Nhân lên tình đoàn kết ở các thôn, bản

Mô hình gây quỹ cộng đồng đang được nhân rộng trong các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai, góp phần phát huy tình đoàn kết, gắn bó của cộng đồng.

Đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Nguồn quỹ được trích từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, từ những vườn cây công nghiệp trồng trên quỹ đất chung của làng đã mang đến cho bà con những khoản thu đáng kể. Sau khi thu hoạch và chia cho những hộ gia đình trực tiếp sản xuất một khoản cố định, số tiền còn lại được trưởng thôn sung vào quỹ làng để lo những việc chung.

Xã Hà Tây, huyện Chư Păh, có 7/10 thôn, làng nhận chăm sóc, bảo vệ 3.700 ha rừng trên địa bàn. Đến cuối năm, khi nhận được tiền chi trả công chăm sóc từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai, bà con người Ba Na tại xã lại tập trung về nhà Rông của làng tổ chức lễ hội ăn mừng.

Ông Thaoh, Chủ tịch xã Hà Tây, huyện Chư Păh cho biết: Mô hình gây quỹ cộng đồng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tương thân tương ái của bà con trong từng thôn, làng. Trước đây, việc chung của thôn, làng phải chờ các hộ dân đóng góp nhưng từ khi có quỹ cộng đồng, bà con bớt một khoản chi phí mà lại gắn kết tình cảm hơn. Năm 2018, chính quyền xã đã nhân rộng 100% mô hình trên toàn xã.

Anh Yuih - Trưởng thôn Kon Sơ Lăl chia sẻ, sau 3 năm nhận chăm sóc, bảo vệ 1.300 ha rừng, quỹ làng dư 400 triệu đồng. Năm 2017, làng Kon Sơ Lăl đã trích quỹ mua máy xay gạo, kéo trụ điện, làm sân bê tông của nhà xát lúa khoảng 100 triệu đồng. Làng còn trích tiền làm sân bóng đá, bóng chuyền cho thanh niên vui chơi, giải trí.

Trước đó, già làng Sôn quyết định mua bộ cồng chiêng giá 50 triệu đồng để các nghệ nhân trong làng truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống.Các khoản tiền quỹ chung được sử dụng có ích cho việc phát huy tính cộng đồng trong thôn, làng là động lực để bà con dân tộc Ba Na ở xã Glar, huyện Đăk Đoa có trách nhiệm chung tay chăm sóc những vườn cà phê.

Ở thôn Dôr 2, bà con trồng gần 5 ha trong khu đất chung của làng, mỗi gia đình đều cử người luân phiên góp công chăm sóc. Cuối vụ thu hoạch năm 2017, trừ chi phí, trưởng thôn đã sung quỹ làng 220 triệu đồng.

Anh Chưp, Trưởng thôn Dôr 2 chia sẻ: Thôn có khu đất chung, bà con tận dụng trồng cà phê. Trưởng thôn chia đều diện tích cho 9 tổ, các tổ trưởng phân công nhiệm vụ cho từng hộ gia đình như tưới nước, tỉa cành, thu hoạch… Từ nguồn tiền quỹ hiện có, đầu năm 2018, thôn Dôr 2, vận động đóng góp thêm để kéo 800m dây, chôn 30 trụ điện để xây dựng trạm biến áp 75KVA với tổng số tiền 450 triệu đồng.

Công trình này phục vụ điện cho việc đặt máy bơm lấy nước tưới cà phê cho cả làng. Năm 2016, bà con trích quỹ làng xây nhà văn hóa, làm nơi sinh hoạt chung cho cả làng; hơn 3 km đường bê tông liên thôn cũng được xây dựng từ quỹ cộng đồng làng. Ngoài ra, hàng năm, cứ mỗi độ thanh niên trong làng nhập ngũ, bà con thường trích quỹ làng tổ chức lễ động viên.

Với phương châm “Một người vì nhiều người, nhiều người vì một người”, mô hình gây quỹ cộng đồng trong các thôn, làng đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, có kinh phí tổ chức những hoạt động chung, gắn kết tình cảm bà con. Mô hình hữu ích này đang được bà con học hỏi, nhân rộng, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết trong đời sống người dân tộc thiểu số tại Gia Lai.

Hồng Điệp

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/nhan-len-tinh-doan-ket-o-cac-thon-ban-tintuc397337