Nhân lên sự đồng thuận

Như Báo Hànôịmới đã đề cập, ngay sau Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy đã ban hành và tích cực triển khai Chương trình số 01-CTr/TU ngày 26-4-2016 về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU là Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy Đảng thành phố đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó giúp thành phố nhân lên niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội trao giải A Giải Báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội năm 2019 cho các tác giả. Ảnh: Thái Hiền

Tin tưởng, đồng thuận cao

Chương trình số 01-CTr/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020” đã được Thành ủy và các cấp ủy Đảng triển khai nghiêm túc ngay sau khi được ban hành. Một trong những nhiệm vụ được quan tâm đầu tiên, thực hiện hiệu quả là công tác chính trị tư tưởng.

Thành ủy đã tập trung lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng bằng nhiều giải pháp cụ thể, sâu sát, khoa học, phù hợp với đặc điểm, tình hình Thủ đô. Chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo tiếp tục được nâng lên, mọi hoạt động đã bám sát thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, tăng cường đối thoại, trao đổi, tạo được sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhìn chung, tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Việc quán triệt, nghiên cứu, học tập các Nghị quyết của Trung ương và Thành ủy có nhiều đổi mới, kịp thời, sâu rộng hơn với nhiều hình thức đa dạng; tăng cường hội nghị trực tuyến đến tận xã, phường, thị trấn, sinh hoạt chuyên đề... Nhiều hội nghị có hàng vạn đảng viên các cấp cùng tham gia.

Mô hình tổ chức, cán bộ làm công tác tuyên giáo từ cơ sở đến quận, huyện, thị ủy được củng cố, kiện toàn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị cho cán bộ cơ sở được đẩy mạnh (mỗi năm tổ chức khoảng 30 lớp trung cấp lý luận chính trị cho gần 3.000 cán bộ cơ sở). Giáo dục chính trị, tư tưởng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa được triển khai tích cực.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa giáo, lịch sử Đảng, nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội được tăng cường, chủ động, sáng tạo, thích ứng với thực tiễn. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động thông tin, tuyên truyền; đấu tranh phê phán cái xấu, tiêu cực trên không gian mạng. Hà Nội là địa phương đi đầu ban hành Đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; phát động “Giải Báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội” và “Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” thu hút sự tham gia của đông đảo các cơ quan báo chí, người làm báo trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu, dự báo, định hướng dư luận xã hội được quan tâm, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề lớn, phức tạp, tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” được tiến hành chủ động, có hiệu quả, nhất là hoạt động của Ban Chỉ đạo 94 (nay là Ban Chỉ đạo 35) thành phố. Phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố trong đấu tranh với âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; phê phán, ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...

Với sự chủ động, đa dạng hóa trong tuyên truyền, những vấn đề thiết thực với đời sống nhân dân; những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc "nóng", phức tạp... đã được thông tin kịp thời góp phần định hướng dư luận, tạo niềm tin và tinh thần đồng thuận trong nhân dân.

Học tập và làm theo Bác đi vào nền nếp

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức thực hiện đồng bộ, sâu rộng và có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tập trung thực hiện tốt các chuyên đề theo từng năm. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, ưu điểm rõ nhất là các cấp, ngành, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội đã rất nghiêm túc, bài bản, khoa học, sáng tạo trong triển khai thực hiện; xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong chương trình công tác hằng năm của thành phố. Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo việc kiểm điểm cán bộ, đảng viên gắn với kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hằng năm, mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng bản cam kết, kế hoạch thực hiện để theo dõi, làm căn cứ kiểm điểm, đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm; vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tự phê bình và phê bình.

Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong nhân rộng mô hình hay, điển hình tiên tiến. Tiêu biểu như quận Long Biên niêm yết công khai kế hoạch học tập và làm theo Bác của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Huyện ủy Sóc Sơn triển khai mô hình ghi sổ đảng viên tiêu biểu làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến các chi bộ.

Đáng chú ý, Hà Nội đã đưa chuyên đề học tập và làm theo ư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã và trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thành phố đã tổ chức vinh danh những công dân Thủ đô ưu tú và hàng nghìn tấm gương “Người tốt, việc tốt” từ thành phố đến cơ sở, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, tự giác của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân giúp nhân lên những điều tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân. Đây là giải pháp để Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/978905/nhan-len-su-dong-thuan