Nhân lực thiếu, thị trường hẹp

Nhiều năm nay, kinh tế biển mang lại cuộc sống ấm no cho không ít ngư dân, trong đó có nghề câu cá ngừ đại dương ở các tỉnh, như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... Bên cạnh những chuyển biến tích cực, nghề câu cá ngừ đại dương vẫn tồn tại nhiều khó khăn, nhất là nguồn nhân lực và thị trường tiêu thụ.

Sáng xuân tại cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang, Khánh Hòa, có hơn 200 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương nhộn nhịp chuẩn bị rời cảng, bắt đầu vụ mùa mới. Những con tàu tấp nập vào lấy đá lạnh, bơm nước và nhu yếu phẩm; hay cảnh hối hả làm thủ tục xuất bến nhanh lẹ... báo hiệu điều tốt lành cho một năm vươn khơi tìm ngư trường. Tàu hú còi dài rồi nhả khói hướng về ngư trường vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, vùng biển Đông Nam Bộ.

Theo đại diện Chi cục Thủy sản Khánh Hòa: Tháng 1-2020, tổng sản lượng thủy sản khai thác được hơn 5.100 tấn, trong đó gần 450 tấn cá ngừ vây vàng. Tại tỉnh Phú Yên, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương trong năm 2019 đạt khoảng 3.720 tấn. Hiện nay, tỉnh Phú Yên có 451 tàu đánh bắt thủy sản có chiều dài từ 15m trở lên được cấp phép khai thác hải sản vùng khơi. Các tàu câu cá ngừ đại dương khai thác sản lượng đạt trung bình từ 1 đến 2 tấn/chuyến.

Theo kinh nghiệm của ngư dân, thường vào đầu mùa biển, cá ngừ đại dương xuất hiện và đi từ vùng biển phía Bắc vào phía Nam. Thời gian này, nhiều luồng cá lớn xuất hiện trên biển, nếu tổ chức khai thác đúng thời điểm và đúng luồng cá thì sẽ đạt hiệu quả rất cao. Năm 2020, tỉnh Phú Yên xác định mục tiêu sản lượng khai thác thủy sản khoảng 55.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương khoảng 4.500 tấn. Làm việc với đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, chúng tôi được biết: Hiện nay, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, có giải pháp nhằm tháo gỡ một số khó khăn. Để đạt được mục tiêu này, Phú Yên tiếp tục triển khai các chính sách phát triển thủy sản theo hướng bền vững, khuyến khích ngư dân đầu tư trang thiết bị; đồng thời hỗ trợ khai thác với công nghệ hiện đại, từng bước đổi mới công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm sau khai thác nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm, gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Quản lý Cảng cá Hòn Rớ, cho biết: "Bên cạnh những khó khăn về giá cả, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương hiện khá thiếu nguồn lao động. Nhiều chủ tàu không tìm được lao động để ra khơi. Nguyên nhân chính là thu nhập thấp, không ổn định nên nhiều lao động không mấy mặn mà với việc ra khơi". Theo ông Nguyễn Văn Thành, một chủ tàu ở Khánh Hòa: Thu nhập của ngư dân tham gia khai thác cá ngừ đại dương khá rủi ro và bấp bênh. Chuyến nào trúng thì ngư dân có thu nhập 10-15 triệu đồng, nhưng cũng không ít chuyến chỉ 5-7 triệu đồng. Nhiều chủ tàu cho rằng, hiện nguồn nhân lực cho nghề khai thác biển, nhất là khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương đang rất khan hiếm. Để có đủ lao động đi biển, không ít chủ tàu phải cho ngư dân ứng trước tiền công, tuy nhiên mọi chuyện không phải chuyến ra khơi nào cũng "xuôi bè, mát mái". Anh Hoàng Anh Tú, 24 tuổi, thủy thủ tàu cá KH 96662 TS của TP Nha Trang cho hay: “Hiện nay, nghề đi biển rất vất vả, thu nhập lại thấp và không ổn định nên không còn là sự ưu tiên lựa chọn của nhiều người, nhất là giới trẻ. Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng quan tâm, động viên khích lệ thế hệ trẻ bám tàu, bám ngư trường”.

Bên cạnh những khó khăn, việc ổn định giá và tìm đầu ra cho sản lượng cá ngừ đại dương vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ chưa có lời giải! Sản phẩm xuất đi giá trị chưa cao, bị ép giá; thị trường nội địa phần lớn mới bán ở các siêu thị, giá thành cao nên chưa hấp dẫn người tiêu dùng, mặc dù cá ngừ là sản phẩm có nguồn dinh dưỡng cao... Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương, vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương cần xây dựng chiến lược, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời đầu tư các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó, các cơ quan chức năng chủ động nghiên cứu, dự báo ngư trường để xác định chính xác vùng đánh bắt, hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác hiệu quả.

Phát triển kinh tế biển, vươn lên từ biển nói chung, khai thác cá ngừ đại dương nói riêng là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế của đất nước, nhất là các địa phương ven biển. Theo đó, từng địa phương cần chủ động nghiên cứu, tổ chức sản xuất, khai thác theo hướng hiện đại, liên kết chặt chẽ để nâng cao giá trị sản phẩm. Kinh tế biển không thể phát triển nêu tư duy vẫn chỉ dừng lại ở những kinh nghiêm khai thác, đánh bắt theo kiểu truyền thống...

NGUYỄN VĂN HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhan-luc-thieu-thi-truong-hep-611023