo nghề và tạo việc làm chưa thực sự hiệu quả, tỷ lệ NKT thất nghiệp vẫn còn cao. Nhiều người còn khả năng lao động, mong muốn tìm được việc làm phù hợp để không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội nhưng cũng không dễ... Đây là những “rào cản” làm hạn chế khả năng cũng như sự hòa nhập cộng đồng của NKT. Để giúp NKT vượt qua mặc cảm, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng, thiết nghĩ, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền; hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếp cận thông tin đối với NKT; đào tạo, hướng dẫn họ tiếp cận các dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cần phát hiện và can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; trợ giúp xã hội và pháp lý để tiếp cận các vấn đề về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, sử dụng các công trình xây dựng và tham gia giao thông công cộng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhan-ngay-nguoi-khuyet-tat-viet-nam-18-4-diem-tua-nhan-ai-cho-nguoi-khuyet-tat/99631.htm