Nhân lực ngân hàng trong kỷ nguyên số: 'Quý hồ tinh…'

Việt Nam và ngành tài chính ngân hàng Việt Nam không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ứng dụng công nghệ trong ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng là yêu cầu tất yếu trong công cuộc chuyển đổi số của nền kinh tế vì những lợi ích mà nó mang lại. Trong cuộc đua công nghệ, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng vào sự thành bại của doanh nghiệp.

Thị trường nhân lực phát triển sôi động

Theo Dự báo Nhu cầu tuyển dụng năm 2019 của VietnamWorks, tài chính/đầu tư – ngân hàng là ngành đứng đầu trong Top 10 ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao trong năm 2019. Bên cạnh đó, dữ liệu mới nhất của VietnamWorks cho thấy, số lượng công việc ngành ngân hàng được đăng tuyển tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái và số lượng ứng viên tìm kiếm công việc ngành ngân hàng cũng tăng đến 58%.

Bà Nguyễn Phương Mai

Bà Nguyễn Phương Mai

Sự lạc quan về tình hình thị trường khiến các ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng mạnh về quy mô, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh để có đủ nguồn lực thúc đẩy kinh doanh. Điều này cho thấy sự phát triển sôi động của thị trường nhân sự trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Bên cạnh nhu cầu tuyển dụng tăng cao để đáp ứng cho việc mở rộng quy mô, tăng số chi nhánh, phòng giao dịch, xu hướng phát triển “ngân hàng số” cũng đem tới nhiều cơ hội mới cho người lao động. Với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới, trong đó, tỷ lệ sử dụng Internet chiếm hơn 60% khiến Việt Nam sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển, hiện đại hóa nhanh chóng lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Cụ thể, ngân hàng chuyển đổi số sẽ giúp đổi mới toàn diện quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ theo hướng tối ưu, tự động hóa, minh bạch hơn, đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối, danh mục sản phẩm và có thể cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng với chi phí thấp hơn. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đều đã và đang có định hướng phát triển “ngân hàng số” để phù hợp với xu hướng thị trường, điều sẽ mang lại những thay đổi tích cực đến thị trường nhân lực.

Khó tránh dịch chuyển nhân sự chất lượng cao

Hiện nay, có nhiều hướng tiếp cận trong quá trình “chuyển đổi số” của ngân hàng, nổi bật như việc thành lập bộ phận kỹ thuật mới, hoặc thành lập một “ngân hàng số” tách biệt với ngân hàng truyền thống, hoặc xây dựng một nhóm chuyển đổi có nhiệm vụ giải quyết nhu cầu hiện tại của khách hàng với các giải pháp số hóa. Với những hướng tiếp cận này, điều quan trọng nhất vẫn là giải quyết được ba yếu tố: Công nghệ, thể chế và con người. Về yếu tố con người, việc xây dựng một đội ngũ mạnh có thể quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi số.

Bài toán đặt ra cho các ngân hàng chính là xây dựng một đội ngũ xứng tầm cho trách nhiệm “chuyển đổi số” vì Việt Nam vẫn còn khan hiếm nhân sự cho những vị trí đặc thù này. Công nghệ phát triển và thay đổi rất nhanh chóng tạo ra khoảng cách giữa giáo dục và thực tế làm việc, gây ra khan hiếm số lượng nhân sự có chất lượng cao trên thị trường, cụ thể là nhân sự phù hợp cho đội ngũ “chuyển đổi số”.

Theo đánh giá của công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, đội ngũ nhân sự này sẽ bao gồm cả hai lĩnh vực là kỹ thuật và thương mại. Đối với lĩnh vực kỹ thuật, ứng viên phải có sự hiểu biết và kinh nghiệm về các công nghệ mới như máy học (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligience), Blockchain… Vì những công nghệ mới này chưa được đào tạo rộng rãi tại Việt Nam, các ngân hàng sẵn sàng tuyển người nước ngoài, hoặc người Việt Nam có kinh nghiệm học tập và làm việc tại nước ngoài cho những vị trí chủ chốt về kỹ thuật.

Việt Nam vẫn còn khan hiếm nhân sự cho những vị trí đặc thù tại ngân hàng số

Đối với lĩnh vực thương mại, ứng viên không nhất thiết phải có kinh nghiệm trong ngành tài chính - ngân hàng, nhưng những kinh nghiệm về các ngành tương đồng như thương mại điện tử, công nghệ số là một điểm cộng lớn.

