Nhân lực biển

Ngay sau Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, ngày 22-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngay sau Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, ngày 22-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có thể thấy, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII là bước tiếp nối quá trình hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Mục tiêu của hai nghị quyết nói trên đều hướng tới xây dựng nước ta thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển...

Một trong những nội dung quan trọng được cả hai nghị quyết rất quan tâm là vấn đề con người, nhân lực biển. Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII đánh giá: phát triển nguồn nhân lực biển chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển; đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực biển còn hạn chế; công tác đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân ven biển chưa đáp ứng được yêu cầu...
*Thực tế, đang có nhiều tàu cá công suất lớn phải nằm bờ, do không có lao động đi biển. Nhiều ngư dân phải bán tàu. Ngày nay, nhiều người trong lớp trẻ không muốn làm nghề biển nữa, do lao động trên biển quá vất vả, thu nhập thiếu ổn định, nhiều rủi ro. Nhiều phụ huynh miền biển cũng không muốn cho con em mình theo nghề biển nữa. Vì vậy, nguồn nhân lực chính được “đào tạo”, “tuyển dụng” đi biển theo cách truyền thống lâu nay ngày càng ít đi. Thay vào đó là lao động mang tính thời vụ, không ổn định.

Nói về công tác đào tạo ngành Thủy sản, TS. Tạ Quang Ngọc - nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, hệ thống đào tạo hiện nay đã quá cũ kỹ. Đã nhiều thập kỷ nay hệ thống này không có gì thay đổi, trong khi từ lâu đã có sự biến đổi rất lớn diễn ra trong cơ cấu kinh tế - xã hội, trong điều kiện tự nhiên đối với nghề cá, trong công cuộc đổi mới và hội nhập. Sự gắn kết vĩ mô giữa trường đào tạo ngành Thủy sản với xã hội ngày càng rời rạc. Vì thế, phải sớm đổi mới hệ thống đào tạo ngành Thủy sản mới mong nâng cao được hiệu quả.

Một vấn đề lớn cần quan tâm hiện nay là có rất nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân đang được triển khai. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, thấu đáo xem hiệu quả từ những chính sách đó đến đâu; đang có vướng mắc gì và làm thế nào để tháo gỡ. Đơn cử như việc thực hiện Nghị định 67 hỗ trợ ngư dân của Chính phủ chẳng hạn. Phải làm quyết liệt vấn đề này, để ngư dân được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách mà Đảng và Nhà nước dành cho họ.

Từ thực tế nói trên, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII xác định: “Phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường; có cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút nhân tài, từng bước hình thành đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đạt trình độ quốc tế, có chuyên môn sâu về biển và đại dương”; đồng thời “Nâng cao đời sống, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng ven biển, trên đảo và những người lao động trên biển”.

Để giải quyết bài toán lao động cho nghề đi biển, cần có chương trình điều tra, đánh giá tổng thể về thực trạng lao động đi biển; vấn đề đào tạo, bố trí nguồn nhân lực cho khai thác, chế biến thủy sản... Trên cơ sở đó quy hoạch phát triển đội tàu khai thác; đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá; tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả khai thác, tăng thu nhập cho người đi biển...

Trong quá trình thực hiện các nghị quyết nói trên, chúng ta cần quán triệt các ngành, địa phương quan điểm phát triển kinh tế biển không chỉ là vấn đề xóa đói giảm nghèo cho ngư dân và người dân ven biển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn vì mục tiêu bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

PHONG NGUYÊN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/thoisu-suyngam/201811/nhan-luc-bien-8095829/