Nhân lên những 'Hũ gạo tình thương'

Sau thời gian nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19, thầy và trò Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) có niềm vui trở lại trường. Còn nhiều em học sinh có gia cảnh khó khăn nên nhà trường tiếp tục tổ chức quyên góp gạo cho mô hình 'Hũ gạo tình thương' (HGTT). Từ những nắm gạo này, nhiều em tiếp tục được đến trường theo đuổi giấc mơ con chữ...

Đã thành thông lệ, mỗi sáng thứ hai tuần đầu tháng, thầy và trò Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc lại dành ít thời gian làm từ thiện. Đây là lúc để mọi người bỏ những nắm gạo của mình vào HGTT nhằm chia sẻ khó khăn với học sinh nghèo. Cô Ngô Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Kể từ ngày triển khai đến nay, HGTT của trường đã quyên góp được 335kg gạo; hỗ trợ 20 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thôn Khúc Na (xã Sa Bình). Được hỗ trợ gạo, các em có điều kiện để tiếp tục đến trường".

Theo giới thiệu của cán bộ thôn Khúc Na, chúng tôi tìm đến nhà em A Thac (10 tuổi), học sinh lớp 4B Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc. Trò chuyện với tôi, chị Y Dyar, 40 tuổi, mẹ của A Thac, kể: "Năm 2014, chồng tôi là A Dot qua đời do bệnh tật, bỏ lại 5 mẹ con tôi, khi đó A Thac mới 4 tuổi". Hằng ngày, chị Y Dyar đi nhổ cỏ mỳ (sắn) và hái cà phê thuê để kiếm tiền lo cái ăn cho các con. Mỗi ngày như thế chị được trả từ 100.000 đến 150.000 đồng. Các con là A Đi, A Thảo đều phải nghỉ học để làm thuê phụ giúp mẹ; còn Y Than (con gái) và A Thac có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng...

 Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc tham gia mô hình "Hũ gạo tình thương".

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc tham gia mô hình "Hũ gạo tình thương".

Rời nhà A Thac, chúng tôi đến nhà em A Nung (6 tuổi), học sinh lớp 1D, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc. Hoàn cảnh A Thac cũng rất khó, mẹ A Nung là Y Đai bị bệnh nặng và mất gần một năm nay. A Nung là con út trong gia đình có 4 anh em, hiện sống với bố. Cuộc sống của gia đình phải lo từng bữa vì không có ruộng nương. A Thac, A Nung là hai trong số 20 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc hỗ trợ gạo 23kg/gia đình. Số gạo tuy không nhiều nhưng góp phần giúp các em có được bát cơm trong những ngày thiếu đói.

Làng Khúc Na có 65/136 hộ nghèo, phần lớn đều thiếu đói, phải đi làm thuê. Bởi vậy, nhiều em nhỏ có nguy cơ phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Được hỗ trợ gạo, các em có điều kiện để tiếp tục đến trường. Chị Ngô Thị Hồng Thắm, chuyên viên Hội Chữ thập đỏ huyện Sa Thầy, cho biết: "Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc là một trong 28 trường học trên địa bàn huyện Sa Thầy tổ chức HGTT. Qua thời gian phát động, tổng số gạo thu được là 2.872kg, hỗ trợ 309 học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở địa phương. Mô hình HGTT tạo nên sức lan tỏa của phong trào “Lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng...".

Kể từ ngày HGTT được phát động, phong trào “Lá lành đùm lá rách” đã và đang lan tỏa trong các trường học trên địa bàn huyện Sa Thầy. Từ phong trào này, nhiều học sinh biết chia sẻ khó khăn với những người nghèo khó quanh mình. Ví như, ngày 8-5, em Mai Nguyễn Hải Dương, thay mặt học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn, thị trấn Sa Thầy đã đến trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện trao số tiền 1,5 triệu đồng ủng hộ Quỹ “Phòng, chống dịch Covid-19”. Số tiền này do tập thể lớp 5B thu được từ phong trào “Thu gom rác thải nhựa” để gây quỹ lớp. Trước đó, thấy các cô giáo may khẩu trang, mua nước uống hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại chốt liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 huyện Sa Thầy, hai học sinh là Nguyễn Thị Thùy Trang (lớp 5B) và Nguyễn Minh Hoài An (lớp 2A) Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc xin phép bố, mẹ đập heo đất, dành tiền tiết kiệm 780.000 đồng mua mỳ gói, nước yến và cà phê tặng bộ đội làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại chốt liên ngành. Số tiền tuy không nhiều, nhưng hành động của các em đã lan tỏa nghĩa cử cao đẹp, quan trọng hơn, việc làm đó đã tạo cho các em có tâm hồn hướng tới những việc làm có ý nghĩa.

“Tháng 9-2019, HGTT được triển khai trong trường học. Bên cạnh việc huy động sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ, giáo viên, học sinh dành cho những hoàn cảnh khó khăn, mô hình còn góp phần giáo dục cho học sinh, nhân dân truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Mô hình góp phần nhân lên thói quen tiết kiệm trong nhân dân và các em học sinh để giúp đỡ những người khó khăn trong cộng đồng”, bà Y Sâm, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Sa Thầy chia sẻ.

Bài và ảnh: LUYẾN NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhan-len-nhung-hu-gao-tinh-thuong-618984