Nhân lên truyền thống cách mạng ở Bến Tre

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre giữ vững đoàn kết thống nhất, xây dựng Ðảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre giữ vững đoàn kết thống nhất, xây dựng Ðảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Dịp này ở tỉnh Bến Tre, không khí thi đua chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng càng trở nên sôi nổi và rộng khắp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Anh Phạm Minh Tân, Bí thư Chi đoàn ấp Quý Khương, xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú, một trong nhiều gương sáng của phong trào Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của tỉnh Bến Tre, chia sẻ: Chi đoàn của anh đang triển khai nhiều hoạt động cùng bà con trong ấp hướng về những ngày Tháng Tám lịch sử của dân tộc.

75 năm trước, từ thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Thủ đô Hà Nội vào ngày 19-8-1945, ngày 20-8-1945, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức hội nghị ở Chợ Đệm phổ biến kế hoạch Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ. Các lực lượng Cứu quốc quân và Thanh niên Tiền phong của các địa phương đã sẵn sàng xung trận. Ngày 24-8, Mặt trận Việt Minh tỉnh Bến Tre ra mắt công khai tại trung tâm tỉnh lỵ, để vừa thăm dò địch, vừa biểu dương lực lượng cách mạng. Trưa 25-8, tên chỉ huy trưởng lực lượng bảo an binh của tỉnh đi huyện Mỏ Cày để thu gom vũ khí. Vậy là thời cơ đến. Tỉnh ủy lập tức ra lệnh khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng cách mạng cùng quần chúng như nước vỡ bờ, với giáo mác, tầm vông ào đến chiếm trại bảo an binh, buộc chúng phải đầu hàng; tiến chiếm các công sở, tòa án, bưu điện, kho bạc, nhà máy điện, bót cảnh sát… Khí thế sục sôi cách mạng khiến kẻ địch tê liệt. Tỉnh trưởng Phan Văn Chỉ đầu hàng, xin nộp chính quyền cho cách mạng. Lúc ấy là 17 giờ ngày 25-8. Cờ cách mạng tung bay phấp phới khắp các ngả đường, nhân dân hân hoan mừng thắng lợi. Khởi nghĩa ở tỉnh lỵ là tiếng pháo lệnh cho phong trào toàn tỉnh. Chỉ trong đêm 25 và sáng 26, thực dân Pháp đổ, phát-xít Nhật đầu hàng. Chính quyền của nhân dân được hình thành từ tỉnh đến xã.

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre luôn đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương. Những năm gần đây, tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn lực tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối nhanh các tỉnh trong vùng, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Diện mạo từ thành thị đến nông thôn thay đổi nhanh chóng. 10 năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre luôn trong nhóm dẫn đầu, năm 2019 xếp hạng 7 cả nước. Đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó một số chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thu nhập bình quân giai đoạn này đạt 44,6 triệu đồng/người/năm. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển xã hội, quốc phòng - an ninh có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng được nâng lên. Tỉnh hiện có 49 trong số 158 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,76%.

Đồng chí Hồ Thị Hoàng Yến, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, tinh thần Cách mạng Tháng Tám được Đảng bộ tỉnh phát huy rõ hơn cả trong thời gian qua là việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Từ năm 2016, Tỉnh ủy thực hiện quy định phân công cán bộ cấp ủy tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện ủy, thành ủy phân công cán bộ lãnh đạo cấp huyện phụ trách tiểu vùng, phụ trách xã và trực tiếp theo dõi từng ấp, khu phố; Đảng ủy xã, phường, thị trấn phân công cán bộ trực tiếp theo dõi tổ nhân dân tự quản, hộ gia đình, với phương châm tỉnh nắm tới xã, huyện nắm tới ấp, khu phố, xã nắm tới hộ gia đình. Việc phân công rõ người, rõ nội dung “bốn nắm”, “bốn góp” và “ba kiểm”, gọn lại là: Nắm chắc tình hình tổ chức đảng; góp sức cùng đảng ủy cơ sở, chi bộ ấp, khu phố triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ. Quy định nêu trên đã được đội ngũ cán bộ nêu cao trách nhiệm, triển khai nghiêm túc; góp sức cùng địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề mới phát sinh ngay tại cơ sở. Nhờ đó, nhiều phong trào cách mạng, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, Đồng Khởi mới, Đồng Khởi khởi nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp… lan tỏa sâu rộng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Có dịp trở lại huyện Chợ Lách, chúng tôi bất ngờ bởi một vùng thuần nông, nghèo khó của tỉnh Bến Tre năm nào giờ đã thay đổi vượt bậc. Cả 10 xã của huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân hơn 46 triệu đồng/người/năm. Nơi đây có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển, liên kết ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thí dụ như mô hình của Hợp tác xã Mai Vàng do đảng viên Lê Tấn Đạt, Bí thư Chi đoàn ấp Phú Hội, xã Vĩnh Thành làm chủ nhiệm. Có nghề, anh vận động đoàn viên, thanh niên vào Tổ hợp tác; giúp vốn không tính lãi để thành viên mua cây giống, trao đổi kỹ thuật chăm sóc mai vàng, cách bo mai, ghép mai,... Nỗ lực này của anh Đạt đã giúp nhiều bạn trẻ có thêm thu nhập, gắn bó hơn với phong trào, hoạt động đoàn, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Cũng ở huyện Chợ Lách, năm vừa qua có 1.200 trong số 5.600 người cao tuổi được công nhận là gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi, với tổng vốn đầu tư hơn 390 tỷ đồng; thu hút thường xuyên hơn 3.000 lao động. Hay như mô hình phát triển du lịch sinh thái làng nghề của lão nông Nguyễn Công Thành ở ấp Sơn Châu, xã Sơn Định. Mỗi năm, ông Thành cung ứng ra thị trường hơn 700 nghìn cây ca-cao. Đến thưởng ngoạn trong khu du lịch sinh thái rộng gần 20 công đất với bạt ngàn cây xanh của ông Thành, rồi thưởng thức nước ép ca-cao nguyên chủng hay nhâm nhi rượu ca-cao do chính tay ông Thành chế biến, ai nấy đều trầm trồ, thích thú. Với khu vườn cây cảnh của ông Nguyễn Văn Công ở xã Khánh Trung B, mỗi năm cũng thu lãi hàng trăm triệu đồng từ việc xuất bán sản phẩm. Những bộ cây cảnh hình 12 con giáp, nhà lục giác, bát giác, bình bông, hồ lô,... của ông liên tục xuất hiện trên các gian hàng tại nhiều lễ hội lớn trong và ngoài nước. Những vùng quê cách mạng đang ngày càng trở nên trù phú.

Bài, ảnh: QUẾ CHI và HOÀNG TRUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/nhan-len-truyen-thong-cach-mang-o-ben-tre-613123/