Tuy nhiên, đối với cả hai lĩnh vực, quan trọng vẫn là ứng viên có sự thích ứng nhanh vì ngân hàng là một ngành có tính đặc thù cao, nhân sự phải có những hiểu biết nhất định về nghiệp vụ ngân hàng, về luật và quy định, quản trị rủi ro… để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu công việc.

Với những yêu cầu như trên, không thể tránh khỏi sự dịch chuyển nhân sự từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, hay phổ biến hơn là sự thu hút nhân tài từ những ngân hàng nước ngoài sang ngân hàng Việt Nam với chế độ lương thưởng và phúc lợi rất hấp dẫn.

Ngân hàng “chạy đua” thu hút và giữ chân nhân tài

Tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, ngân hàng Việt Nam cần “nhanh chân” hơn trong cuộc đua thu hút và giữ chân nhân tài. Theo khảo sát “Những vấn đề nổi bật ngành ngân hàng” của Navigos Group, ứng viên ngành ngân hàng đặc biệt quan tâm đến lộ trình thăng tiến trong sự nghiệp và chính sách đãi ngộ ngoài lương.

Theo đó, 52% người tham gia khảo sát cho biết, họ chưa có nhiều cơ hội thăng tiến do không có nhiều thay đổi với những vị trí quản lý và ngân hàng thường tuyển mới với vị trí trống. Người lao động nào cũng có nhu cầu được phát triển trên sự nghiệp của mình, ngân hàng nên đáp ứng kỳ vọng của nhân viên bằng cách xây dựng cho họ một lộ trình phát triển hợp lý để thể hiện sự tin tưởng và trao quyền nhiều hơn.

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ về tài chính cũng được nhân viên quan tâm, với ba chính sách được người khảo sát đánh giá hấp dẫn nhất chính là: Hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp, các khoản thưởng và bảo hiểm sức khỏe. Áp dụng được những chính sách này cho nhân viên, ngân hàng sẽ tự tin hơn trong cuộc đua thu hút nhân tài. Một điểm đặc biệt quan trọng trong chính sách thu hút và giữ chân nhân tài chính là cung cấp chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo về những kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc chuyển đổi số cho nhân viên để họ có thể phát triển năng lực, nắm bắt công nghệ, từ đó đem lại kết quả tốt cho công việc.

Nhân lực làm chủ kiến thức và công nghệ số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà đặc biệt là xu hướng tự động hóa sẽ có những tác động nhất định đến thị trường việc làm và kỹ năng nghề nghiệp, ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài làn sóng này. Chính vì vậy, nhân lực ngành ngân hàng cần phải có nhận thức rõ ràng về việc công nghệ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành nghề và lĩnh vực của mình để có sự chuẩn bị kịp thời.

Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, các doanh nghiệp sẽ đánh giá cao khả năng chủ động học hỏi, xử lý tình huống, năng lực sáng tạo, khả năng quản lý con người và mối quan hệ, tư duy toàn cầu và năng lực ngoại ngữ. Với khối lượng kiến thức lớn và thay đổi từng ngày như kiến thức số hóa, khả năng học hỏi sẽ giúp ứng viên có thể theo kịp và phát triển bản thân. Bên cạnh đó, bản chất công việc có thể thay đổi, khả năng linh hoạt xử lý tình huống và năng lực sáng tạo cũng sẽ giúp lao động thích nghi và tăng năng suất, hiệu quả công việc.

Đặc biệt, nhân sự ngành ngân hàng khi đã có sẵn kiến thức và hiểu biết về nghiệp vụ ngân hàng, nếu tự trang bị thêm được những kiến thức về công nghệ thông tin sẽ trở nên “đắt giá” trên thị trường lao động. Ngoài ra, không kém phần quan trọng, nhân lực ngành ngân hàng cần có tư duy toàn cầu và năng lực ngoại ngữ để chủ động bắt kịp với những thay đổi về công nghệ và thị trường, đồng thời sẵn sàng nắm bắt những cơ hội mà toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Theo Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos SearchĐặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/nhan-luc-ngan-hang-trong-ky-nguyen-so-quy-ho-tinh-268368.html